Quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy
(Chinhphu.vn) - Gửi ý kiến tới Bộ Tư pháp, cử tri tỉnh Quảng Ngãi nhận định người sử dụng ma túy gây ra nhiều vụ án xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, cử tri kiến nghị cần xem xét luật hóa tội sử dụng ma túy trái phép để tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm người sử dụng ma túy gây ra các hậu quả cho xã hội.
Về nội dung này, Bộ Tư pháp cho hay Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm sau khi đã giáo dục, đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
Đến năm 2009, Quốc hội đã bỏ tội danh này. Lý do bởi nghiện ma túy là hiện tượng bệnh lý và chưa có thuộc đặc trị hiệu quả. Để giúp người nghiện cai nghiện thành công, sự hỗ trợ lâu dài, kiên trì từ phía gia đình, xã hội (dạy nghề, tạo việc làm) là rất cần thiết; cùng với đó là thực hiện các liệu pháp tâm lý, quan tâm, động viên người nghiện xóa bỏ mặc cảm, vượt qua cám dỗ, làm lại cuộc đời. Việc xử lý hình sự người sử dụng ma túy có thể đem đến những hậu quả bất lợi về mặt xã hội như tăng thêm mặc cảm đối với người nghiện, khiến cộng đồng xa lánh, kỳ thị và gây khó khăn cho việc cai nghiện cũng như tái hòa nhập cộng đồng.
Mặt khác, Thực tiễn khi áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 cho thấy số người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng trái phép chất ma túy" không nhiều; tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa không cao; không khắc phục được tình trạng tái nghiện (tỉ lệ tái nghiện 80% - 90%).
Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 đã nhìn nhận người sử dụng ma túy dưới góc độ nhân đạo hơn, theo hướng coi họ không chỉ là người vi phạm pháp luật mà còn là người bệnh và cần có biện pháp đối xử phù hợp hơn để khuyến khích họ tự cai nghiện. Ngoài ra, các Công ước về phòng, chống ma túy mà Việt Nam là thành viên cũng không yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Với quan điểm phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nghĩa là dung túng đối với hành vi này mà là tìm biện pháp xử lý khác bền vững hơn. Vì vậy, Bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục không quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm.
Tuy nhiên, để bảo đảm răn đe và phòng ngừa vi phạm, Bộ luật Hình sự quy định người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng chất kích thích mạnh như ma túy vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng.
Trong một số trường hợp, phạm tội trong tình trạng dùng ma túy hoặc chất kích thích khác sẽ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Một số trường hợp, phạm tội trong tình trạng dùng ma túy hoặc chất kích thích khác sẽ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự (ví dụ điểm b, khoản 2, Điều 260 về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ").
Năm 2021, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống ma túy. Theo đó, Nhà nước sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời quy định cụ thể về các biện pháp quản lý.
Thu Hà