Nâng cao hiệu quả hợp tác phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia

25/01/2023 09:24

(Chinhphu.vn) - Thực tiễn cho thấy, không một quốc gia nào có thể đơn độc đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy. Vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Nâng cao hiệu quả hợp tác phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia - Ảnh 1.

Hội nghị song phương cấp Bộ trưởng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác PCMT, ngày 26/10/2022

Tăng cường hợp tác song phương

Theo đánh giá của các cơ quan phòng chống tội phạm, tác động của dịch bệnh COVID-19 và cuộc chiến Nga - Ucraina đã ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình ma túy thế giới dù chưa được thống kê đầy đủ. Về lâu dài, suy giảm kinh tế, căng thẳng chính trị, di cư tự do gia tăng dẫn đến người yếu thế có khả năng tham gia vào hoạt động phạm tội về ma túy. Các tổ chức tội phạm có điều kiện củng cố, phát triển mạng lưới hoạt động gây khó khăn cho công tác kiểm soát của các nước. Ở trong nước, Việt Nam đang có nguy cơ bị các tổ chức tội phạm quốc tế lợi dụng làm địa bàn trung chuyển ma túy đến nước thứ ba. 

Trước tình hình đó, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ động tham mưu Bộ Công an đề xuất Chính phủ đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy (PCMT) trong khuôn khổ đa phương, song phương với các nước có chung đường biên giới, các đối tác có tiềm lực đang phối hợp chặt chẽ với nước ta; tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các cơ chế hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh trao đổi thông tin, phối hợp điều tra vụ án, nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh trong nước.

Đối với Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục hợp tác PCMT trên tuyến biên giới theo tinh thần của các thỏa thuận đã ký giữa hai nước. Bộ Công an hai nước đã ban hành kế hoạch về việc triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, từ ngày 01/10 - 31/12/2021.

Sau 3 tháng triển khai, Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 639 vụ, 1.000 đối tượng, thu giữ 47,536 kg và 101 bánh heroin, 923,17 gam thuốc phiện, 247,51 gam cần sa, 228.340 viên và 8,36 tấn ma túy tổng hợp, 5,75 kg ketamin cùng nhiều vật chứng liên quan. Hai bên tiếp tục trao đổi thông tin qua đường dây nóng giữa Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy và Văn phòng Ủy ban Quốc gia PCMT Trung Quốc, qua kênh Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) giữa các tỉnh đối biên; phối hợp điều tra chung vụ án liên quan đến hai nước; hỗ trợ xác minh, truy bắt và bàn giao đối tượng truy nã về ma túy.

Với Lào, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy tham mưu lãnh đạo Bộ triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác PCMT, ký ngày 09/8/2021 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) và kế hoạch hợp tác giữa Bộ Công an hai nước. Hai nước tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác PCMT nhằm đánh giá việc triển khai hoạt động tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, hiệu quả trao đổi thông tin qua đường dây nóng được thiết lập giữa Công an 4 cấp; phối hợp tuần tra, triệt phá tụ điểm ma túy góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới. 

Phía Việt Nam triển khai xây dựng, hoàn thành, bàn giao cho Lào đưa vào sử dụng 179/191 trụ sở Công an bản giáp biên, đồng thời lập kế hoạch khảo sát xây dựng bổ sung 45 trụ sở Công an bản không giáp biên trọng điểm về ma túy và Trung tâm cai nghiện ma túy tại Lào. Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức 2 khóa tập huấn cho 60 đại biểu Lào về công tác điều tra và cai nghiện ma túy tại tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.

Với Campuchia, từ ngày 20 - 23/3/2022, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy cử đoàn đại biểu dự Lễ khánh thành Trung tâm cai nghiện ma túy quốc gia Campuchia tại tỉnh Preah Sihanouk và làm việc với cơ quan chức năng thuộc Ủy ban Quốc gia PCMT Campuchia về việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước. 

Cụ thể, hai bên thúc đẩy chia sẻ thông tin thường xuyên, chính xác, kịp thời về tội phạm ma túy có liên quan đến hai nước thông qua đường dây nóng và giữa các Văn phòng BLO đặt tại các tỉnh đối biên. Hai nước triển khai hiệu quả các Hiệp định/Biên bản ghi nhớ về kiểm soát ma túy, chất hướng thần và tiền chất đã ký, đồng thời tổ chức tập huấn cho lực lượng chức năng Campuchia.    

