Phòng ngừa người Việt phạm tội ma túy ở nước ngoài và người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam

28/05/2022 07:48

(Chinhphu.vn) - Những năm gần đây, tình hình người Việt Nam vi phạm pháp luật về ma tuý ở nước ngoài và người nước ngoài phạm tội về ma tuý ở nước ta diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự đất nước cũng như đời sống của kiều bào, đồng thời khiến các nước nghi ngờ hiệu quả của chính sách phòng, chống ma tuý ở nước ta.

Phòng ngừa người Việt phạm tội ma túy ở nước ngoài và người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam - Ảnh 1.

Cảnh sát bang New South Wales (Úc) bắt giữ 14 đối tượng người Việt về hành vi trồng cần sa

Hiện nay có trên 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng triệu người nước ngoài đang cư trú ở nước ta.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, từ năm 2019 - 4/2022, có khoảng 3.300 công dân Việt Nam phạm tội về ma tuý ở nước ngoài, tập trung nhiều nhất ở Nhật Bản, Úc, Lào, Campuchia, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Đối tượng chủ yếu phạm tội sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, riêng phạm tội trồng cây cần sa thường xảy ra tại Úc và các nước châu Âu.

Điển hình như ngày 26/10/2020, Cảnh sát bang New South Wales (Úc) đã bắt giữ 14 đối tượng người Việt Nam về tội trồng cây cần sa, thu giữ số vật chứng có giá trị 40 triệu đô la Úc. Từ năm 2019 - 2021, có 1.779 công dân Việt Nam phạm tội về ma tuý tại Úc.

Tại Campuchia, đối tượng người gốc Việt chủ yếu liên quan đến các đường dây ma tuý xuyên quốc gia, chiếm tỷ lệ cao trong số người nước ngoài phạm tội về ma tuý. Năm 2021, Campuchia phát hiện, bắt giữ 6.308 vụ, 13.979 đối tượng phạm tội về ma tuý (trong đó có 124 đối tượng người Việt Nam), thu giữ 5.688 kg ma tuý các loại cùng nhiều vật chứng liên quan.

Trên 80% số phạm nhân người Việt Nam đang chấp hành án ở Campuchia là phạm tội về ma tuý. Ngoài ra, Công an các tỉnh nằm giáp biên với Việt Nam phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới hai nước.

Tại Lào, số vụ án về ma tuý triệt phá hiện chiếm trên 50% tổng số án hình sự. Năm 2021, lực lượng chức năng bắt giữ 2.884 vụ, 3.889 đối tượng (trong đó có 50 đối tượng người Việt Nam), thu giữ hơn 125 triệu + trên 2.521 kg ma tuý tổng hợp, trên 35 tấn tiền chất dùng để sản xuất ma tuý. Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng Lào phối hợp với phía Việt Nam bắt giữ 10 đối tượng truy nã về ma tuý là người Việt Nam.

Tại Nhật Bản, từ năm 2020 đến nay, xuất hiện tình trạng người Việt Nam bị bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử về các hành vi trồng cần sa, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý tổng hợp đặt mua từ nước ngoài chuyển sang Nhật qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. 

Năm 2020, lực lượng chức năng ở xứ sở Mặt trời mọc phát hiện, bắt giữ 218 vụ, 235 đối tượng đưa ma tuý từ nước ngoài vào nội địa, trong đó có 16 đối tượng người Việt Nam. Điển hình trong tháng 6 - 7/2021, Hải quan Nhật Bản phát hiện, bắt giữ 7 đối tượng người Việt Nam trong 2 vụ buôn lậu thuốc lá nhãn hiệu "DOMINIX" chứa chất ADB-BUTINICA (thuộc danh mục kiểm soát ma tuý ở Nhật) trong bưu kiện chuyển phát nhanh gửi từ Việt Nam sang.

Tại châu Âu, trước kia tội phạm ma tuý là người gốc Việt tại Séc chỉ trồng cần sa. Hiện nay do hoạt động này dễ bị phát hiện, đối tượng đã chuyển sang sản xuất methamphetamine tại Séc để tiêu thụ tại chỗ và xuất sang Đức, Hà Lan. 

Từ năm 2017, đối tượng chuyển xưởng sản xuất sang Đức, Bỉ, Hà Lan, do có nguồn nguyên liệu dễ kiếm, mức án cũng nhẹ hơn rồi xuất sản phẩm sang các nước khác. Các xưởng này tuy chỉ chiếm 3% nhưng có công suất gấp nhiều lần ở Đông Âu. 

Trong năm 2020 - 2021, Cảnh sát Đức và Hà Lan bắt giữ 7 người Việt Nam phạm tội về ma tuý. Tháng 3/2021, Toà án vùng Usti nad Labem (Hà Lan) xét xử 22 bị cáo, trong đó có 17 người Việt Nam về tội sản xuất, mua bán trái phép ma tuý. Các đối tượng mua nguyên liệu ở Séc đưa sang Hà Lan sản xuất rồi đưa thành phẩm về Séc, Đức tiêu thụ.

Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận, xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, yêu cầu xác minh của Cảnh sát các nước qua kênh Interpol liên quan đến 88 đối tượng người Việt Nam bị điều tra do phạm tội về ma tuý, xác định 76 đối tượng bị Ban Thư ký Interpol ra Thông báo truy nã quốc tế. 

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý tiếp nhận, xử lý 90 công thư yêu cầu của Cảnh sát các nước liên quan đến 198 đối tượng, qua đó tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời khi đối tượng về nước.

Tội phạm ma túy câu kết chặt chẽ ở trong và ngoài nước

Cũng trong thời gian qua, lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập của Đảng, Nhà nước ta, đối tượng người nước ngoài phạm tội về ma tuý ở trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, hoạt động trên nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm, có sự câu kết chặt chẽ với đối tượng ở trong và ngoài nước.

Đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc nhập cảnh vào nước ta sử dụng thủ đoạn thành lập công ty xuất nhập khẩu hàng hoá, thuê nhà xưởng, kho bãi làm bình phong để mua bán, vận chuyển ma tuý với số lượng lớn. 

Điển hình tháng 8/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã chủ trì, phối hợp triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma tuý "đột lốt" danh nghĩa sản xuất thuốc diệt côn trùng trong khu nhà xưởng thuê tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, bắt giữ 7 đối tượng người Trung Quốc, thu giữ 140 lít dung dịch có chứa methamphetamine, trên 13 tấn hoá chất, tiền chất cùng nhiều máy móc, thiết bị.

Các đường dây ma tuý do đối tượng người nước ngoài cầm đầu tổ chức mua bán, tập kết heroin, ma tuý tổng hợp từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia sau đó thuê người Việt Nam vận chuyển qua biên giới vào tập kết tại địa bàn TPHCM, một phần được chia lẻ để tiêu thụ tại khu vực phía Nam, còn lại đưa ra nước ngoài.

Tình hình đối tượng người gốc Phi phạm tội về ma tuý có dấu hiệu gia tăng. Chúng lợi dụng mối quan hệ tình ái với phụ nữ Việt Nam để hình thành đường dây phạm tội, rồi thuê người ra nước ngoài nhận ma tuý giấu trong bìa sách, giày dép, quần áo… mang về trong nước.

Tháng 8/2019, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lực lượng Hải quan phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ hành khách người Senegal đã nuốt vào bụng 77 viên nén con nhộng chứa 1,6 kg cocain vận chuyển trái phép trên chuyến bay từ Nigieria quá cảnh qua Etiopia, Thái Lan về Việt Nam. Trong năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đối tượng người nước ngoài thuê homestay, nhà nghỉ, khách sạn để sử dụng trái phép chất ma tuý.

Phòng ngừa người Việt phạm tội ma túy ở nước ngoài và người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam - Ảnh 2.

77 viên nén con nhộng chứa 1,6 kg cocain thu giữ của đối tượng nhập cảnh tại sân bay Tây Sơn Nhất

Từ tháng 12/2018 đến nay, qua công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phát hiện, bắt giữ 143 vụ, 197 đối tượng phạm tội là người nước ngoài, thu giữ trên 485.000 viên + 5.039,43 kg ma tuý tổng hợp, 275 bánh + 6,46 kg heroin, 74,51 kg cần sa, 2,15 kg thuốc phiện, 140 lít dung dịch chứa methamphetamine, 60 tấn hoá chất, tiền chất cùng nhiều vật chứng liên quan. Trong đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý trực tiếp bắt giữ, thụ lý điều tra 15 vụ, 48 đối tượng là người nước ngoài.

Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng xác định tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý người nước ngoài ở Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, thống nhất cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, phòng ngừa hành vi vi pháp luật về ma tuý của công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở nước ta. Tăng cường hợp tác với Cảnh sát các nước nhằm chia sẻ thông tin về tội phạm ma tuý liên quan đến mỗi bên, nhất là những nước có đông kiều bào sinh sống.

Tập trung triệt xoá các đường dây ma tuý hoạt động xuyên quốc gia có sự móc nối giữa người Việt Nam ở nước ngoài với đối tượng ở trong nước và người nước ngoài cư trú tại nước ta gắn với xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội nhằm răn đe tội phạm.

Các ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho công dân có nhu cầu ra nước ngoài lao động, học tập; cảnh báo hệ lụy của việc di cư trái phép, cũng như thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của đối tượng để không vi phạm pháp luật của nước sở tại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Kim Long

Top