Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cai nghiện trong tình hình mới

30/04/2022 08:27

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 01/01/2022, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai (Nghị định 116) chính thức có hiệu lực. Để đáp ứng yêu cầu về công tác cai nghiện ma túy phù hợp theo quy định mới, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ.

Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cai nghiện trong tình hình mới  - Ảnh 1.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương hướng nghiệp học viên tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Ảnh: VGP/Như Ngọc

Làm tốt công tác cai nghiện nội trú

Những năm gần đây, công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương được đánh giá có nhiều đổi mới về mọi mặt. Cán bộ, nhân viên Cơ sở luôn nêu cao tinh thần nỗ lực học hỏi, sẵn sàng đổi mới để đáp ứng và làm tốt công tác cai nghiện trong mọi điều kiện, từng bước chuyển đổi cơ chế, phương thức lấy quản lý là chính sang tư vấn, giáo dục, cảm hóa và điều trị. Sự thay đổi này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học viên, thân nhân của họ và cộng đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, Lãnh đạo Cơ sở xác định, nâng cấp cơ sở hạ tầng kết hợp nâng cao đời sống vật chất cho học viên là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu. Học viên cai nghiện ma túy thành công hay không thì đời sống vật chất, tinh thần phải được bảo đảm, vì nó ảnh hưởng đến các yếu tố khác như sức khỏe, tâm lý, ý chí cai nghiện của học viên.

Hàng năm, Cơ sở tận dụng mọi nguồn lực có thể để đầu tư cho việc nâng cao cơ sở hạ tầng, phục vụ đời sống học viên. Được sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh Hải Dương, Sở LĐTB&XH, những năm qua, cơ sở vật chất của đơn vị đã được nâng cấp, cải tạo.

Nổi bật nhất là việc xây dựng và đưa vào sử dụng 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo đạt tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu thể thao, giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho học viên và cán bộ. Cùng với đó là sửa chữa, nâng cấp Khu Quản lý đối tượng cai nghiện tự nguyện với mục tiêu tạo ra môi trường tốt nhất có thể để học viên yên tâm điều trị và thu hút người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện. Đến nay, 100% các phòng học, phòng sinh hoạt cộng đồng đều có smart TV kết nối internet, bình nóng lạnh năng lượng mặt trời, 50% có máy giặt, tủ lạnh, điều hòa…

Bên cạnh đó, Cơ sở đã và đang đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đào tạo hướng nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm giúp học viên tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Năm 2021, Cơ sở phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Trường Đại học Sao Đỏ tổ chức 5 lớp dạy nghề sửa chữa ô tô, điện và hàn với 150 học viên tham gia học. Việc tổ chức các lớp dạy nghề giúp học viên có thêm cơ hội tìm việc làm, học nghề sau cai nghiện, nhanh chóng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Ngoài ra, Cơ sở còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương tổ chức các chương trình "Tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học viên", tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách, quy định của pháp luật lao động của nhà nước và cung cấp các thông tin tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề cho học viên, giúp các học viên định hướng việc làm, học nghề sau cai nghiện, sớm có việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Đối với công tác điều trị, Cơ sở bảo đảm 100% học viên được thăm, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, xét nghiệm lao, HIV, viêm gan B, C..., nhanh chóng, kịp thời điều trị khi học viên bị bệnh; 100% học viên sau khi cắt cơn được học tập nội quy, quy chế, phương pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, hồi phục sức khỏe… trước khi được bố trí về đội, lớp tiếp tục điều trị; tổ chức lớp dạy xóa mù chữ cho học viên chưa biết chữ; tổ chức tư vấn, giáo dục dạy 12 giá trị sống và chính sách pháp luật cho học viên. 

Bên cạnh đó, Cơ sở thường xuyên tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy về cai nghiện, chữa trị, quản lý, giáo dục; tạo tâm lý ổn định cho học viên yên tâm điều trị. Sau thời gian cai nghiện tại đơn vị, học viên đều có sức khỏe tốt, tâm lý ổn định.

Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cai nghiện trong tình hình mới  - Ảnh 2.

Những năm qua, cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã được nâng cấp, cải tạo. Ảnh: VGP/Như Ngọc

Tập trung nhiệm vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng

Theo Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116/2021/NĐ-CP, các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được thực hiện theo hướng: Người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký cai nghiện và lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp; các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy phối hợp với gia đình, cộng đồng đáp ứng yêu cầu, hỗ trợ người nghiện ma túy trong suốt thời gian cai nghiện.

Đặc biệt, Nghị định 116/2021/NĐ-CP cũng quy định cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự của cơ sở cai nghiện ma túy và trình tự, thủ tục đăng ký, công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy; cụ thể hóa trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện, gia đình và bản thân người nghiện. Trong đó, UBND cấp huyện được giao trách nhiệm chính trong tổ chức, quản lý hoạt động cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương có vai trò quyết định đến hiệu quả của hoạt động này. Giữa UBND cấp huyện và Cơ sở Cai nghiện ma túy công lập có mối quan hệ chặt chẽ với tư cách là "khách hàng - nhà cung cấp dịch vụ".

Từ năm 2020 đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã thành lập tổ chuyên môn về cai nghiện ngoại trú tại gia đình, cộng đồng với nhiệm vụ: Nghiên cứu, phác thảo, xây dựng quy trình, thủ tục cai nghiện ngoại trú; kết nối, tìm hiểu thực tế nhu cầu của khách hàng, cộng đồng, xã hội; giới thiệu, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trực tiếp tại địa phương, tư vấn cho học viên và thân nhân học viên đã kết thúc cai nghiện nội trú tại đơn vị, liên kết với địa phương để tuyên truyền, tư vấn qua hệ thống loa phát thanh tại từng thôn, khu dân cư; gửi công văn giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Các phòng, ban chuyên môn được giao nhiệm vụ cụ thể và lên kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động cai nghiện ngoại trú thành nền nếp.

Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cho biết, Ban Giám đốc cơ sở xác định cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là nhiệm vụ hàng đầu và phấn đấu trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu về cai nghiện ngoại trú dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu về công tác cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy mới và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cơ sở tiếp tục tập trung chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu, hoàn thiện hồ sơ năng lực, thủ tục pháp lý, đăng ký tổ chức cung cấp dịch vụ cai nghiện ngoại trú.

Đặc biệt là quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Tạo điều kiện cho cán bộ được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ về cai nghiện nói chung, cai nghiện cộng đồng nói riêng.

Tuy nhiên, Cơ sở cũng đang từng bước khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất như chưa có khu quản lý riêng dành cho đối tượng cai nghiện là nữ và đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, người mắc bệnh truyền nhiễm; chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế và rác thải sinh hoạt đúng quy định...

Theo quy định mới, hiện nay, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương hoàn toàn đủ điều kiện thực hiện công tác điều trị, cai nghiện và sẵn sằng thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Có thể nói, công tác phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của xã hội, của cộng đồng và mỗi cá nhân. Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã và đang nỗ lực bảo đảm đáp ứng các quy định mới và làm tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời, mong muốn các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh cùng quan tâm, hỗ trợ, chủ động tham gia phòng, chống ma túy và hỗ trợ công tác cai nghiện đạt hiệu quả.

Như Ngọc

}
Top