Phòng chống ma tuý học đường: Còn những 'khoảng trống'
Vấn đề cơ bản nhất là kỹ năng phòng tránh, phương pháp đánh giá tình huống, xử lý tình huống… là những biện pháp hữu ích trong phòng ngừa nhưng còn đang bị xem nhẹ.
Giúp các em nhận biết về ma tuý. Ảnh minh hoạ |
HSSV thiếu kiến thức về ma tuý và kỹ năng tự bảo vệ mình
Từ năm 2014, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma tuý (PSD) thực hiện khảo sát các trường cả 3 cấp học trên 5 quận của Hà Nội: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Cầu Giấy với tổng số 1.100 học sinh, sinh viên. Kết quả cho thấy đa số các em chưa thực sự tự tin với hiểu biết của mình về ma túy. Có 4,5% số bạn cho rằng mình rất hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy trong khi đó có tới 42,2% số người được hỏi tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này.
Dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng phòng chống ma túy cũng là hai nội dung được rất ít học sinh hiểu biết rõ. Có tới 44% bạn cho rằng mình không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.
Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các bạn học sinh, sinh viên (HSSV) đều nhận biết được những chất gây nghiện bất hợp pháp như: Thuốc phiện (93,8%), heroin (89,8%) và cần sa (75,9%). Tuy nhiên, những loại ma túy có tác hại trực tiếp đến hệ thần kinh của người sử dụng và đang trở nên phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ như methaphetamine (ma túy đá) chỉ có 56,4 % cho rằng chất đó khả năng gây nghiện. Khả năng gây nghiện của một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được rất ít HSSV biết đến.
Điều đáng lo ngại là nhiều em vẫn còn những hiểu biết sai lầm về tác hại của ma túy. Có tới 23,5% số bạn đồng ý với ý kiến rằng: “Sử dụng ma túy khiến tinh thần tỉnh táo, vui vẻ, lạc quan” 24,8% số bạn đồng ý rằng:“Sử dụng ma túy một lần thì không gây nghiện và không nguy hiểm”.
Qua đây cho thấy những hiểu biết chung về ma túy như khái niệm các chất có khả năng gây nghiện cũng chưa được học sinh sinh viên nhận thức một cách đầy đủ. Điều đó dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, đề phòng của các em với những loại ma túy trá hình xuất hiện ngày càng phổ biến trong giới trẻ như: shisha, bóng cười… đặc biệt là những loại ma túy tổng hợp nguy hiểm như ma túy đá.
Cũng theo khảo sát, có tới 71,6% HSSV được hỏi trả lời rằng “Mình chưa từng tham gia bất kỳ một hoạt động truyền thông về phòng chống ma tuý nào tại ngôi trường đang học”. Điều này có thể được lý giải bởi việc tổ chức các hoạt động phòng chống ma tuý thường tập trung vào các tháng, các đợt cao điểm về công tác phòng, chống ma tuý. Chính vì thế, các hoạt động này không tạo được dấu ấn đối với mỗi HSSV.
Tuyên truyền dừng ở mức "xuân thu-nhị kỳ"
Theo ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện PSD, một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng hạn chế về nhận thức của HSSV đối với ma túy, đó là: Nhà trường chưa phát huy hết vai trò trong việc trang bị, nâng cao kiến thức ma túy cho HSSV; tần suất thực hiện hoạt động truyền thông phòng chống ma tuý trong trường học còn thưa thớt và chưa phong phú, đa dạng; nội dung các hoạt động truyền thông chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng đúng mong muốn của các em.
Ông Lê Trung Tuấn dẫn kết quả khảo sát cho thấy, nội dung hấp dẫn nhất đối với đối tượng HSSV là kỹ năng bảo vệ mình, với 48,8% người tham gia khảo sát cho rằng đó là nội dung rất hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là mảng nội dung còn thiếu và còn yếu nhất trong các hoạt động truyền thông phòng chống ma tuý đang được triển khai hiện nay. Hầu hết các hoạt động mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về ma tuý chứ chưa chú trọng vào việc trang bị những kỹ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình trong những tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma tuý.
Theo Đại tá Tạ Đức Ninh (Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma tuý, Bộ Công an), để hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đề ra “Thế giới không còn ma túy”, trước mắt là kiểm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy; hầu hết các nước đều coi công tác phòng ngừa là giải pháp mang tính then chốt.
Những gì mà ngành Giáo dục đã làm trong thời gian qua là rất đáng quý. Nhất là trong bối cảnh nước ta còn nghèo, sự đầu tư cho công tác phòng chống ma túy trong trường học còn rất khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế là một thử thách lớn khiến chừng ấy nỗ lực là chưa đủ, chưa đảm bảo được 23 triệu học sinh, sinh viên các cấp có thể hoàn toàn miễn dịch trước tệ nạn này.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các Kế hoạch phối hợp liên tịch cho nhiệm vụ này vì thiếu kiểm tra, đôn đốc hoặc không sơ kết, tổng kết nên khó có thể nói chúng có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả như ban đầu đề ra. Điều dễ thấy là đến nay chúng ta chưa biết đích xác có bao nhiêu học sinh, sinh viên mắc nghiện, bao nhiêu em có thể cai nghiện thành công để quay lại giảng đường...?
Tính hiệu quả của hoạt động tuyên truyền về hiểm họa ma túy trong môi trường học đường cũng là vấn đề còn nhiều băn khoăn. Công việc này thường mới dừng ở mức “xuân thu - nhị kỳ”. Hiện chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra việc tuyên truyền như vậy có phù hợp với tâm lý của các em hay không? Hơn nữa, việc cung cấp thông tin dù có tốt nhưng chắc chắn là chưa đủ, như một chuyên gia về lĩnh vực phòng ngừa ma túy trong một diễn đàn quốc tế đã phát biểu: “Có một khoảng cách lớn từ nhận thức đến thay đổi hành vi” và “phòng ngừa ma túy phải được tiến hành liên tục từ khi lọt lòng đến lúc nhắm mắt xuôi tay”.
Đại tá Tạ Đức Ninh cho biết, vấn đề cơ bản, mấu chốt và quan trọng đặc biệt trong tình hình này, đó chính là các kỹ năng phòng tránh, phương pháp xử lý tình huống nguy cơ, cách ứng phó, phòng vệ trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm ma túy.
Do đó, rất cần định hướng cụ thể từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo... với sự tham vấn tích cực từ các cơ quan, các viện nghiên cứu tâm lý thanh niên, viện nghiên cứu giáo dục; chú trọng hoạt động truyền thông phù hợp cho từng đối tượng, công chúng, phù hợp tâm lý độ tuổi; tổ chức tập huấn thường xuyên để cung cấp kiến thức về loại ma túy mới, các tình huống nguy cơ cho cả học sinh và phụ huynh, giáo viên, cán bộ công nhân viên trong nhà trường; rà soát, kiểm duyệt thông tin trên Internet về ma túy...