Phòng chống ma túy học đường: Trang bị kỹ năng đối phó với áp lực cho thanh thiếu niên

07/08/2023 15:11

(Chinhphu.vn) - Phát triển những kỹ năng thể chất, tinh thần cần thiết để đối phó với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống là rất quan trọng trong việc phòng, chống ma túy.

Phòng chống ma túy học đường: Trang bị kỹ năng đối phó với áp lực cho thanh thiếu niên - Ảnh 1.

Một hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, các chất gây nghiện và tác hại của thuốc lá điện tử tại các trường Trung học cơ sở trên địa bàn TP.Hà Nội

Việc kiểm soát và ngăn chặn ma túy là một nhiệm vụ rất quan trọng của các Chính phủ và cộng đồng quốc tế. Các chiến dịch phòng, chống ma túy có thể bao gồm giám sát tại các khu vực biên giới, các khu vực là tụ điểm phức tạp về ma túy; theo dõi, giám sát các hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ ma túy để kịp thời bắt giữ, triệt phá; tiến hành xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội về ma túy; đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng liên lạc và trao đổi thông tin giữa các đơn vị chức năng trong hoạt động phòng, chống ma túy; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của ma túy tại cộng đồng...

Việc triển khai khai các chiến dịch phòng chống ma túy sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của ma túy đối với cá nhân và xã hội, giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự và tạo môi trường phát triển bền vững cho đất nước.

Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), trong thập kỷ gần đây, các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia đã triển khai nhiều chiến dịch phòng, chống ma túy nhằm giảm thiểu sự lây lan của ma túy trong cộng đồng. Các chiến dịch này thường tập trung vào việc tăng cường giáo dục và nhận thức về nguy hiểm của ma túy cho cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ. 

Chương trình DARE có gì?

Một trong những chiến dịch phòng chống ma túy thành công nhất của Hoa Kỳ là chương trình Drug Abuse Resistance Education (DARE) - một chương trình giáo dục chống lạm dụng ma túy dành cho học sinh tiểu học và trung học.

Chương trình này được triển khai từ năm 1983 bởi một sĩ quan cảnh sát Los Angeles và đã được đưa vào hơn 75% trường học trên toàn nước Mỹ. Các chương trình tương tự cũng được triển khai tại Nhật Bản, Australia và đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ sử dụng ma túy ở trẻ em và thanh thiếu niên

Mục đích chính của DARE là giúp các học sinh tiểu học và trung học nhận biết được những nguy hiểm và tác hại của ma túy, cung cấp cho học sinh các kỹ năng và chiến lược để đối phó với áp lực từ những người xung quanh nhằm tránh những tình huống khó xử liên quan đến sử dụng ma túy.

Nội dung của DARE bao gồm các bài học về ma túy, thuốc lá, rượu và các chất gây nghiện khác, cùng với những kỹ năng và cách thức giúp học sinh đối phó với áp lực từ những người xung quanh. Các bài học được thiết kế để giúp học sinh nhận thức được tác hại của ma túy và các chất gây nghiện khác đối với sức khỏe, cuộc sống của họ và cung cấp cho họ các công cụ, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình.

Chương trình DARE được triển khai thông qua các hoạt động giáo dục, bao gồm các buổi giảng, bài tập, hoạt động nhóm, trò chơi và các hoạt động ngoài trời. Các buổi giảng được dạy bởi những Cảnh sát là chuyên gia phòng, chống ma túy, các bài tập và hoạt động được thiết kế để bảo đảm rằng học sinh có thể áp dụng những gì họ học được vào thực tế.

Chương trình DARE cũng cung cấp cho học sinh công cụ, kỹ năng giúp họ xác định tình huống nguy hiểm và biết cách tránh xa chúng. Các kỹ năng này bao gồm việc nhận biết và đối phó với áp lực từ bạn bè và xã hội, quản lý stress và giải quyết mâu thuẫn.

Với hiệu quả đã được chứng minh, DARE là một trong những chương trình phòng, chống ma túy tốt nhất được đưa vào thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tập trung vào kỹ năng

Từ năm 2017 đến nay, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã thực hiện kế hoạch tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn TP.Hà Nội.

