Phòng, chống tội phạm hiệu quả từ công tác phối hợp liên ngành

01/11/2022 09:10

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, công tác phối hợp liên ngành Công an - Viện Kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân ở hầu hết các địa phương luôn được củng cố, tăng cường, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tố tụng đã giúp công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt được hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Phòng, chống tội phạm hiệu quả từ công tác phối hợp liên ngành - Ảnh 1.

9 ngành (Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, Thuế, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra) của tỉnh Nghệ An ký kết quy chế phối hợp

 Chủ động phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm

Trong 9 tháng năm 2022, Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát - Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh Quảng Nam đã chủ động phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm; đồng thời phối hợp tốt, kịp thời đấu tranh, phát hiện triệt phá nhiều vụ việc. Qua đó đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như giết người, xâm hại tình dục trẻ em, ma túy hoặc các loại tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội...

Liên ngành đã đẩy nhanh tiến độ để giải quyết, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh những kết quả đạt được, liên ngành của tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế trong quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát - Tòa án, giữa Điều tra viên - Kiểm sát viên - Thẩm phán,... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tại Đắk Lắk, Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, cùng với việc quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, công tác xác minh, phân loại tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đắk Lắk) trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng, địa bàn, dư luận xã hội quan tâm đã được tập trung điều tra, xử lý kịp thời và kết thúc chuyển cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân đúng thời hạn, quy định của pháp luật. Việc áp dụng, thay đổi và hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn được bảo đảm, không xảy ra sai sót, vi phạm.

Trong 6 tháng năm 2022, cơ quan cảnh sát điều tra Đắk Lắk đã thụ lý 69 tin; trong đó quyết định khởi tố 16 vụ, không khởi tố và chuyển xử lý 12 tin, tạm đình chỉ 12 tin, số tồn chưa giải quyết là 22 tin trong thời hạn luật định.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Kỳ khẳng định công tác phối hợp liên ngành giữa cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra cùng cấp kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác nhằm đảm bảo việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can kịp thời, có căn cứ, đúng pháp luật. Nhờ sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa các cơ quan liên ngành nên chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tội phạm ngày một nâng cao, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Ông Lê Quang Tiến, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết sự phối hợp liên ngành theo vụ việc, đề ra các giải pháp nhằm giải quyết những tin báo, những vụ án phức tạp đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng án trả hồ sơ không cần thiết dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án; trả lời thỉnh thị cấp huyện nhanh chóng, kịp thời về những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp có khó khăn trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quy chế số 01/QCPH-LN phối hợp 9 ngành về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; Quy chế số 02/QCPH-LN về phối hợp 3 ngành trong giải quyết án hình sự của tỉnh Nghệ An vừa qua, báo cáo cho thấy: tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Tội phạm chủ yếu vẫn tập trung vào các tội phạm về ma túy (bình quân chiếm 40,3%), một số vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn, các đối tượng thường liều lĩnh, manh động, sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Bên cạnh đó còn xảy ra các loại tội phạm lừa đảo qua Internet, thông qua hình thức nhận tiền đưa người đi lao động tại nước ngoài và xin việc vào các cơ quan Nhà nước,  "tín dụng đen",  mua bán người, tội phạm kinh tế liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản...

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì báo cáo cũng chỉ ra những ưu điểm, tồn tại hạn chế, phân tích nguyên nhân trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác. Theo đó, lưu ý khắc phục các tồn tại như việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa các ngành Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, Thuế, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra của tỉnh trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, kịp thời. Các cơ quan liên ngành có lúc chưa thực hiện kịp thời quy chế về thông báo và cung cấp số liệu, báo cáo bằng văn bản tình hình, kết quả việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Sau khi Quy chế 01/QCPHLN có hiệu lực thi hành, các đơn vị của tỉnh Nghệ An đã tham gia ký kết quy chế đều thực hiện nghiêm túc trong việc quán triệt nội dung Quy chế đến các phòng nghiệp vụ có liên quan, đảm bảo 100% cán bộ, công chức trong đơn vị nắm vững nội dung Quy chế. Một số đơn vị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trong đó lồng ghép nội dung thực hiện quy chế phối hợp như công văn tăng cường các giải pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm; kế hoạch về biên tập, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật liên quan đến công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và điều tra án hình sự...

Từ 24/3/2018 đến nay, các cơ quan của tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 14.472 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong đó, tố giác về tội phạm: 3.247 tin; tin báo về tội phạm: 9.359 tin; kiến nghị khởi tố: 37 tin. Kết quả phân loại, xử lý: 14.217 tin. Trong đó: Khởi tố hình sự: 10.132 tin. Không khởi tố: 3.280 tin (trong đó xử lý hành chính 2.048 tin), chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 171 tin. Tạm đình chỉ: 32 tin. Đình chỉ 02 tin. Đang giải quyết: 255 tin.

Tiếp tục phối hợp giải quyết, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại và đề ra phương hướng của liên ngành tố tụng hai cấp tại Quảng Nam trong trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng liên ngành tố tụng tỉnh cần tập trung làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đấu tranh và phòng ngừa vi phạm, tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng chức vụ, tội phạm có tính chất băng nhóm. Bên cạnh đó, cần tích cực phát hiện, tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm tội phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khắc phục…

Về mối quan hệ công tác liên ngành giữa Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt mối quan hệ này, duy trì thường xuyên công tác phối hợp để đảm bảo tính kịp thời, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhận định các loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu nêu quan điểm, để chủ động phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, liên ngành ngành nói chung, từng ngành nói riêng cần quán triệt, triển khai hiệu quả các đạo luật về tổ chức và hoạt động của từng ngành cũng như thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, các văn bản của liên ngành tư pháp Trung ương về công tác cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Đặc biệt, các ngành đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

Bên cạnh đó, liên ngành cũng cần kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đối với những vụ án liên ngành có quan điểm khác nhau, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Vụ án đang ở giai đoạn nào thì ngành đó chủ động và phối hợp liên ngành báo cáo, nhằm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để tăng hiệu quả phối hợp giữa 9 ngành Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, Thuế, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra tại tỉnh Nghệ An, tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các Quy chế phối hợp, các đại biểu đều đề nghị một số giải pháp, kiến nghị như duy trì giao ban giữa các ngành để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc; tăng cường trao đổi thông tin, thống kê, báo cáo và kiến nghị liên quan. Cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để nắm bắt đầy đủ, kịp thời các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Trong công tác tổ chức thực hiện, liên ngành cần sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp cho phù hợp với một số nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017 của liên ngành Tư pháp Trung ương. Đồng thời chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện chủ trì, phối hợp Viện Kiểm sát cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm.

Bên cạnh đó, các ngành cấp trên cần quan tâm hơn nữa công tác tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, kiểm sát viên, điều tra viên làm công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Giang Oanh

}
Top