'Quét' những 'bến đỗ' ma túy
(Chinhphu.vn) - Dịch COVID-19 được kiểm soát, các cơ sở kinh doanh (CSKD) có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) hoạt động bình thường trở lại sẽ là điều kiện để tội phạm ma túy tăng cường hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Nhiều thanh niên chọn "bãi đáp" là các quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn... để "chơi bù", sử dụng ma túy.
"Bến đỗ" của dân chơi ma túy
Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, (Công an TP. Hà Nội), việc bình thường hóa các hoạt động văn hóa giải trí sẽ mang lại nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế cũng như đời sống xã hội trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng kéo theo các mặt tiêu cực khác, trong đó có tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
"Chúng tôi xác định sẽ phức tạp hơn những đợt trước khi dịch vì các cơ sở này đều cố gắng hoạt động tối đa để bù đắp lại thiệt hại do COVID-19, thậm chí, sẽ không từ thủ đoạn để kiếm tiền, lôi kéo khách, kể cả những hoạt động phạm pháp", Thượng tá Phạm Quỳnh cho hay.
Bên cạnh đó, một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay với lối sống lệch lạc có xu hướng "chơi bù" thời gian dịch bệnh vừa qua dẫn đến gia tăng về tần suất và cường độ hoạt động tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại TPHCM, khoảng 1h ngày 27/5, lực lượng Công an TPHCM ập vào kiểm tra quán bar Paradise (địa chỉ số 89 đường Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú). Nhiều người tìm cách thoát ra ngoài nhưng bị lực lượng chức năng chốt chặn. Một số người tìm cách phi tang viên nén nghi là ma túy xuống bàn, ghế, sàn nhà…
Lực lượng Công an đã thu giữ nhiều túi ni lông chứa viên nén nghi là ma túy; đồng thời lập biên bản xử phạt nhiều lỗi vi phạm của quán, đưa 108 người có dấu hiệu nghi vấn, không có giấy tờ tùy thân về trụ sở Công an để làm việc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 63 người dương tính với chất ma túy.
Rạng sáng 8/5, lực lượng Công an TP.Cần Thơ tiến hành kiểm tra cơ sở karaoke Boss (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), phát hiện 8 phòng hát đang hoạt động, tổng cộng có 61 người. Kết quả test nhanh có 34 người dương tính với ma túy. Tang vật thu giữ 4 viên thuốc lắc, nhiều hạt tinh thể màu trắng, nhiều dụng cụ dùng để sử dụng ma túy.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước có khoảng 147.000 CSKD có điều kiện về ANTT, trong đó có khoảng 4.200 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy hoặc có liên quan đến ma túy.
Các vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý tại các CSKD có điều kiện về ANTT chiếm tỉ lệ cao, trong khi số vụ tổ chức sử dụng, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý chiếm tỷ lệ thấp hơn do việc chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây (2020, 2021), số vụ tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý tăng cao do pháp luật đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác này.
5 năm, khởi tố gần 9.600 vụ phạm tội về ma tuý tại CSKD có điều kiện
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Bộ Công an), qua thực tiễn công tác đấu tranh cho thấy, trong số 23 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT theo quy định thì loại hình CSKD có điều kiện về ANTT bị tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động chủ yếu là: kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, dịch vụ cho thuê lưu trú, kinh doanh casino...
Đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật chủ yếu là đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy, hoạt động chuyên nghiệp; đối tượng trong danh sách quản lý nghiệp vụ của ngành Công an. Nguy hiểm hơn, đối tượng phạm tội về loại này ngày càng mang tính tự phát và đa dạng về thành phần lứa tuổi, trong đó có cả công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên.
Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt với các phương thức phổ biến là: Lợi dụng nhu cầu giải trí ngày càng cao của mọi tầng lớp trong xã hội đặc biệt là thanh thiếu niên, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để móc nối với các đối tượng là chủ các CSKD, nhân viên, quản lý... hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp hoạt động phạm tội về ma túy như tàng trữ, mua bán, chứa chấp, tổ chức sứ dụng trái phép chất ma túy về ma túy. Loại ma túy được sử dụng phổ biến là cần sa và các loại ma túy tổng hợp (thuốc lắc, ma túy dạng đá).
Trong 5 năm từ năm 2017 đến 2021, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã khởi tố gần 9.600 vụ phạm tội về ma tuý tại CSKD có điều kiện về ANTT với hơn 13.000 bị can. Vật chứng thu giữ gồm 1.317,2 gam heroine, 7.293 viên ma tuý tổng hợp, 6.618 gam ma tuý tổng hợp và nhiều tài liệu, tài sản có liên quan.
Phát huy vai trò, trách nhiệm công an địa phương, lực lượng công an xã
Trước tình hình phức tạp như trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu cho Bộ Công an ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động tại các cơ CSKD có điều kiện về ANTT.
Trong đó có Điện 888 gửi công an các địa phương đề nghị tập trung kiểm tra, rà soát các tụ điểm ma túy, chỉ rõ trách nhiệm của công an địa phương. Giám đốc Công an phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về việc đảm bảo an ninh trật tự, trong đó, có việc để xảy ra tình trạng tụ điểm ma túy, chứa chấp sử dụng, hoặc tổ chức sử dụng ma túy kéo dài.
Thời gian tới do dịch COVID-19 được kiểm soát, các CSKD có điều kiện về ANTT hoạt động bình thường trở lại sẽ là điều kiện để tội phạm ma túy tăng cường hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Với vai trò là cục chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, Cục sẽ tiếp tục rà soát và có thông báo những địa chỉ, tụ điểm cụ thể cho các địa phương cũng như đề ra kế hoạch triệt xóa bằng được các tụ điểm tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép ma túy tại các CSKD có điều kiện.
Đặc biệt, trong thời gian tới, lực lượng công an cần thực hiện hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, tổ chức phân công, phân cấp cụ thể cho từng cấp, trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện tại lực lượng công an cơ sở (cấp xã), do đây là địa bàn theo dõi, phối hợp quản lý trực tiếp đối với các CSKD có điều kiện về ANTT cũng như số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Từ đó phát huy vai trò lực lượng công an cấp xã, đồng thời gắn trách nhiệm để không xảy ra tình trạng thờ ơ, buông lỏng, thậm chí là tiếp tay, bảo kê cho tội phạm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và các lực lượng khác trong ngành để chủ động phát hiện, đấu tranh, bắt giữ xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật tại CSKD có điều kiện về ANTT.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, đã có riêng một chương quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là chương mới, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần kiềm chế tình trạng gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy nói chung.
Hoàng Giang