Từ nghiên cứu chương trình DARE và thực tế công tác tuyên truyền phòng chống ma túy tại Việt Nam,  PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền kiến thức về các loại ma túy, tác hại của ma túy, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn các kỹ năng sống cần thiết để học sinh, thanh thiếu niên tránh xa sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè và xã hội; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề, giúp mọi người có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong cuộc sống và tránh xa ma túy.

Không phải ai cũng có những khả năng này từ đầu, nó cần được rèn luyện thông qua giáo dục và huấn luyện. Điều này bao gồm khả năng phân tích và đánh giá thông tin, đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề, tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp. 

Khi mọi người có các kỹ năng này, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc đối phó với áp lực từ bạn bè, xã hội và sẽ không bị dụ dỗ hoặc tự ý tham gia các hoạt động liên quan đến ma túy. Do đó, tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề là cần thiết trong công tác phòng, chống ma túy tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, định hướng về các kỹ năng thể chất và tinh thần cần thiết để đối phó với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, giúp tránh xa khỏi ma túy và các hoạt động liên quan đến ma túy.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, áp lực, căng thẳng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đối mặt với những áp lực đó, rất nhiều người đã chọn cách tự an ủi bằng cách sử dụng ma túy và các chất kích thích khác. Ngoài ra, đối với quá trình phát triển, trẻ em và thanh thiếu niên thường phải đối mặt với nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội. Đôi khi áp lực này khiến cho trẻ em và thanh thiếu niên cảm thấy bất an, không tự tin, dễ bị kích động.

Nếu không có những kỹ năng thể chất và tinh thần cần thiết để đối phó với áp lực căng thẳng này, trẻ em và thanh thiếu niên sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng stress, trầm cảm. Tình trạng này có thể dẫn đến sự mất cân bằng tâm lý và có thể khiến cho những người này dễ bị lôi kéo vào những hành vi liên quan đến ma túy. Điều này không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến đời sống xã hội, gia đình của họ.

Các kỹ năng thể chất và tinh thần cần thiết để đối phó với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống là một phần quan trọng trong việc phòng chống ma túy. Các tác động của ma túy đối với cơ thể và tâm lý là rất đáng sợ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đời sống của con người. Những người có kỹ năng thể chất, tinh thần tốt sẽ có khả năng đối phó tốt hơn với áp lực và căng thẳng trong cuộc sống, từ đó giảm thiểu nguy cơ sử dụng ma túy.

Vì vậy, việc phát triển những kỹ năng thể chất, tinh thần cần thiết để đối phó với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống là rất quan trọng trong việc phòng, chống ma túy. 

Kỹ năng thể chất bao gồm tập luyện thể thao, chăm sóc sức khỏe, giúp mọi người duy trì một cơ thể khỏe mạnh, sẵn sàng đối mặt với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống như chạy bộ, yoga và đi bộ.

Kỹ năng tinh thần bao gồm khả năng quản lý cảm xúc và đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Mọi người có thể học cách kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ tích cực bằng cách thực hiện các hoạt động như yoga, thiền định hoặc tham gia các hoạt động nhóm, giúp mọi người cảm thấy thoải mái và tự tin hơn. Các kỹ năng tinh thần cũng bao gồm khả năng xây dựng mối quan hệ tốt với người khác và học cách giải quyết xung đột một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể cũng cần phối hợp với nhà trường để thiết kế và triển khai các hoạt động như: tổ chức các buổi tư vấn, giáo dục về ma túy cho học sinh, tổ chức các buổi gặp gỡ, thảo luận, tọa đàm về vấn đề ma túy; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh và người dân trong cộng đồng...

Chương trình DARE đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, giúp giảm thiểu nguy cơ tiếp cận và sử dụng ma túy, đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng sống cho mọi người nói chung và các em học sinh nói riêng.

Tuy nhiên, để có hiệu quả tốt hơn trong việc phòng, chống ma túy, Việt Nam cần đưa ra các chiến lược tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Ngoài ra, cần có sự đồng thuận, hợp tác của các cơ quan, tổ chức, giáo dục và cộng đồng để tạo ra một môi trường học tập, sống lành mạnh, an toàn và không ma túy. Để thành công, việc triển khai cần sự quan tâm, đầu tư từ các cấp chính quyền, cùng với sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia, tổ chức và cộng đồng địa phương.

Hoàng Giang

Top