Nữ bác sĩ gần 20 năm là ‘bến đỗ cuối cuộc đời’ của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Đã từng 2 lần nộp đơn xin nghỉ việc vì áp lực, nhưng “duyên nghề” đã khiến nữ bác sĩ quyết định ở lại, chăm sóc và gắn bó với những bệnh nhân HIV/AIDS tại Bệnh viện 09.
Đó là trường hợp của bác sĩ Mai Thị Hường, Trưởng khoa khám bệnh và điều trị nội trú tại Bệnh viện 09. Bác sĩ Mai Thị Hường từng là cán bộ dân số tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, công việc khá ổn định. Sau đó, chồng chị chuyển công tác lên Hà Nội và bác sĩ Hường quyết định đi cùng chồng. Khi có ý định chuyển đến công tác tại Bệnh viện 09, nhiều người đã gàn chị. Gần 20 năm trước, do thiếu hiểu biết nhiều người vẫn coi căn bệnh HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ, rất kinh khủng. Chính vì vậy, nhiều người xa lánh những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS vì lo sợ căn bệnh này dễ dàng lây nhiễm sang cho mình. Thậm chí, có những bác sĩ điều trị HIV bị cả những người hàng xóm, người thân xa lánh. Vượt qua những áp lực của nghề, bác sĩ Hường vẫn quyết định lựa chọn nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình.
Tận mắt chứng kiến công việc hàng ngày của các bác sĩ tại Bệnh viện 09 mới thấu hiểu được sự vất vả, hiểm nguy và những cống hiến thầm lặng của họ với một ý nguyện là giúp cho bệnh nhân vơi đi nỗi đau về thể xác và tinh thần.
Cách đây gần 20 năm, mỗi ngày, Bệnh viện 09 có rất đông người tới thăm khám. Có thời điểm khoa điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân ngoại trú (hiện có khoảng 400 người). Hàng ngày bác sĩ Hường đến bệnh viện từ sáng sớm, chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS nơi này. Gắn bó với Bệnh viện 09 suốt gần 20 năm, bác sĩ Hường không nhớ mình đã tiếp xúc không biết bao nhiêu bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ. Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, số phận khác nhau.
Bệnh viện 09 là bệnh viện của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, khi chuyển đến bệnh viện này thường bệnh nhân mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội. Bác sĩ Mai Thị Hường là trường hợp hiếm đồng hành với bệnh viện 09 ngay từ những ngày mới thành lập. Cũng ở nơi đây, bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, bao nhiêu câu chuyện thương cảm đã khiến cho nữ bác sĩ này vượt qua những khó khăn, áp lực của chính bản thân và của công việc.
Đa phần các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09 đều có hoàn cảnh "đặc biệt", có những người có quá khứ khá phức tạp, từ người nghiện hút ma túy, gái bán dâm, hoặc người bị gia đình bỏ rơi khi phát hiện nhiễm HIV/AIDS. Chính vì vậy, nhiều người mang trong mình nỗi mặc cảm, thường tìm cách xa lánh bác sĩ, có người thì bất cần, không quan tâm đến việc điều trị và sống chết ra sao, và cũng có những trường hợp không hợp tác điều trị. Những lúc này, những bác sĩ lại đóng vai trò của người thân, động viên tinh thần cho các bệnh nhân để bệnh nhân hợp tác điều trị.
Gần 20 năm chăm sóc những bệnh nhân cận kề cái chết, chứng kiến cảnh hàng ngày, sự đau đớn của những con người đang bị hủy hoại bởi virus HIV, lở loét toàn thân, bản thân thì luôn bị rình rập nguy cơ phơi nhiễm, bác sĩ Hường đã phải vượt qua biết bao rào cản vô cùng khó khăn, quyết tâm ở lại Bệnh viện 09 để chăm sóc cho các bệnh nhân như chăm sóc cho những người nhà của mình.
Bác sĩ Hường chia sẻ, điều khiến bác sĩ ám ảnh nhất là có những trường hợp do thiếu hiểu biết, kỳ thị, phân biệt đối xử nên đã kỳ thị, lạnh lùng đối với chính những người thân của mình, bỏ rơi người thân của mình trong những ngày đau ốm tại bệnh viện. Ở một số bệnh viện khác, trước khi bệnh nhân lìa xa cõi đời, người thân bên cạnh rất nhiều. Tuy nhiên, ở bệnh viện này có nhiều hoàn cảnh lúc mất không có một ai. Trong lúc thoi thóp giữa sự sống và cái chết, bệnh nhân nắm chặt tay bác sĩ rồi nói thèm được gặp bố mẹ nhưng cuối cùng vẫn chẳng có ai đến, họ chết mà không nhắm được mắt. Chính vì vậy, đã có bệnh nhân khi bị AIDS giai đoạn cuối cũng không có người thân bên cạnh, khi đó bác sĩ Hường đã ở bên cạnh bệnh nhân chăm sóc như chính người nhà của mình.
