Quản lý đối tượng có biểu hiện 'ngáo đá': Cách làm của Hà Nội

13/03/2018 15:23

Công an TP. Hà Nội đã lập danh sách cụ thể những đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp trên địa bàn và áp dụng các biện pháp, đối sách quản lý, phòng ngừa và xử lý quyết tâm như đưa đi cai nghiện bắt buộc, vận động cai nghiện tự nguyện, chữa trị bệnh tâm thần…

Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Công an TP.Hà Nội, các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) có biểu hiện ngáo đá chủ yếu thuộc độ tuổi lao động, từ 18-40 tuổi. Biểu hiện của “ngáo đá” thường có dấu hiệu ảo giác, loạn thần dẫn đến những hành vi nguy hiểm cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Trong thời gian qua, hình ảnh những thanh niên “ngáo đá” có hành vi mất kiểm soát, hoang tưởng xuất hiện nhiều trên đường phố Hà Nội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân Thủ đô.

Cũng từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội xảy ra hàng chục vụ việc phạm pháp hình sự do đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” gây ra, trong đó nhiều vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây mất trật tự an toàn xã hội, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Điển hình như: vụ chồng giết vợ ở Khâm Thiên, Đống Đa; giết bạn gái vì tưởng bạn gái là “con trăn” ở Ngọc Thụy, Long Biên; em trai cắt chân chị ruột để “diệt ma” tại bệnh viện Xanh Pôn hay gần đây là vụ ca sĩ Châu Việt Cường nhét tỏi vào miệng cô gái dẫn đến tử vong...

Do đặc thù Hà Nội là trung tâm Chính trị-Kinh tế-Văn hoá của cả nước, tập trung nhiều đầu mối giao thông đi lại. Vì vậy, các vụ việc xảy ra trên địa bàn không chỉ do đối tượng là người Hà Nội gây ra mà còn do các đối tượng từ địa phương khác, sau khi sử dụng MTTH có biểu hiện loạn thần về Hà Nội gây án. Các đối tượng này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình tổ chức đấu tranh, bắt giữ. Đồng thời, không thể chủ động phòng ngừa, lập hồ sơ quản lý để kịp thời có biện pháp giải quyết, ngăn chặn hành vi phạm tội.

Trước tình hình đó, Công an TP. Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong Công an toàn quốc chủ động nắm tình hình, kịp thời đánh giá thực trạng, tính chất nguy hiểm, manh động của đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ ngáo đá”, thống kê vụ việc do đối tượng gây ra, đồng thời Ban Giám đốc Công an Thành phố đã đề ra các biện pháp cụ thể, tập trung chỉ đạo các lực lượng quyết liệt đấu tranh, giải quyết nhóm đối tượng này.

Phòng ngừa, giải quyết “mạnh tay”

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma tuý, Công an TP.Hà Nội cho biết, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý đã tham khảo ý kiến của Sở Y tế Hà Nội, tham khảo ý kiến Bệnh viện tâm thần Hà Nội, là đơn vị có kinh nghiệm trong quá trình theo dõi, điều trị bệnh cho các đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá”; lấy ý kiến đóng góp của 30 Công an quận, huyện, thị xã về tiêu chí xác định và biện pháp quản lý đối tượng “ ngáo đá” để ban hành Hướng dẫn số 452/HD-CAHN-PC47 ngày 25/10/2016, hướng dẫn công tác phòng ngừa, quản lý và giải quyết số đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá”.

Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý đã trực tiếp thẩm định, rà duyệt từng hồ sơ “ngáo đá”, đánh giá căn cứ đưa vào, biện pháp xử lý đối với từng đối tượng. Qua đó đã loại khỏi danh sách quản lý những đối tượng đưa vào thiếu căn cứ, yêu cầu chỉ huy Công an các quận, huyện, thị xã trực tiếp ra quyết định phân công cán bộ mở hồ sơ, quản lý, giải quyết đối với từng đối tượng “ngáo đá” để gắn trách nhiệm, nâng cao ý thức của cá nhân và tập thể đơn vị trong việc quản lý đối tượng.

Hiện Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp (hành chính, nghiệp vụ và tố tụng) phòng ngừa, quản lý, đấu tranh với đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá”.

