'Phao cứu sinh' cho bệnh nhân điều trị HIV, Methadone bị viêm gan C
(Chinhphu.vn) - Từ năm 2022, bệnh nhân điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) và Methadone bắt đầu được hỗ trợ điều trị viêm gan C. Đến nay, số bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị Methadone mắc viêm gan C được điều trị tại 38 tỉnh, thành phố là 16.052 bệnh nhân, trong đó có gần 4.500 bệnh nhân Methadone.
Bệnh nhân đồng nhiễm VGC/HIV nguy cơ biến chứng nặng nếu không được chữa trị
TS. Nguyễn Thúy Vân, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê, trong năm 2021, tại Việt Nam khoảng 6,6 triệu người nhiễm HBV mạn tính và hơn 900.000 người nhiễm viêm gan C (HCV) mạn tính.
"Nếu các bệnh đồng nhiễm, đồng mắc như bệnh lao, viêm gan virus không được phát hiện và điều trị sớm thì không thể giảm tỉ lệ tử vong ở người HIV. Việt Nam chúng ta là một trong những nước có tỉ lệ gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan virus, trong đó có viêm gan B và viêm gan C", TS. Nguyễn Thúy Vân cho hay.
PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, HCV là một trong các căn nguyên hàng đầu dẫn đến bệnh gan mạn tính trên toàn cầu. Đường lây truyền của virus VGC tương tự như HIV.
Trong những năm gần đây, điều trị viêm gan C đã có những tiến bộ vượt bậc. Trước năm 2011, phác đồ điều trị viêm gan C có thời gian điều trị kéo dài tới 48 tuần kèm theo nhiều tác dụng phụ, độ bao phủ các kiểu gen cũng bị hạn chế. Điều này dẫn đến số người điều trị viêm gan C thấp, hiệu quả chưa cao.
Sự ra đời của các thuốc có tác dụng trực tiếp (còn gọi tắt là thuốc DAA) đã mang lại những hiệu quả lớn trong điều trị viêm gan C do rút ngắn thời gian điều trị cũng như tăng sự bao phủ đối với các kiểu gen khác nhau của virus viêm gan C. Điều này dẫn đến người bệnh điều trị phác đồ này có tỉ lệ khỏi bệnh cao.
Hiện điều trị VGC đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên, giá thành điều trị VGC ở Việt Nam còn cao và BHYT chỉ thanh toán cho các trường hợp điều trị VGC từ tuyến tỉnh trở lên. Đây là rào cản rất lớn đối với người bệnh HIV cũng như người đang điều trị methadone vì phần lớn trong số họ là có điều kiện kinh tế khó khăn và hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện.
Theo PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, đối với người bệnh, nếu không được điều trị, bệnh sẽ chuyển sang xơ gan, ung thư gan và tử vong do các biến chứng của bệnh gan trong vòng 20 – 30 năm. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sự tiến triển nhanh hơn của bệnh gan ởnhững bệnh nhân đồng nhiễm HIV và HCV. Tỉ lệ tiến triển xơ hóa tăng lên đáng kể ở những bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C.
Ngoài ra, việc đồng nhiễm HCV làm cho điều trị HIV trở nên phức tạp. Gan bị tổn thương do virus viêm gan C có khả năng tổn thương nặng hơn khi dùng một số thuốc ARV. Khả năng chuyển hóa thuốc trên những bệnh nhân có bệnh gan mạn tính cũng giảm, làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc. Bệnh lý gan mạn tính (xơ gan, ung thư gan) cũng là một trong các nguyên nhân gây tử vong và giảm chất lượng sống của bệnh nhân nhiễm HIV.
Trong những người đồng nhiễm HIV/HCV có xơ gan còn bù, tỉ lệ sống được 3 năm là 87%. Ngược lại nếu có xơ gan mất bù tỉ lệ sống được 2 năm chỉ có 50%. Việc điều trị VGC cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV đã giúp cho họ sống vui khỏe, tiếp tục ổn định điều trị ARV.
Hơn 16.000 bệnh nhân ARV, methadone được hỗ trợ điều trị VGC
Năm 2022 là năm lần đầu tiên bệnh nhân điều trị ARV và Methadone được hỗ trợ điều trị viêm gan C, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã điều trị cho hơn 16.000 bệnh nhân ARV và bệnh nhân methadone bằng thuốc DAAs do Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ. Tỉ lệ điều trị khỏi VGC lên đến 97,4% ở những người hoàn thành phác đồ và đủ điều kiện làm xét nghiệm tải lượng virus VGC. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với sức khỏe người bệnh, gánh nặng y tế và an sinh xã hội.
TS.BS Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, qua một năm triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Quá trình triển khai đã liên tục điều chỉnh chính sách và đưa ra nhiều giải pháp cho chương trình, tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai.
Cụ thể, tác động của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến kết quả của chương trình. Bên cạnh đó, chương trình chưa cung cấp được xét nghiệm tải lượng virus VGC qua nguồn quỹ BHYT. Việc thực hiện mua dịch vụ xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C do quỹ toàn cầu hỗ trợ không tìn được phòng xét nghiệm đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng của Quỹ Toàn cầu; lấy mẫu, vận chuyển mẫu khi nhà cung ứng dịch vụ không nằm tại địa bàn tỉnh...
Khó khăn nữa là nhiều bệnh nhân không thực hiện sàng lọc anti HCV do phải trả kinh phí. Có những bệnh nhân từ chối làm xét nghiệm chuẩn đoán VGC và điều trị (dù đã có kết quả anti HCV+). Ngoài ra có một số bệnh nhân không tuân thủ điều trị do đi làm ăn xa không về nhận được thuốc đúng hẹn...
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, để khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới cần liên tục tổ chức các khóa tập huấn cho các bác sĩ, cán bộ y tế tại cơ sở điều trị ARV và cơ sở điều trị methadone về triển khai chương trình; thực hiện cơ chế kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ sở điều trị ARV và cơ sở điều trị methadone. Cung cấp dịch vụ lưu động tại các cơ sở điều trị methadone.
Bên cạnh đó, triển khai mạnh việc tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận dịch vụ và tuân thủ điều trị; tìm kiếm và huy động các nguồn lực hợp pháp trên địa bàn tỉnh để thực hiện xét nghiệm Anti HCV, xét nghiệm tải lượng HIV và xét nghiệm cơ bản.
Đồng thời, thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật quốc gia trên Zalo với 295 thành viên các cơ sở điều trị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố nhóm kỹ thuật trung ương để giải quyết các vấn đề vướng mắc kịp thời.
Theo Chiến lược Y tế toàn cầu của WHO về HIV, Viêm gan Virus và bệnh lây truyền qua đường tình dục giai đoạn 2022-2030, để viêm gan C không còn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030 thì các quốc gia cần ưu tiên, tối ưu hóa đáp ứng với HIV, viêm gan virus và bệnh lây truyền qua đường tình dục trong quần thể đích có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới… Việc điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV cũng là một trong các mục tiêu cần phải đạt được để chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030.
Thùy Chi