Phối hợp tổ chức phiên tòa hình sự trực tuyến bước đầu đạt hiệu quả

19/12/2022 17:50

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp ở Việt Nam và trên thế giới. Việc xét xử trực tuyến phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội.

Phối hợp tổ chức phiên tòa hình sự trực tuyến bước đầu đạt hiệu quả - Ảnh 1.

Bị cáo trả lời HĐXX và theo dõi phiên tòa trực tuyến qua thiết bị

 Ứng dụng công nghệ thông tin trong xét xử các vụ án hình sự

Vừa qua, VKSND TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa trực tuyến vụ án hình sự Nhâm Hoàng Vũ phạm tội 'Mua bán trái phép chất ma túy', quy định tại khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa do Kiểm sát viên Bùi Văn Bảo tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.

Theo nội dung cáo trạng, vào khoảng 11h20' ngày 24/6/2022, tại trước nhà số 836 đường 30/4, phường 3, thành phố Sóc Trăng, bị can Nhâm Hoàng Vũ có hành vi cất giấu 3,9631 gam ma túy, loại Methamphetamine và 1,3679 gam ma túy, loại Ketamine nhằm mục đích bán cho người khác. Bị can chưa kịp đem đi bán thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt quả tang.

Phiên tòa xét xử trực tuyến có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật. Phòng xét xử được trang bị hệ thống trực tuyến bao gồm hệ thống đường truyền, hệ thống âm thanh, thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần phiên tòa trực tuyến đều được bảo đảm.

Tại phiên tòa bị cáo tham gia phiên tòa tại điểm cầu Nhà Tạm giữ Công an thành phố Sóc Trăng có mặt đầy đủ, đúng giờ, nghe rõ và trả lời đầy đủ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử.

Kiểm sát viên đại diện VKSND thành phố Sóc Trăng tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; quan điểm xử lý vụ án được Kiểm sát viên đưa ra thuyết phục và được Hội đồng xét xử chấp nhận tuyên phạt bị cáo Nhâm Hoàng Vũ 7 năm 6 tháng tù.

VKSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến tại TP Sóc Trăng giúp cho việc xét xử các vụ án hình sự được giải quyết nhanh chóng, linh hoạt, qua đó góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xét xử các vụ án hình sự tại địa phương.

Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay

Từ khi Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 có hiệu lực đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã mở và bảo đảm an toàn 06 phiên toà xét xử trực tuyến 14 vụ án (trong đó 4 phiên xét xử 4 vụ, điểm cầu trung tâm đặt tại Tòa án nhân dân tỉnh, điểm cầu thành phần đặt tại Tòa án nhân dân huyện và 2 phiên điểm xét xử 10 vụ, cầu trung tâm đặt tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, điểm cầu thành phần đặt tại Tòa án nhân dân tỉnh). Đây là những phiên tòa diễn ra theo hình thức trực tuyến xét xử các vụ án sơ thẩm, phúc thẩm như các phiên tòa xét xử trực tiếp. Các bị cáo đang tạm giam sẽ không phải đến địa điểm xét xử trung tâm mà sẽ ở điểm cầu thành phần do Tòa án nhân dân chỉ định được kết nối qua các thiết bị trực tuyến.

Để bảo đảm việc triển khai được thuận lợi, Tòa án nhân dân tỉnh đã chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu. Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai đầy đủ các thủ tục của một phiên tòa theo quy định; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử. Phiên tòa trực tuyến diễn ra bảo đảm không khí trang nghiêm, trật tự, đường truyền giữa các điểm cầu ổn định, hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả; trong quá trình tổ chức xét xử vẫn bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án.

Tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần đã được trang bị máy tính điều khiển, màn hình và hệ thống âm thanh tốt nhất để bảo đảm tín hiệu liền mạch khi trao đổi thông tin giữa hai điểm cầu. HĐXX và đại diện Viện kiểm sát xét hỏi bị cáo qua hệ thống camera kết nối trực tuyến giữa hai điểm cầu. Hình ảnh, âm thanh giữa hai điểm cầu trực tuyến rõ ràng, không khác biệt so với xét xử khi bị cáo có mặt trực tiếp và các phiên tòa đều diễn ra thành công tốt đẹp.

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là phù hợp với xu hướng hiện nay, để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử mà Tòa án nhân dân tối cao đang thực hiện. Việc tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến sẽ tiếp cận được những ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp.

Khi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu bảo vệ phiên tòa trực tuyến, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chủ trì, phối hợp với tòa án cùng cấp và các đơn vị, lực lượng khác có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ bảo vệ phiên tòa trực tuyến theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, cơ sở giam giữ tham gia hỗ trợ phiên tòa lựa chọn cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, am hiểu về pháp luật, nghiệp vụ, có trình độ về công nghệ thông tin để hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến. Phân công rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân trong việc quản lý, vận hành hệ thống kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu phiên tòa trực tuyến.

Để triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến, ngày 10/8/2022, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 58/TANDTC-TĐKT hướng dẫn về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đơn vị Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong thời gian từ 10/8/2022 đến ngày 30/9/2022, mỗi đơn vị Tòa án nhân dân phải tổ chức ít nhất từ 3 phiên tòa trực tuyến trở lên (đặc biệt quan tâm tổ chức xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính).

Vĩnh Hoàng

}
Top