Phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng còn nhiều vướng mắc
Qua 4 năm thực hiện, Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã góp phần củng cố cơ sở pháp lý về thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên hiện công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ngày 4/7/2013, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11).
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Theo Bộ Tư pháp, qua 4 năm thực hiện, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Trung tâm) cung cấp và phối hợp lắp đặt 4.000 Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý; cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên thực hiện 45.567 vụ việc tố tụng, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 29.543 vụ việc (chiếm 65% tổng số vụ việc tham gia tố tụng, tăng 50% so với giai đoạn trước khi thực hiện Thông tư liên tịch số 11).
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã cấp gần 46.000 lượt giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên. Người thực hiện trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc bị can, bị cáo, người tạm giam, tạm giữ. Chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng ngày càng được nâng cao, nhiều bản án được tuyên theo hướng chuyển đổi tội danh, thay đổi hình phạt ở mức nhẹ hơn hoặc bị cáo được tuyên vô tội.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 11 cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.
Thông tư liên tịch số 11 đã quy định việc giải thích, thông báo về quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhưng không quy định rõ nội dung, cách thức, các biểu mẫu và thống kê, báo cáo về việc giải thích, thông báo về trợ giúp pháp lý nên dẫn đến hiệu quả của công tác này chưa cao, áp dụng thiếu thống nhất trên toàn quốc, có nơi còn bỏ lọt đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý (Ví dụ: Gia Lai, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Kiên Giang).
Thông tư liên tịch số 11 chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố và Tổ giúp việc cho Hội đồng, dẫn đến các ngành chưa chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ theo Thông tư liên tịch số 11; chưa quy định đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh trong thành phần của Hội đồng địa phương để bảo đảm sự linh hoạt trong việc cử đại diện của Quốc phòng trong Hội đồng địa phương (Ví dụ: Lào Cai, Cao Bằng).
Việc quy định nhiệm vụ của các ngành thành viên, cơ quan lập dự toán kinh phí của Hội đồng địa phương trong ngành tư pháp quy định tại Thông tư chưa rõ ràng nên các ngành thành viên khó lập dự toán kinh phí cho các hoạt động phối hợp; một số địa phương áp dụng chưa thống nhất, có địa phương do Sở Tư pháp lập dự toán, có địa phương lại do Trung tâm lập dự toán cho Hội đồng.
Bên cạnh đó, nội dung của các Bộ luật, luật tố tụng được sửa đổi, bổ sung so với các quy định cũ liên quan đến lĩnh vực trợ giúp pháp lý như: Thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thay thế bằng thủ tục đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; bổ sung một số cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; sửa đổi, bổ sung một số trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối, hủy bỏ tham gia tố tụng; bổ sung quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý về quyền được trợ giúp pháp lý; bổ sung quy định về chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số người có thẩm quyền của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và người có thẩm quyền của các cơ quan này trong việc hướng dẫn, giải thích, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được thông qua với nhiều quy định mới liên quan tới việc tham gia tố tụng và phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng: (1) Đối tượng trợ giúp pháp lý được mở rộng hơn tăng từ 6 lên 14 nhóm đối tượng, đặc biệt là đối tượng người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi… và bổ sung các quy định bảo đảm các quyền của người được trợ giúp pháp lý; (2) Bổ sung trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý và thông báo cho Trung tâm khi người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu (khoản 3 Điều 31); (3) Bổ sung trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (khoản 2 Điều 41)…
Do sự thay đổi thể chế pháp luật về tố tụng, trợ giúp pháp lý và những hạn chế, vướng mắc nêu trên, đòi hỏi việc ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.