Phát huy sức mạnh toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
(Chinhphu.vn) - Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể địa phương mình phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để đấu tranh phòng, chống tội phạm, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng.
Tại Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh để chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo 138 tỉnh và Ban chỉ đạo 138 các địa phương; triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, Công an tỉnh phát huy vai trò nòng cốt.
Đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ; cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý 10 vụ, 13 đối tượng. Thủ đoạn chủ yếu vẫn là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và các sơ hở trong công tác quản lý tài chính, tài sản để phạm tội.
Đói với tội phạm pháp luật về kinh tế, môi trường, nổi cộm vẫn là những hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp. Phát hiện 394 trường hợp vi phạm về trật tự quản lý kinh tế; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 350 trường hợp với số tiền gần 2 tỷ đồng; khởi tố 44 vụ, 65 bị can.
Các lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố 36 vụ, 30 bị can sử dụng công nghệ cao để phạm tội (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...). Tội phạm về ma túy, trật tự xã hội... có xu hướng ngày càng trẻ hóa, thủ đoạn phức tạp, tinh vi. Đồng thời cũng đã phát hiện, xử lý 376 vụ, 660 đối tượng phạm tội về ma túy; khởi tố 331 vụ (đạt 99,7% chỉ tiêu đề ra), 463 bị can; xử phạt hành chính 31 vụ, 130 đối tượng; ít hơn so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT 2 cấp thụ lý 1.753 vụ án, 3.067 bị can; đã kết thúc điều tra 1.053 vụ, 2.160 bị can; chuyển Viện kiểm sát và Tòa án truy tố, xét xử trên 2.000 bị can, bị cáo; đạt tỷ lệ 96,4% số vụ án, vụ việc hình sự xảy ra trên địa bàn.
Với phương châm "Phòng hơn chống", Ban Chỉ Ban chỉ đạo 138 tỉnh Lâm Đồng và Ban chỉ đạo 138 các địa phương thuộc tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm; tuyên truyền pháp luật dưới nhiều hình thức; xây dựng, phát huy nhiều mô hình mới, hay, hiệu quả...
Để tiếp tục thực hiện kế hoạch công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả trên địa bàn năm 2023, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lâm Đồng đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, đề xuất Bộ Công an tham mưu Chính phủ chỉ đạo siết chặt công tác quản lý các hoạt động cho vay trực tuyến, qua ứng dụng điện thoại, mạng Internet, mạng xã hội để ngăn ngừa các đối tượng hoạt động tội phạm trên không gian mạng; đề xuất Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp với các ngân hàng, cơ quan, cung cấp dịch vụ mạng Internet, mạng viễn thông trong việc cung cấp thông tin, điều tra, xử lý các hành vi phạm tội...
Đối với việc tổ chức cho số đối tượng cai nghiện ma túy đang có diễn biến phức tạp; đề xuất Bộ LĐTB&XH chỉ đạo rà soát các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện để các đơn vị sự nghiệp công đăng ký, tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định...
Tại Hòa Bình, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm quyết liệt, hiệu quả nhằm mục tiêu kéo giảm tội phạm, tiếp tục đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, theo đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, lực lượng công an trong toàn tỉnh đã dồn lực đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ vững ổn định địa bàn...
Trong thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng chức năng Công an tỉnh và công an các địa phương của Hòa Bình đã đấu tranh, phát hiện và bắt giữ 8 vụ mua bán, sản xuất, tàng trữ pháo trái phép; thu giữ hàng trăm quả pháo các loại. Ngoài ra, các đơn vị công an đã làm rõ 2 vụ tai nạn do pháo nổ tự chế làm 3 người bị thương tích nặng xảy ra tại huyện Kim Bôi. Bắt giữ 1 đối tượng truy nã về tội "cướp tài sản" đang lẩn trốn trên địa bàn theo quyết định truy nã của Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Với tinh thần quyết liệt, đấu tranh không ngừng nghỉ với các loại tội phạm bất kể thời gian, thời điểm, lực lượng công an trong toàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh phòng chống tội phạm. Thời điểm đầu năm mới 2023, các cơ quan điều tra đã bắt, tạm giam, tạm giữ 26 người. Trong đó bắt quả tang 7 đối tượng, tiếp nhận đầu thú tạm giữ 11 đối tượng, giữ người trong trường hợp khẩn cấp 6 đối tượng, bắt bị can để tạm giam 1 đối tượng, bắt truy nã 1 đối tượng; khởi tố mới 7 vụ, 14 bị can; kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 10 vụ, 20 bị can...
Đặc biệt, ngay sau Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng công an các địa phương trong toàn tỉnh đã tăng cường công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó đã điều tra, khám phá 13/14 vụ phạm pháp hình sự, làm rõ 17 đối tượng. Nổi bật là cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ 1 vụ với 2 đối tượng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại khu vực bến cảng du lịch xã Thung Nai (Cao Phong); phát hiện, bắt 4 vụ, 5 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.
