Phát huy vai trò của người có uy tín trong phòng, chống ma túy

06/06/2024 10:45

(Chinhphu.vn) - Để đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người có uy tín là hết sức quan trọng.

Phát huy vai trò của người có uy tín trong phòng, chống ma túy- Ảnh 1.

Người có uy tín trả lời các câu hỏi của báo cáo viên các nội dung liên quan đến ma túy. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

Cầu nối đến tận cơ sở, bản làng

Tại Điện Biên, nhằm phát huy hiệu quả phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc', đẩy mạnh công tác đấu tranh, tố giác các loại tội phạm, ngày 5/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTP), Công an tỉnh Điện Biên đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ma túy cho gần 200 người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng CSĐTTP về ma túy Công an tỉnh trực tiếp phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ma túy cho các học viên. Theo đó, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với hiểm họa ma túy diễn ra ngày càng phức tạp; cuộc đấu tranh phòng, chống các hoạt động và tội phạm liên quan đến ma túy là một mặt trận hết sức nóng bỏng và gian nan. Thời gian qua công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, để đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người có uy tín là hết sức quan trọng.

200 người có uy tín hiện đang cư trú trên địa bàn toàn tỉnh tham dự chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy lần này sẽ được tiếp cận những tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật mới nhất quy định về phòng, chống ma túy. 

Thông qua tài liệu tuyên truyền, bài giảng về ma túy và các hình ảnh trực quan sinh động, những người uy tín đã có thêm cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về các loại ma túy thường gặp, hậu quả, tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm về ma túy... để từ đó, nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa và phối hợp cùng các lực lượng chức năng tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về ma túy trong cộng đồng, tích cực tham gia phát hiện, tố giác và đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Tại Đắk Lắk, những năm qua, ma túy quét qua buôn làng đã để lại nhiều hệ lụy. Nhiều gia đình ly tán, mất nhà, người thân nghiện ngập và cái nghèo, cái khổ đeo bám. Những năm gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc quyết liệt để kiềm chế sự gia tăng tệ nạn, tội phạm ma túy, xử lý các vụ án hình sự do người nghiện ma túy gây ra và ngăn ngừa phần nào sự lây lan ma túy vào buôn làng vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo triển khai toàn diện nhiều biện pháp để nắm bắt các đối tượng và quản lý địa bàn. Theo đó, lực lượng công an các huyện tiến hành lên danh sách tất cả đối tượng có biểu hiện sử dụng, tàng trữ hoặc mua bán trái phép chất ma túy để lập hồ sơ quản lý. Đồng thời, lực lượng công an huyện phối hợp với các xã quản lý đối tượng và áp dụng những biện pháp như giáo dục, cai nghiện, tiến tới giảm số lượng người nghiện trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như qua mạng xã hội Zalo, Facebook; tuyên truyền trực tiếp tại các thôn có số người nghiện cao, qua các hội nghị... Đặc biệt là đã phối hợp với những người có uy tín là các "già làng, trưởng bản" để phát huy vài trò dẫn dắt của họ trong phòng, chống tệ nạn ma túy.

Thực hiện Kế hoạch số 11284/KH-UBND của UBND tỉnh về "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025", hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch chi tiết tuyên truyền phòng, chống ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 6 hội nghị tập huấn cho 546 học viên là công chức làm công tác dân tộc, công tác tuyên truyền ở địa phương, cán bộ xã, già làng, trưởng thôn, buôn, chức sắc tôn giáo, người có uy tín... Đầu năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 8 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 8 huyện, thành phố cho gần 1.000 người. Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng mô hình điểm "Khu dân cư phòng, chống tội phạm ma túy" trên địa bàn nhiều xã nhằm nâng cao nhận thức của người dân sinh sống trên địa bàn về sự cần thiết trong việc tham gia phòng, chống tội phạm ma túy; tác hại, hậu quả của việc sử dụng và tàng trữ, mua bán ma túy, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong tuyên truyền và phòng, chống, tình trạng vi phạm ma túy và tội phạm ma túy trong vùng đồng bào đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động.

Phát huy vai trò những người "nói dân tin, bảo dân nghe"

Trong đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, "già làng, trưởng bản" có uy tín và ảnh hưởng rất lớn đối với người dân trong bản, đặc biệt càng được kính nể bởi những người dân ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, phát huy vai trò của các "già làng, trưởng bản" ngày càng có vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhiều người uy tín là "già làng, trưởng bản" cho biết, với cương vị, trách nhiệm của người trưởng dòng họ và có uy tín trong bản, rất là đông dòng họ, trước hết là gia đình những người uy tín luôn gương mẫu chấp hành tốt pháp luật và những quy định của địa phương, sau đó động viên, vận động người thân trong dòng họ của mình xong mới đến các dòng họ khác. Bản thân những người uy tín cũng thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành của bản tham mưu cho các chi bộ  địa phương về công tác nắm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Trong công tác phòng chống ma túy, những người uy tín đã phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền vận động những người nghiện, những người lầm lỡ từ bỏ ma tuý, phấn đấu xây dựng bản làng, địa phương trở thành nơi không còn tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy.

Thực tế cho thấy, nhờ phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng nên hầu hết các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã huy động được sức mạnh toàn dân, trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới. Các lực lượng chức năng của từng địa phương đều chủ động tham gia giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm "nóng" trên địa bàn, đặc biệt là những "điểm nóng" về ma túy.

Đồng thời, các "già làng, trưởng bản" luôn phối hợp với chính quyền để tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các tội phạm ma túy, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ từ các đối tượng phạm tội, để từ đó góp phần thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Giang Oanh

}
Top