Ruy-băng trắng xanh và sự bền bỉ trong cuộc chiến ma tuý

05/11/2018 14:22

Nếu hợp pháp hoá ma tuý, chúng ta đang gửi đi một thông điệp sai trái rằng cộng đồng thừa nhận hành vi sử dụng ma tuý và có thể khiến những người đang sử dụng ma tuý tiếp tục hành vi này. Ruy-băng trắng xanh được chọn làm biểu tượng phòng, chống ma túy của các nước ASEAN, truyền đi thông điệp trong giới trẻ và cộng đồng về sự kiên trì, bền bỉ trong cuộc chiến ma tuý.

Ruy-băng trắng xanh được chọn làm biểu tượng phòng, chống ma túy của các nước ASEAN

Mặc dù trên thế giới đã xuất hiện sự thay đổi trong chính sách ma tuý phòng, chống ma tuý, kể cả sự ủng hộ hợp pháp hoá ma tuý, nhưng ASEAN vẫn tiếp tục kiên định lập trường không khoan nhượng với ma tuý bất hợp pháp.

Những thách thức mới xuất hiện

Vấn đề ma tuý thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và thách thức huỷ hoại cộng đồng cũng như sự phát triển của mỗi quốc gia. Theo Báo cáo ma tuý thế giới năm 2018, ước tính có 450.000 ca tử vong do sử dụng ma tuý năm 2015, trong số đó, 167.750 người chết do liên quan trực tiếp đến các rối loạn sử dụng ma tuý, chủ yếu do quá liều.

Hoạt động mua bán và lạm dụng ma tuý có mối quan hệ chặt chẽ với các loại tội phạm, do người sử dụng ma tuý phạm tội để có tiền chi trả cho ma tuý nhằm thoả mãn cơn nghiện, số khác phạm tội do tác động của ma tuý, đã đặt gánh nặng lên xã hội.

Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), methamphetamine dạng tinh thể (đá) bị thu giữ trong năm 2016 ở khu vực Đông và Đông Nam Á lên đến 60 tấn.

Trong 5 thập kỷ qua, ma tuý được sản xuất tại Tam Giác Vàng chủ yếu là thuốc phiện, ma tuý tổng hợp dạng viên và ma tuý đá. Ước tính sản lượng ma tuý hàng năm tại khu vực này đạt 650 tấn thuốc phiện, số lượng này có thể sản xuất ra 60 tấn heroin, 1 tỷ viên ma tuý tổng hợp và 20 tấn ma tuý đá.

Khu vực Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và theo con số thống kê chưa đầy đủ thì có hơn 5 triệu người sử dụng ma tuý tổng hợp.

Khi ASEAN đang đối phó với những thách thức hiện tại, thì những thách thức mới lại xuất hiện. Tỷ lệ lớn dân số ASEAN đang được tiếp cận với mạng Internet diện rộng và dịch vụ di động, dẫn đến nguy cơ của hoạt động mua bán ma tuý bất hợp pháp và ma tuý giả trực tuyến.

Các chất hướng thần mới đang bùng nổ với tốc độ nhanh chóng và được sử dụng phổ biến ở khu vực trước khi được đưa vào danh mục kiểm soát. Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2016, các nước trong khu vực đã báo cáo có 168 chất hướng thần mới (NPS) khác nhau, hầu hết là các chất có chứa cathinones tổng hợp và cần sa tổng hợp.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang thúc đẩy để gắn kết các nền kinh tế và cộng đồng, nhưng vô tình đã tạo ra cơ hội cho hoạt động mua bán ma tuý bất hợp pháp, khiến cho những thách thức đặt ra càng nặng nề hơn.

Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, điều phối tác chiến chung

Trước những thách thức và phức tạp của tình hình ma tuý, ASEAN vẫn luôn kiên định cam kết cùng nhau đối phó với vấn đề ma tuý trên thế giới. Cam kết này đã tạo động lực để 3 năm trước, ASEAN thông qua chủ đề “Bảo vệ cộng đồng phòng, chống ma tuý bất hợp pháp, giai đoạn 2016-2025” của Kế hoạch hành động mới. Sau 3 năm triển khai Kế hoạch hành động, ASEAN đã đạt được một số kết quả nhất định.

Từ năm 2015, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma tuý (AMMD) được thể chế hoá theo Hiến chương ASEAN, đã tạo động lực chính trị và định hướng chiến lược cho các nỗ lực của khu vực trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý ở khu vực.

Năm 2016, tại Hội nghị AMMD lần thứ 5 tại Singapore, ghim cài áo hình ruy-băng màu trắng xanh đã thống nhất được sử dụng làm biểu tượng phòng, chống ma tuý của các nước ASEAN, truyền đi thông điệp trong giới trẻ và cộng đồng về sự kiên trì, bền bỉ trong cuộc chiến ma tuý.

Năm 2017, ASEAN đã triển khai Kế hoạch hợp tác ASEAN đấu tranh phòng, chống sản xuất và mua bán ma tuý trái phép ở khu vực Tam Giác Vàng, giai đoạn 2017-2019. Kế hoạch hợp tác này nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển ma tuý và tiền chất từ Tam Giác Vàng ở khu vực ASEAN.

Nhằm thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên, ASEAN đã thiết lập Trung tâm thông tin phòng, chống ma tuý (ASEAN-NARCO), tiếp đó đã hình thành được Mạng lưới giám sát ma tuý của ASEAN (ADMN).

Thông qua một hệ cơ sở dữ liệu được thiết kế chuyên biệt, Mạng lưới này giúp chia sẻ thông tin cập nhật về xu hướng tình hình ma tuý khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN-NARCO đã công bố thành công 3 bản Báo cáo giám sát tình hình ma tuý hàng năm của ASEAN, cập nhật chi tiết tình hình ma tuý khu vực ASEAN.

Các nước ASEAN cam kết lập trường không khoan nhượng với ma tuý bất hợp pháp tại Hội nghị AMMD6

Ở cấp thực thi, ASEAN ngày càng gắn kết hơn. ASEAN hiện có một số cơ chế chia sẻ thông tin và điều phối tác chiến chung. Việc thiết lập Tổ công tác kiểm soát ma tuý qua đường hàng không và Tổ công tác kiểm soát ma tuý tại cảng biển đã tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật, khiến ma tuý khó có thể xâm nhập vào biên giới của các nước trong khu vực.

Trong lĩnh vực giảm cầu ma tuý, ASEAN đã xây dựng cổng thông tin ASEAN để chia sẻ các nguồn dữ liệu hữu ích cho công tác giáo dục phòng ngừa, bên cạnh đó, ASEAN mở rộng quy mô các chương trình cai nghiện trong đó có cai nghiện tại cộng đồng đã được thực tế kiểm nghiệm. Mục tiêu là giúp người sử dụng ma tuý thực sự hoà nhập với xã hội và sống một cuộc đời không ma tuý.

Ngoài ra, các nước thành viên ASEAN đang đẩy mạnh các nguồn lực hiện có nhằm bảo đảm tính bền vững của các chương trình phát triển thay cây chứa chất ma tuý, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp họ không tái trồng cây bất hợp pháp. ASEAN đã đạt được một số thành công trong việc giảm diện tích gieo trồng thuốc phiện năm 2017. Các nước thành viên cũng triển khai chương trình phát triển tổng thể ở địa phương, đào tạo kỹ năng và các chương trình hướng nghiệp tạo thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn và thành thị, nhằm cắt giảm nguồn cung và cầu ma tuý bất hợp pháp.