Đối với các nước đối tác có thỏa thuận hợp tác, có tiềm lực như Hoa Kỳ, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với Cơ quan bài trừ ma túy liên bang (DEA) trao đổi thông tin tội phạm ma túy qua đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý thông tin về đối tượng, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam do DEA cung cấp, tổ chức tập huấn kỹ, chiến thuật cho điều tra viên. Hai bên triển khai giám sát sửa chữa, nghiệm thu, nhận bàn giao Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về điều tra ma túy tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Với Thái Lan, Việt Nam đã tổ chức đoàn tham dự Hội nghị song phương về hợp tác PCMT lần thứ 14 tại Thái Lan. Hội nghị đã thống nhất triển khai Thư thỏa thuận hợp tác thực thi pháp luật và kiểm soát ma túy giữa Việt Nam - Thái Lan. Việt Nam cũng ủng hộ Kế hoạch hành động PCMT ở khu vực Tam giác vàng do Thái Lan đề xuất với mục tiêu đồng loạt triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy tại Tiểu vùng sông Mekong nhằm bao vây, cô lập khu vực sản xuất ma túy ở Tam giác vàng; phối hợp trao đổi thông tin qua đường dây nóng liên quan đến đường dây vận chuyển ma túy từ Tam giác vàng qua Lào, Thái Lan, Campuchia về Việt Nam hoặc nước thứ ba tiêu thụ. 

Hai nước xem xét thành lập tổ công tác chung, chia sẻ thông tin về đối tượng nhằm triệt phá toàn bộ tổ chức tội phạm ma túy và phối hợp kiểm soát tiền chất. Triển khai Kế hoạch hành động kiểm soát ma túy vì một sông Mekong an toàn giai đoạn 2019 - 2022, Việt Nam cam kết thực hiện trách nhiệm chủ trì hoạt động Trung tâm điều phối sông Mekong an toàn cho cán bộ PCMT của 5 nước Tiểu vùng sang làm việc năm 2023.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy vào Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) đẩy mạnh trao đổi thông tin về đường dây tội phạm ma túy quốc tế có liên quan đến hai nước; tổ chức cho đoàn AFP đi khảo sát công tác PCMT qua đó kêu gọi tài trợ trang thiết bị, phương tiện cho việc thành lập trạm kiểm soát trên tuyến biên giới Tây Nam.

Nâng cao hiệu quả hợp tác phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia - Ảnh 2.

Đoàn đại biểu hai nước tham dự Hội nghị song phương Việt Nam - Thái Lan về hợp tác PCMT lần thứ 14

Thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quốc tế về phòng chống ma túy

Bên cạnh hợp tác song phương, Bộ Công an đã triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quốc tế về PCMT mà Việt Nam tham gia trong khuôn khổ Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (CND), Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB), Cơ quan PCMT và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC)…

Kỳ họp thường niên CND lần thứ 65, theo đề nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có đoàn Việt Nam đã thống nhất đưa Brophine và Metonitazene vào kiểm soát trong Bảng I, Công ước 1961; đưa chất Etylone vào kiểm soát trong Bảng II, Công ước 1971. Với khuyến nghị của INCB, hội nghị thống nhất đưa các chất 4-AP, 1-boc-4-AP và Norfentanyl vào kiểm soát trong Bảng I, Công ước 1988.

Tại buổi làm việc ngày 04/4/2022, INCB đã giới thiệu Chương trình phản ứng nhanh toàn cầu về kiểm soát các chất ma túy nguy hiểm (GRIDS) nhằm ứng phó với các chất ma túy, chất hướng thần mới chưa nằm trong danh mục kiểm soát, chất gây nguy hại tới sức khỏe. 

Hai bên thống nhất triển khai hoạt động phối hợp trong khuôn khổ GRIDS như: Tổ chức tập huấn giám định phát hiện chất nguy hiểm, chất hướng thần, chất ma túy mới chưa nằm trong danh mục kiểm soát của Liên hợp quốc; hỗ trợ trao đổi thông tin qua hệ thống trao đổi thông tin về chất hướng thần mới và opiods; hỗ trợ Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy điều tra vụ án liên quan đến các chất ma túy mới chưa nằm trong danh mục kiểm soát; kêu gọi khối doanh nghiệp cung cấp thông tin về lô hàng nghi vấn liên quan đến ma túy và các chất nguy hiểm.

Trong khuôn khổ Chương trình quản lý biên giới, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Văn phòng liên lạc PCMT và tội phạm qua biên giới; tổ chức Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Văn phòng BLO tại Hà Nội và Hội nghị tham vấn quốc gia mạng lưới BLO toàn quốc (tháng 4/2022). 

Năm 2022, UNODC cam kết tiếp tục hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động của Văn phòng BLO tại nước ta, trong đó có việc xúc tiến thành lập Văn phòng BLO mới ở Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An), thành lập và ra mắt Văn phòng BLO mới ở tỉnh Gia Lai; tiến hành bàn giao, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cho các Văn phòng BLO và tổ chức nhiều khóa tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm PCMT tại các tỉnh.

Thời gian tới, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy tiếp tục mở kênh trao đổi thông tin trực tiếp với Cảnh sát các nước Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc phục vụ công tác đấu tranh chuyên án. Tổ chức tốt công tác nắm tình hình khu vực, thế giới để kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ, Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách về PCMT; nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác quốc tế bất thường khi có yêu cầu; đẩy mạnh thông tin đối ngoại về PCMT. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu Bộ Công an tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế nhằm kêu gọi và triển khai nguồn vốn tài trợ phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở trong nước.

Kim Long

Top