Phối hợp nắm chắc diễn biến tư tưởng học viên cai nghiện tránh tình trạng gây rối, bỏ trốn
Để tránh tình trạng học viên cai nghiện bỏ trốn ở các cơ sở cai nghiện thì người lãnh đạo, quản lý phải lắng nghe, nắm chắc diễn biến tư tưởng của học viên. Khi học viên gặp khó khăn thì người quản lý cần động viên tinh thần, chia sẻ. Khi gia đình học viên gặp vướng mắc thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ về các thủ tục. * Có nên đ
Tỉnh Bạc Liêu cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, có số người nghiện ma túy tăng nhanh. Tuy nhiên, bằng những giải pháp đồng bộ về quản lý, tháo gỡ các chính sách và phối hợp, tỉnh không có các điểm nóng xã hội xảy ra. Tại các cơ sở cai nghiện không có tình trạng học viên bỏ trốn, đạp phá. Tình hình an ninh, trật tự xã hội luôn ổn định.
Cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật về cai nghiện
Thời gian qua, Cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy thành những văn bản chỉ đạo, điều hành, chương trình, kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Quy chế phối hợp xác định tình trạng nghiện ma túy; áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy; đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (trong đó đã quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan như Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tư pháp, Tòa án trong xác định tình trạng nghiện ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); tăng cường công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm; đẩy mạnh phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới (điều trị nghiện bằng thuốc Cedemex cho 20 người nghiện; trong đó tại Cơ sở cai nghiện ma túy 15 người, tại gia đình, cộng đồng 5 người, theo Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ)…
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thăm Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu
Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết về Quy định mức đóng góp, chế độ miễn, giảm và hỗ trợ cho học viên cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy, tại cộng đồng, chế độ miễn cho học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma trúy công lập trên địa bàn (bằng ngân sách của tỉnh).
Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Kế hoạch thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020…
Ông Phạm Hùng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bạc Liêu cho biết, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, của Hội đồng nhân dân, của chính quyền nêu trên, các sở ban ngành và các địa phương cảu tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác cai nghiện ma túy. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch phối hợp, tỉnh đã tiến hành rà soát, lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy, người có nguy cơ nghiện ma túy, từ đó phân nhóm người nghiện chất ma túy, người nghiện ma túy có liên quan đến tệ nạn xã hội, có tiền sự, tiền án; xác định nhóm người nghiện cần lập hồ sơ giáo dục cai nghiện tại gia đình cộng đồng, nhóm cần phải lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tập trung tại cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh, người nào vào cơ sở cai nghiện tập trung trước, người nào cai nghiện sau. Vì thế, mặc dù người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tăng nhưng đã không tạo áp lực quá tải học viên cho các cơ sở cai nghiện ma túy, đồng thời cũng để xảy ra điểm nóng về người nghiện ma túy ở địa phương.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định tình hình tại cơ sở cai nghiện ma túy |
Bên cạnh đó, trong thời gian cai nghiện ma túy, học viên luôn được quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về cắt cơn giải độc, được phổ biến những văn bản pháp luật để nâng cao nhận thức, kỹ năng sống đúng theo chuẩn mực đạo đức, nhận biết những tác hại, sai phạm khi sử dụng ma túy; được tham gia các lớp học nghề, lao động sản xuất để nâng cao kiến thức, trị liệu phục hồi sức khỏe, để sau khi hết thời gian cai nghiện ma túy, học viên được tái hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động sản xuất, đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất tái nghiện ma túy.
Phối hợp nắm chắc tư tưởng, tình cảm của học viên cai nghiện
Ông Phạm Hùng Thái cho biết, để tránh tình trạng học viên cai nghiện bỏ trốn ở các cơ sở cai nghiện thì người lãnh đạo, quản lý phải lắng nghe, nắm chắc diễn biến tư tưởng của học viên. Khi học viên gặp khó khăn thì người quản lý cần động viên tinh thần, chia sẻ. Khi gia đình học viên gặp vướng mắc thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ về các thủ tục.
Ví dụ như tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh, năm 2018 có 25 học viên và năm 2019 có 30 học viên được khen thưởng do có ý thức rèn luyện tốt. Đây là phần thưởng động viên tinh thần giúp các học viên kiên trì với các bài trị liệu, cắt cơn, tham gia các hoạt động chung của cơ sở, từ đó có niềm tin, hòa nhập vào cuộc sống, môi trường trong nội trường cai nghiện.
Bế giảng lớp dạy nghề cho học viên |
Trước và trong khi cai nghiện, người nghiện ma túy, học viên cai nghiện được thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện ma túy, và khi bàn giao học viên về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng thì họ cũng có đầy đủ các điều kiện tốt để chính quyền các địa phương dang tay đón trở về. Người sau cai khi trở về địa phương thì trong hồ sơ không chỉ có chứng nhận về sức khỏe, chứng nhận về ý thức mà còn còn cả thông tin về nhân cách, mong muốn cuộc sống của bản thân.
Anh Nguyễn Văn H., học viên từng tham gia trị liệu cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu, bày tỏ: "Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu là ngôi nhà thứ hai của tôi. Ở đây, tôi đã được các cấp lãnh đạo và các bác sĩ tận tình chăm sóc, chữa trị. Khi ở giai đoạn cắt cơn, tôi nghĩ mình không thể nào vượt qua được, nhưng chính nhờ sự chia sẻ, động viên, khích lệ mà tôi đã thành công. Trở về địa phương, tôi được chính quyền xã và huyện tạo điều kiện để làm thủ tục vay vốn mở một cửa hàng sửa chữa xe máy. Hiện nay, với thu nhập từ cửa hàng sửa xe hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, cùng với vợ tôi tăng gia nuôi gia cầm nên chúng tôi đã có cuộc sống ổn định. Hai cháu nhà tôi được đi học. Bản thân tôi không bị kỳ thị và tránh xa được cạm bẫy ma túy".
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, các cấp các ngành tỉnh Bạc Liêu đã triển khai có hiệu quả đồng bộ các giải pháp; nhất là giải pháp phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn ở các cơ sở cai nghiện. Việc chủ động chia sẻ, lắng nghe tư tưởng học viên, đồng thời cùng giúp gia đình họ vượt lên trở ngại đã giúp tỉnh không có điểm nóng xã hội, các cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện tốt chức năng cai nghiện, điều trị cho học viên, tình hình chính trị xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo.