Phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch HIV/AIDS

28/11/2023 10:52

(Chinhphu.vn) - Người nhiễm HIV phát hiện mới đang gia tăng ở nhóm phụ nữ chuyển giới. Cùng với đó, phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều hơn do thiếu kiến thức và hiểu biết về HIV.

Phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch HIV/AIDS- Ảnh 1.

Phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch HIV/AIDS. Ảnh minh họa

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 (1/12), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp với Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức chương trình "Sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 với Mạng lưới quốc gia phụ nữ sống với HIV".

Sự kiện cũng là cơ hội để chia sẻ, trao đổi về các vấn đề ưu tiên của phụ nữ dễ bị tổn thương bởi HIV, đồng thời cũng nhằm giới thiệu và lan tỏa bằng chứng về những nỗ lực của các nhóm phụ nữ sống với HIV trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tạo sinh kế và phòng, chống bạo lực giới của phụ nữ.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, HIV/AIDS không chỉ là một vấn đề y tế toàn cầu, mà còn là một vấn đề xã hội và nhân đạo. Trên khắp thế giới, phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch HIV/AIDS. Họ đối mặt với nhiều khó khăn và rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tương xứng.

Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HIV thường phải đối mặt với áp lực xã hội, kinh tế và gia đình, gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ. Chính vì vậy, chúng ta cần đồng lòng, hướng tới mục tiêu chung là tăng cường hỗ trợ cho phụ nữ nhiễm HIV. Đây không chỉ là một nhiệm vụ của cá nhân, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ở nước ta, số người được điều trị ARV liên tục tăng với tỉ lệ tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế cao, tỉ lệ người nhiễm HIV đạt K=K cao. Điều này giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử cho người nhiễm HIV, bao gồm cả đối với phụ nữ nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con triển khai mạnh mẽ, triển khai điều trị và chăm sóc toàn diện nhiễm HIV. Với phụ nữ nhiễm HIV bắt đầu triển khai sàng lọc ung thư cổ tử cung…

Số liệu báo cáo của chương trình phòng, chống HIV của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy có những vấn đề đáng lo ngại liên quan đến giới trong phòng, chống HIV. Dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ chuyển giới đang gia tăng. Lây truyền HIV qua đường tình dục chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2021-2023, trong đó nhóm vợ, bạn tình của nam giới sống với HIV và nam giới có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV chiếm một tỷ trọng không nhỏ. Số người mới phát hiện nhiễm HIV đang trẻ hóa, với nhóm thanh thiếu niên trong độ tuổi 16 - 29 chiếm khoảng 50%.

Cùng với đó, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng còn gặp nhiều thách thức, độ bao phủ điều trị HIV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bị giảm sút kể từ năm 2020. Các phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều hơn do thiếu kiến thức và hiểu biết về HIV, chưa đến 50% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 có hiểu biết đúng và toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV và tỉ lệ này trong phụ nữ ở độ tuổi 15-24 còn thấp hơn nhiều. Gần 1/4 phụ nữ chuyển giới cho biết họ có trải nghiệm bị kỳ thị trong cộng đồng vì liên quan đến tình trạng nhiễm HIV.

Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, các mạng lưới cộng đồng đã không ngừng nỗ lực, không những hỗ trợ lẫn nhau mà còn có đóng góp đáng kể cho đáp ứng của quốc gia với HIV. Mạng lưới và các nhóm tự lực của các chị em dễ bị tổn thương bởi HIV cung cấp các dịch vụ tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm sàng lọc và kết nối các chị em có nhu cầu đến với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV cũng như các dịch vụ có liên quan khác.

Hội thảo "Sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 với Mạng lưới quốc gia phụ nữ sống với HIV" đã thu thập những khuyến nghị từ tất cả các bên liên quan, để xác định các hành động cần thiết trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò và những đóng góp vô cùng có ý nghĩa của các nhóm cộng đồng, hướng tới mục tiêu không chị em phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong các nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, bao gồm mục tiêu về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và mục tiêu về bình đẳng giới.

Thùy Chi

hiv
}
Top