Phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy

31/03/2023 12:04

(Chinhphu.vn) - Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống ma túy, Bộ Công an đã đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy - Ảnh 1.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng vào mục đích bất hợp pháp

Theo đó, Bộ Công an đề nghị các Bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành tổng rà soát, thống kê số lượng, lập danh sách các cơ quan, tổ chức có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trong lĩnh vực quản lý phục vụ việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng vào mục đích bất hợp pháp.

Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan) chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan cấp tỉnh, thành phố phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức Hải quan nắm vững và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn/thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của địa phương. Bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy từ nguồn ngân sách thường xuyên của địa phương.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 36 Nghị định số 105 của Chính phủ, trong đó tập trung vào hoạt động: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn nắm vững và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. 

Tổ chức tập huấn cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động đó vào mục đích bất hợp pháp. Phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đặt tại Bộ Công an theo quy định tại Nghị định số 105 của Chính phủ.

Cần sự chấp hành nghiêm của các doanh nghiệp 

Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC) và các quốc gia, các tổ chức quốc tế về xu hướng và tình hình ma túy, tiền chất ở khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới, thị trường ma túy và tiền chất bất hợp pháp trong khu vực đang gia tăng nhanh chóng, “Tam giác vàng” vẫn là địa bàn sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất cung cấp cho cả khu vực và thế giới. 

Tình hình thất thoát, sản xuất và mua bán tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng đáng quan ngại và khó kiểm soát. Sự xuất hiện các tiền chất thay thế mới được sử dụng sản xuất ma túy tổng hợp với phương thức, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, hoạt động có tổ chức, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho các cơ quan trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Tại Việt Nam, hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vẫn diễn ra sôi động, nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh và y tế tăng trong khi số lượng các công ty, đơn vị kinh doanh tiền chất, thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thú y giữ tương đối ổn định dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Hiện nay có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Pháp luật Việt Nam đã có hệ thống các quy định về kiểm soát đối với công tác này và đưa vào danh mục quản lý 557 chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần và 60 tiền chất để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

Trong đó, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 105 vẫn dành riêng Chương III quy định về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy với các điều luật bám sát tình hình thực tế và quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và chức năng, nhiệm vụ của các ngành, hiện nay có 6 cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, bao gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính).

Trong đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với nhiệm vụ là cơ quan giúp Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý trọng tâm là theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên toàn quốc; đồng thời giữ vai trò là đầu mối phối hợp và trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và giữa Việt Nam với INCB, UNODC, các tổ chức quốc tế, liên chính phủ xử lý thông tin, kiểm tra giám sát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thực hiện các nghĩa vụ theo 3 Công ước của Liên hợp quốc về ma túy. 

Tuy nhiên, bên cạnh sự quản lý của các bộ, ngành ở Trung ương còn cần sự kiểm tra, giám sát của các đơn vị địa phương và đặc biệt cần sự chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật của các doanh nghiệp có liên quan nhằm hạn chế tối đa sự thất thoát thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma tuý, tiền chất và đặc biệt là tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép chất ma túy mà vẫn đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Giang

Top