TPHCM: Tổ chức nhiều phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

05/08/2022 14:12

(Chinhphu.vn) - Việc tổ chức những phiên họp trực tuyến này giúp các đơn vị tiết kiệm được chi phí; đồng thời giảm được công sức và thời gian của các cán bộ tòa án khi phải đến các cơ sở xã hội để mở phiên họp.

TPHCM: Tổ chức nhiều phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc - Ảnh 1.

Một phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, điểm cầu là TAND huyện Nhà Bè

Thời gian qua, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, TPHCM đã tổ chức nhiều phiên họp trực tuyến đầu tiên áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cụ thể, ngày 4/8/2022, TAND huyện Nhà Bè, TPHCM đã tiến hành phiên họp trực tuyến xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa 6 trường hợp vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại đây, TAND huyện Nhà Bè xem xét, quyết định đưa người đi cai nghiện bắt buộc bằng hình thức trực tuyến.

Phiên họp được tổ chức với điểm cầu trung tâm là trụ sở TAND huyện Nhà Bè có Thẩm phán chủ tọa, thư ký, đại diện VKSND huyện Nhà Bè và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nhà Bè. Điểm cầu thành phần là Cơ sở xã hội Nhị Xuân, TPHCM.

Theo đề nghị của Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nhà Bè, Tòa án đã quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Hoài Vũ (SN 1999), Châu Minh Hoàng (SN 1990), Lại Hoàng Tuấn Minh (SN 1996) và Nguyễn Đông Pháp (SN 1994), Nguyễn Văn Xuân Thắng (sinh năm 1999), Trần Anh Phụng (sinh năm 1985). Thời gian chấp hành từ 15-21 tháng tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Đây là những trường hợp người nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Ông Nguyễn Trung Tính, Chánh án TAND huyện Nhà Bè cho biết, Nhà Bè có diện tích lớn, tiếp giáp nhiều quận, huyện của TPHCM và tỉnh Long An, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông nên tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Trước đây, việc tổ chức phiên họp diễn ra tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân ở huyện Hóc Môn, khoảng cách xa nên việc tổ chức phiên họp tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Phiên họp trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Đây là phiên họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của đơn vị để xem xét, quyết định đưa người đi cai nghiện bắt buộc. Các phiên họp diễn ra thuận lợi, đúng quy định của pháp luật.

Trong điều kiện còn khó khăn về cơ sở vật chất, TAND huyện Nhà Bè đã tận dụng những trang thiết bị hiện có đã tổ chức tốt các phiên họp trực tuyến. Thời gian tới, TAND huyện Nhà Bè sẽ tiếp tục tổ chức các phiên họp, phiên tòa xét xử trực tuyến.

Trước đó, ngày 22/7, TAND huyện Hóc Môn mở phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Phiên họp trực tuyến đã xem xét 4 trường hợp.

Điểm cầu trung tâm tại phòng xử án TAND huyện Hóc Môn với thành phần tham dự gồm: thẩm phán chủ tọa phiên họp, đại diện Viện KSND huyện Hóc Môn và đại diện Phòng LĐTB&XH huyện Hóc Môn. Điểm cầu thành phần tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân.

Chủ tọa phiên họp đã áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 18 tháng đối với một trường hợp và 24 tháng đối với 3 trường hợp. Cơ sở tiếp nhận ban đầu là Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (tỉnh Bình Dương).

Bà Nguyễn Ngọc Thương, Chánh án TAND huyện Hóc Môn cho biết việc mở phiên họp trực tuyến thực hiện theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số 05, giảm được công sức và thời gian của các cán bộ tòa án khi phải đến các cơ sở xã hội để mở phiên họp.

Ngày 27/7, tòa tiếp tục tổ chức thêm phiên họp trực tuyến xử lý hành chính trực tuyến đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 10 trường hợp.

Trước đó, ngày 29/6, TAND huyện Bình Chánh mở 14 phiên họp trực tuyến về việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện không có nơi cư trú.

Ông Vũ Thanh Lâm - Chánh án TAND huyện Bình Chánh - cho biết Bình Chánh là địa bàn rất rộng và giáp ranh với các quận 8, quận 7, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa (Long An). Các đối tượng sử dụng ma túy diễn biến rất phức tạp.

Hằng năm TAND huyện Bình Chánh mở khoảng 1.000 phiên họp áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính "đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định".

Tòa án hai cấp TPHCM nói chung và TAND huyện Bình Chánh nói riêng di chuyển từ trụ sở đến các cơ sở xã hội để mở phiên họp mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Mỗi ngày TAND huyện Bình Chánh mở khoảng 20 phiên họp tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Việc mở phiên họp trực tuyến sẽ giải quyết được những tồn tại, hạn chế nêu trên.

Sắp tới TAND huyện Bình Chánh sẽ phối hợp với các ban ngành và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức các phiên đối thoại và xét xử trực tuyến các vụ án hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các lãnh đạo địa phương và người dân khi tham gia tố tụng.

Nhìn chung, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại các tòa án được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tệ nạn ma túy và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Vĩnh Hoàng

}
Top