Phấn đấu mỗi huyện, thành phố chuyển hóa ít nhất 1 xã, phường không có ma túy

27/02/2023 12:04

(Chinhphu.vn) - Đây là một trong những mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch thực hiện các giải pháp giữ vững xã, phường, thị trấn không có ma túy và kéo giảm xã, phường, thị trấn có ma túy năm 2023 vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành.

Phấn đấu mỗi huyện, thành phố chuyển hóa ít nhất 1 xã, phường không có ma túy - Ảnh 1.

Học viên tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề tâm lý. Ảnh: Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp

Theo đó, kế hoạch xác định mục tiêu đến cuối năm 2023, phấn đấu mỗi huyện, thành phố chuyển hóa ít nhất 1 xã, phường, thị trấn từ có ma túy thành không có ma túy; phấn đấu giữ vững 27 xã, phường, thị trấn không có ma túy đã được UBND tỉnh công nhận vào cuối năm 2022.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chuyên trách tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm về ma túy; quản lý địa bàn, không để hình thành "điểm nóng" về ma túy.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố tổ chức rà soát, xác định địa bàn trọng điểm để có kế hoạch chuyển hóa; triển khai giải pháp giữ vững địa bàn không có ma túy; thống kê, phân loại người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy và hỗ trợ điều trị cho người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy gắn với củng cố, nâng cao hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm, ma túy tại địa bàn cơ sở...

Tiếp tục tăng cường tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai

Thống kê của ngành chức năng, đến tháng 2/2023, toàn tỉnh Đồng Tháp có 692 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý. Sở LĐTB&XH đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai, góp phần giúp người nghiện từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH phối hợp cùng các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp thực hiện việc cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện phù hợp, hiệu quả. Tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh, Sở LĐTB&XH thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề định kỳ hàng tháng giúp học viên nghe thuyết giảng về tâm lý, tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian..., góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao ý chí quyết tâm cai nghiện.

Hiện Cơ sở điều trị nghiện tỉnh tổ chức cắt cơn cai nghiện theo phát đồ ngành y tế; duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tác hại của ma túy; tổ chức cho tất cả học viên đọc và nghe tin đài phát thanh, xem truyền hình góp phần nâng cao hiệu quả điều trị nghiện. Bằng những giải pháp triển khai, trong năm 2022, có 235 học viên được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; hiện Cơ sở điều trị nghiện tỉnh đang quản lý, điều trị cho 188 học viên.

Song song với công tác điều trị cho học viên tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh, Sở LĐTB&XH còn phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố duy trì mô hình "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng" tại 127/143 xã, phường, thị trấn. Từ năm 2022 đến tháng 2/2023, Sở phối hợp ngành Công an tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, cho 1.294 cán bộ cấp xã tham gia quản lý, giúp đỡ người nghiện tại cộng đồng. Từ đó, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn tham mưu cấp ủy, UBND cùng cấp rà soát, lập hồ sơ quản lý người nghiện trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, công chức LĐTB&XH, Ban nhân dân khóm, ấp đến gia đình gặp gỡ, tuyên truyền về tác hại của tệ nạn ma túy; tư vấn pháp luật, chính sách trong cai nghiện; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người nghiện để tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tiếp cận vốn vay..., giúp nhiều trường hợp có chuyển biến tốt.

Vĩnh Hoàng

}
Top