Đến nay những biện pháp quản lý, phòng ngừa đã phát huy hiệu quả nhất định, tiêu biểu là đã rà soát, lập hồ sơ, kế hoạch quản lý với 100% đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”. Mỗi đối tượng đều có đối sách riêng và giao trách nhiệm cụ thể gắn với từng cán bộ quản lý. Số vụ việc phạm pháp hình sự do đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” gây ra được kéo giảm.

Tính từ 15/12/2016 đến nay, Công an Thành phố đã rà soát, lập hồ sơ quản lý 260 đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” và có biện pháp xử lý, giải quyết cụ thể (bắt, khởi tố: 24 đối tượng; đưa đi cai nghiện bắt buộc: 08 đối tượng; vận động đưa đi cai nghiện tự nguyện: 30 đối tượng; đưa đi chữa bệnh tâm thần: 15 đối tượng; chết: 03 đối tượng; loại do đánh giá đối tượng không còn biểu hiện loạn thần, ảo giác hoặc đưa vào không đúng căn cứ: 164 đối tượng; chuyển ra khỏi địa bàn Thành phố: 10 đối tượng). Hiện toàn Thành phố còn 6 đối tượng nằm trong diện quản lý. Số đối tượng đưa vào diện nguy cơ là 55 đối tượng.

Thống kê cho thấy, số đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” trên địa bàn Hà Nội nằm trong danh sách quản lý giảm mạnh trong một vài năm gần đây.

Phân tích kỹ vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho rằng, sở dĩ số lượng đối tượng “ngáo đá” giảm mạnh là vì sau khi lập danh sách cụ thể, Công an Thành phố đã tập trung các biện pháp, đối sách quản lý, phòng ngừa, xử lý, giải quyết “mạnh tay” như: đưa đi cai nghiện bắt buộc; vận động cai nghiện tự nguyện; buộc đi chữa bệnh tâm thần; bắt khởi tố...

Tuy nhiên, cũng theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, công tác phòng ngừa, quản lý, xử lý giải quyết đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” còn nhiều khó khăn vướng mắc về mặt pháp luật, quá trình lưu giữ đối tượng nghiện và không xác định được người nghiện dẫn đến khó thống kê, báo cáo, lập hồ sơ quản lý, đồng thời cũng chưa có phác đồ điều trị đối với người nghiện MTTH.

Do đó, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành đoàn thể để nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, cần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật quy định cụ thể về phòng chống tệ nạn ma tuý nói chung và quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” nói riêng để nâng cao hiệu quả đấu tranh.

Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khiến mọi người biết những tác hại khủng khiếp của ma túy và tình trạng "ngáo đá" thì mới có thể đẩy lùi tệ nạn này. Ngoài ra, những đặc trưng của đối tượng "ngáo đá" được xếp vào tính chất nguy hiểm trong hành vi của người loạn thần do sử dụng MTTH. Vậy nên đối tượng “ngáo đá” gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự được xem như tội phạm để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Hà Nội: Gần 13 nghìn người nghiện được quản lý thông tin bằng phần mềm

Theo Công an TP.Hà Nội, hệ thống phần mềm “Quản lý dữ liệu hệ lực lượng phòng, chống ma túy” tích hợp dữ liệu thông tin tội phạm, công tác nghiệp vụ như bắt giữ, quản lý sưu tra, người nghiện, đối tượng bán lẻ, đối tượng trọng điểm, biểu đồ số liệu... phục vụ công tác tra cứu thông tin, công tác chỉ huy.

Được cập nhật từ năm 2016 đến nay, hệ thống phần mềm đã cập nhật thông tin của 4.386 đối tượng quản lý nghiệp vụ, 7.471 đối tượng bắt giữ, 1.091 đối tượng bán lẻ và 12.730 người nghiện và người sử dụng ma túy.

Từ 1/10/2017 đến nay, hệ thống phần mềm đã được kết nối tới công an 30 quận, huyện nhằm hướng tới bản đồ điện tử về công tác phòng chống ma túy trên địa bàn Hà Nội.

* Bài 2: Phòng ngừa đối tượng "ngáo đá”: Xã hội hỗ trợ những gì?

}
Top