Có những bệnh nhân may mắn hơn khi gia đình có mặt, nhưng họ chỉ dừng ở cổng viện ngó vào, không dám lại gần và phó mặc cho nhân viên y tế. Còn có những gia đình bày tỏ mong muốn bệnh nhân "đi nhanh" hơn. Cuộc đời họ khi sống đã bị gia đình xa lánh, nhưng đến chết cũng cô đơn, quạnh vắng chỉ có những y tá, bác sĩ là những người cuối cùng bên cạnh họ.
Bác sĩ Hường nhớ lại, có gia đình 3 người con trai đều nghiện ma túy dẫn tới mắc HIV/AIDS rồi lần lượt qua đời. Bác sĩ Hường đã chứng kiến người người cha lần lượt tiễn 3 đứa con "ra đi" ở Bệnh viện 09.
Nhiều bệnh nhân có quá khứ nghiện ngập, phá phách nên bị gia đình từ mặt. Như trường hợp một bệnh nhân ở Hà Nội sắp tử vong, nửa đêm bác sĩ gọi điện báo tin: "Con trai bác đang diễn biến rất nặng sắp không qua khỏi, bệnh nhân tha thiết muốn gặp gia đình". Nhưng vừa dứt lời người cha bảo: "Bao giờ nó chết hãy gọi".
Bác sĩ Hường ngậm ngùi: "Nghe xong chúng tôi rất buồn, nghĩ thương bệnh nhân. Mặc dù họ có lỗi trong quá trình sống nhưng nghĩa tử là nghĩa tận... Có lẽ họ quá chán với quá khứ ăn chơi trác táng của con trai nên mới nói như vậy".
Sau đó, nam bệnh nhân đã trút hơi thở cuối cùng trong cô độc. Sáng hôm sau, bệnh viện đã gọi điện báo tin để gia đình thu xếp lo hậu sự. "Điều đáng buồn hơn nữa là người nhà bảo "nó chết rồi à, thủ tục mai táng bệnh viện làm hết chứ?". Chúng tôi trả lời nếu quá thời gian quy định, gia đình không đến thì bệnh viện sẽ làm hết các thủ tục cho bệnh nhân, chi phí mai táng Nhà nước chi trả. Không lâu sau đó, người nhà bệnh nhân đến đông nghịt", bác sĩ Hường kể thêm.
Chứng kiến những trường hợp ra đi trong cô độc, bác sĩ Hường chỉ mong những bệnh nhân phải "ra đi" vì căn bệnh AIDS sẽ được yên nghỉ thanh thản nơi suối vàng.
Chính vì chứng kiến nhiều trường hợp như vậy nên khi mới vào nghề, không ít bác sĩ bị ám ảnh suốt một thời gian dài, không ăn nổi cơm. Một số trường hợp lúc mất, cơ thể bệnh nhân lở loét nên cực kỳ hôi thối. Khi đó, để bớt mùi hôi, nhân viên y tế phải đổ dầu Phật Linh vào khẩu trang nhưng cũng không phai đi bao nhiêu.
Những khó khăn trong nghề không làm cho những người như bác sĩ Hường bỏ cuộc, bác sĩ Hường và đồng nghiệp luôn tâm niệm khi đã lựa chọn nghề thì phải yêu nghề, có trách nhiệm và làm tốt nhất có thể, thậm chí xem bệnh nhân như chính người nhà. Bác sĩ Hường cho hay những năm trước, bệnh nhân HIV/AIDS điều trị muộn tử vong nhiều, mỗi ngày có từ 2-3 ca. Bây giờ, mỗi năm viện chỉ có một vài ca tử vong.
Nữ bác sĩ bộc bạch từng có thời gian do công việc áp lực nên làm được 2 năm thì bà xin nghỉ việc nhưng được lãnh đạo bệnh viện động viên ở lại. "Một thời gian sau đó tôi lại nộp đơn xin nghỉ. Nhưng khi nghĩ lại mình có quãng thời gian gắn bó với bệnh nhân, rất khó để dứt bỏ, vậy là tôi lại rút đơn và quyết định gắn bó đến tận bây giờ", bác sĩ Hường trải lòng.
Vẫn một lòng bó với ngôi nhà thứ 2, bác sĩ Hường vẫn hàng ngày đến Bệnh viện 09 chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Không chỉ là bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân, các bác sĩ như bác sĩ Hường còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc và là người thân nơi "bến đỗ cuối cuộc đời" của nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở đây cũng bởi vì một chữ "Tâm" của người thầy thuốc.
Thùy Chi