Những kết quả đạt được của lực lượng Công an tỉnh trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023 đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên cuộc sống. Đây cũng chính là nền tảng để lực lượng công an trong toàn tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, với mục tiêu tiếp tục kéo giảm tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Tại Đắk Nông, năm 2022, công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 13,7%, tỷ lệ điều tra, khám phá án và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt cao (trong đó tỷ lệ điều tra các vụ phạm pháp hình sự đạt 97,19%, riêng trọng án đạt 100%); triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn. Lực lượng tập trung đánh mạnh, đánh trúng, quyết liệt với phương châm không có vùng cấm với các loại tội phạm, không để tồn tại các tụ điểm phức tạp, kéo dài về tội phạm và tệ nạn xã hội. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vượt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra, công tác điều tra, xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường đạt nhiều kết quả nổi bật.
Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy đạt nhiều kết quả tích cực với việc phát hiện, triệt phá 202 vụ, 371 đối tượng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và trồng cây cần sa trái phép, thu giữ 7,7kg heroin, 1,357kg ma túy tổng hợp, 3,46 kg cần sa khô... Công tác điều tra, truy tố, xét xử được quán triệt và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốctiếp tục phát triển sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với nhiều mô hình, điển hình tiên tiến đã được xây dựng và nhân rộng với phương châm "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự", qua đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự ngay tại cơ sở...
Tại Cần Thơ, thời gian qua, Công an thành phố phối hợp xây dựng nhiều mô hình Dân vận khéo trên lĩnh vực an ninh trật tự và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, được người dân ủng hộ. Nổi bật là mô hình "Toàn dân tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội qua đường dây nóng"; "Camera an ninh"; "Cổng rào an ninh trật tự"; "Hộ gia đình an toàn phòng cháy chữa cháy"; "Tuần tra nhân dân"… Công an các đơn vị, địa phương đang nhân rộng các mô hình "Tuyên truyền cho người dân cách nhận biết về tiền giả; cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tội phạm và tích cực tham gia tố giác tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả"; "Cơ sở giáo dục tích cực phòng, chống ma túy và bạo lực học đường", "Ký túc xá an toàn về an ninh trật tự"… Theo Công an TP Cần Thơ, các mô hình đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, phát huy tác dụng, góp phần nâng cao nhận thức người dân về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm.
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nâng lên còn nhờ sự đồng hành của các ban, ngành, đoàn thể. Hội Cựu chiến binh các cấp thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 599 câu lạc bộ "6 không" (không tội phạm; không ma túy, không mại dâm; không vi phạm môi trường; không bạo lực gia đình; không khiếu kiện sai pháp luật; không vi phạm luật giao thông) với 13.950 thành viên. Năm 2022, các cấp Hội tham gia hòa giải thành 95/113 vụ mâu thuẫn trong nhân dân; phối hợp lực lượng tuần tra, canh gác 420 cuộc, có 2.885 lượt hội viên tham gia... Ðoàn Thanh niên tổ chức cho 100% cơ sở Ðoàn và thanh thiếu niên đăng ký cam kết thi đua thực hiện cuộc vận động "3 không với ma túy", thành lập 159 câu lạc bộ "Thanh niên với pháp luật", thực hiện phong trào xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ chia sẻ, trong phối hợp thực hiện nghị quyết liên tịch về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội, chúng tôi triển khai nhiều hoạt động cụ thể bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước nguy cơ của tội phạm, tệ nạn. Bên cạnh tuyên truyền, Hội duy trì hoạt động 535 mô hình "Ðịa chỉ tin cậy" tại cộng đồng; xây dựng nhiều mô hình "Khu vực an toàn cho phụ nữ và trẻ em". Ngoài ra, các câu lạc bộ "Phòng, chống bạo lực gia đình", "Phụ nữ với pháp luật", "Phụ nữ dân tộc chấp hành pháp luật" và các đội "Xã hội hóa tuần tra canh gác", "Tổ phụ nữ giữ gìn an ninh trật tự", "Giúp đỡ phụ nữ từng tham gia tệ nạn xã hội hoàn lương có việc làm ổn định"... hoạt động rất hiệu quả.
Năm 2022, công tác xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Thành phố Cần Thơ được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, thu hút được sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thời gian tới, cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phát động phong trào phù hợp với yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới, gắn với bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Quan tâm kiện toàn, củng cố các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm".
Về số vụ phạm tội về ma túy, toàn quốc xảy ra 3.458 vụ, so với tháng 12/2022 tăng 1.476 vụ (+74,47%).
Lực lượng công an trên toàn quốc đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 438 đối tượng truy nã, 180 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. So với tháng 12/2022, số đối tượng truy nã đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại tăng 0=3 đối tượng (+0,69%), số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm bị bắt, vận động đầu thú và thanh loại tăng 28 đối tượng (+18,42%).
Nhìn chung, trong thành tích trên có đóng góp rất lớn của tầng lớp nhân dân, cùng sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành chức năng.
Vĩnh Hoàng