Thông điệp mạnh mẽ

Nhận thấy các phiên thảo luận về vấn đề ma tuý toàn cầu đang nghiêng theo hướng tiếp cận một cách khá tự do trong giải quyết vấn đề ma tuý, đi ngược lại cam kết lâu dài của ASEAN hướng tới một Cộng đồng không ma tuý, một lần nữa, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 6 về vấn đề ma túy diễn ra vào tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung, cam kết lập trường không khoan nhượng với ma tuý bất hợp pháp.

Là một thực thể trong cộng đồng quốc tế, ASEAN luôn coi 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý là nền tảng của chính sách kiểm soát ma tuý toàn cầu, thể hiện sự đồng thuận vốn có của quốc tế trong kiểm soát ma tuý, tạo khuôn khổ vững chắc phối hợp hành động giữa các nước, trên cơ sở chia sẻ nhận thức chung về vấn đề ma tuý toàn cầu.

Mỗi quốc gia đều có quyền tự do quyết định giải pháp hữu hiệu nhất trong đối phó với vấn đề ma tuý, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh riêng có của mình, tuy nhiên, giải pháp đó phải nằm trong khuôn khổ 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý. Hợp pháp hoá sử dụng ma tuý trái phép không vì mục đích khoa học và y học, tuyệt đối không phải tinh thần cốt lõi của 3 công ước kiểm soát ma tuý quốc tế, làm suy yếu sự đồng lòng vốn có lâu đời trong công tác kiểm soát ma tuý.

Đáng lo ngại nhất, nếu hợp pháp hoá ma tuý, chúng ta đang gửi đi một thông điệp sai trái rằng cộng đồng thừa nhận hành vi sử dụng ma tuý và có thể khiến những người đang sử dụng ma tuý tiếp tục hành vi này. Điều đó đi ngược lại với nỗ lực tuyên truyền giáo dục cho người dân về tác hại và tính gây nghiện của ma tuý bất hợp pháp, làm giảm hiệu quả của các chương trình cai nghiện phục hồi và thuyên giảm tinh thần quyết tâm của giới trẻ trước cám dỗ của ma tuý. Hợp pháp hoá ma tuý cũng khuyến khích tội phạm thâm nhập vào thị trường và giao dịch ma tuý tới các thị trường lớn hơn, điều này đe doạ an toàn và an ninh công cộng khi các hành vi phạm tội núp bóng dưới ảnh hưởng của ma tuý.

Hơn nữa, bản chất ma tuý bất hợp pháp là những chất độc hại. Việc xoá bỏ các chế tài pháp lý liên quan đến ma tuý bất hợp pháp sẽ không thể giải quyết vấn nạn ma tuý ở khu vực. Điều này sẽ đến đến nhu cầu ma tuý gia tăng, phát triển tội phạm và gia tăng người nghiện, bao gồm trẻ em, đặt ra chi phí nặng nề cho các cá nhân, gia đình và xã hội.

Vấn đề ma tuý toàn cầu là trách nhiệm chung của các quốc gia, đòi hỏi phải cùng nhau hợp tác để giải quyết vấn đề ma tuý. ASEAN tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và quyền quyết định, thực thi chính sách phòng, chống ma tuý phù hợp nhất với điều kiện hoàn cảnh của mỗi nước, vì không có “một phương pháp nào phù hợp cho tất cả” trong việc giải quyết vấn đề ma tuý. Do đó, ASEAN kiên quyết phản đối mọi nỗ lực nhằm phổ biến và kêu gọi hợp pháp hoá ma tuý trong diện kiểm soát.

Tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ trong phòng, chống ma tuý, tuy vậy cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn. ASEAN đã chứng minh rằng với tinh thần hợp tác, cả cộng đồng có thể gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các tổ chức tội phạm và ma tuý quốc tế rằng ASEAN sẽ không cho phép các tổ chức này có chỗ đứng ở khu vực và gửi thông điệp tới người dân và cộng đồng rằng sử dụng ma tuý không được chấp nhận ở khu vực.

}
Top