Phòng ngừa, can thiệp giảm hại HIV/AIDS cho phụ nữ

09/12/2022 10:39

(Chinhphu.vn) - Dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn tiến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến những kết quả phòng, chống AIDS. Những nguy cơ, thách thức này cần sự vào cuộc, đẩy lùi của toàn xã hội, trong đó, cán bộ, hội viên phụ nữ đóng vai trò quan trọng.

Phòng ngừa, can thiệp giảm hại HIV/AIDS cho phụ nữ - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Thùy Chi

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Tình hình HIV/AIDS và cách phòng ngừa, can thiệp giảm hại HIV/AIDS đối với phụ nữ", nhằm hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022.

Tại hội nghị, các cán bộ, hội viên nữ được nghe báo cáo viên truyền đạt thông tin các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS; công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước trong thời gian qua; cách xử lý một số tình huống dự phòng phơi nhiễm HIV/AIDS.

Hiện nay hiểu biết về HIV/AIDS trong lứa tuổi dưới 25 là rất hạn chế. Cùng với đó, nạn mại dâm ngày càng phức tạp, quan hệ đồng tính nam trở thành nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS. Những nguy cơ, thách thức này rất cần sự vào cuộc xử lý, đẩy lùi của toàn xã hội, trong đó, cán bộ, hội viên phụ nữ đóng vai trò quan trọng.

Tại buổi tập huấn, các học viên còn được thực hành, tham gia các câu hỏi trả lời trắc nghiệm. Nội dung xoay quanh các vấn đề như: Các con đường lây truyền HIV/AIDS, thời kỳ cửa sổ, cách phòng bệnh AIDS...

Bên cạnh đó, các học viên cũng được chia sẻ, hiểu rõ hơn về các quan niệm sai lầm về HIV/AIDS như: HIV/AIDS có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, HIV/AIDS lây qua đường muỗi đốt, kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS...

Qua buổi tập huấn, cán bộ, hội viên phụ nữ được nâng cao kiến thức, kỹ năng triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại HIV/AIDS, giúp chị em làm tốt hơn vai trò tiếp cận cộng đồng; biết cách can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại chính địa phương đạt hiệu quả cao nhất.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống trên địa bàn TP. Hà Nội là 19.297; tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS 7.316; 100% quận, huyện, thị xã đều có người nhiễm HIV, 575/579 xã/phường/thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (99,50%).

Quận, huyện có số người nhiễm HIV lũy tích cao nhất là Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Long Biên, Hoàng Mai…các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, 10 quận huyện cao nhất chiếm 56,8 % tổng số trường hợp nhiễm HIV.

Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu là nam giới 82,2%; tập trung chủ yếu tại nhóm tuổi 15-25 và 25-49 với tỷ lệ lần lượt là 22,2% và 68,9%, không có trường hợp thuộc nhóm tuổi dưới 15; đường lây chủ yếu là qua đường máu (26,7%) và quan hệ tình dục (57,8%). Dịch HIV/AIDS tại TP. Hà Nội vẫn trong giai đoạn tập trung trên các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, mặc dù hiện tỷ lệ nhiễm HIV trên các nhóm này có chiều hướng giảm, nhưng còn ở mức cao.

Về Chương trình phòng chống HIV/AIDS cho biết, tính đến 30/9, thực hiện mục tiêu 90 - 90 – 90, TP. Hà Nội thực hiện chỉ tiêu phát hiện người nhiễm HIV (mục tiêu 1) đạt 79,6% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý (19.789/25.000); 243/950 (25,6%) ca nhiễm HIV mới phát hiện.

Thực hiện chỉ tiêu điều trị ARV (mục tiêu 90 thứ 2) là 550 người nhiễm được điều trị ARV, đạt 64,3% so chỉ tiêu kế hoạch 2022 (855 người nhiễm HIV cần được điều trị). Số người nhiễm HIV đang điều trị ARV là 13.252/14.318 người đạt 92,6% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Chỉ tiêu 90 thứ 3 đạt 98,4% (4.277/4.348) bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế 1000 cp/ml máu…

Thùy Chi

}
Top