Sẽ mở rộng điều trị ARV cho 185.000 người nhiễm HIV
(Chinhphu.vn) - Trong năm 2024, ngành y tế sẽ mở rộng điều trị ARV cho 185.000 người nhiễm HIV; đồng thời nâng cao chất lượng điều trị, duy trì tỉ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế trên 95%.
Phát hiện hơn 13 nghìn trường hợp nhiễm mới HIV
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, cả nước phát hiện gần 250.000 người nhiễm HIV. Trong năm 2023,13.445 trường hợp HIV dương tính được phát hiện mới, 1.623 trường hợp tử vong. Số người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh là 234.220 trường hợp. Kể từ đầu dịch đến nay đã có 114.195 người nhiễm HIV tử vong.
Về phân bổ số ca xét nghiệm phát hiện mới năm 2023 như sau: Cao nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (33%), TP. Hồ Chí Minh (23,5%), khu vực Đông Nam Bộ là 21%, khu vực miền Núi phía Bắc chiếm 9%, khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Hồng mỗi khu vực chiếm 4% - 7%. Khu vực Tây Nguyên thấp nhất (3%).
Trong số xét nghiệm phát hiện mới năm 2023: 84,28% là nam giới, lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn là 80,8%, trong đó chủ yếu do quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Một số địa phương, tỉ lệ người nhiễm HIV là MSM chiếm đến 50-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện.
Về điều trị thuốc kháng HIV (ARV), hiện có 534 cơ sở y tế điều trị HIV trên toàn quốc trong đó có 513 cơ sở sử dụng thuốc do Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Số người bệnh HIV đang điều trị bằng thuốc ARV tiếp tục tăng. Đến hết 31/12/2023, toàn quốc có 178.928 người, trong đó có 2.709 trẻ em và 154.539 người đang điều trị thuốc ARV do BHYT chi trả, chiếm 86,4%. Với kết quả trên, tỉ lệ người nhiễm HIV được phát hiện được điều trị ARV (chỉ tiêu 90 thứ hai) đạt 80%.
Trong số người đang điều trị ARV có 82% được làm xét nghiệm tải lượng HIV nhằm theo dõi hiệu quả điều trị ARV. Trong số này có 98,3% người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/mL máu). Kết quả này vượt chỉ tiêu 95% trong Chiến lược quốc gia hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023 thì khi tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì người nhiễm HIV gần như không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Lây truyền HIV qua quan hệ tình dục hiện đang là con đường lây nhiễm HIV chính ở Việt Nam. Điều này cho thấy, việc mở rộng và duy trì điều trị ARV đảm bảo chất lượng, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ nhiễm HIV mới trong cộng đồng.
Hơn 67 nghìn người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP)
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là một chương trình can thiệp dự phòng nhiễm HIV thông qua việc sử dụng thuốc kháng HIV trên quần thể người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Hiệu quả dự phòng qua quan hệ tình dục khi sử dụng PrEP có thể đạt đến 97%. Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình PrEP ở cấp độ quốc gia từ năm 2019. Chương trình được mở rộng mạnh mẽ trong năm 2023 với các mô hình đa dạng như điều trị PrEP lưu động, PrEP từ xa, tập trung cho các đối tượng ưu tiên là nam quan hệ tình dục đồng giới, học sinh, sinh viên và công nhân trẻ tuổi.
Đến hết năm 2023, có 219 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 67.183 khách hàng (đạt 122% so với chỉ tiêu 55.000 khách hàng năm 2023); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 77,7%; 81% số khách hàng PrEP là MSM. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên là nước dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về số lượng người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.
Về điều trị viêm gan C trên người nhiễm HIV và người đang điều trị Methadone nhiễm viêm gan C. Năm 2021 – 2022, với sự hỗ trợ từ Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, Việt Nam có trên 16.000 người nhiễm HIV và người đang điều trị methadone nhiễm viêm gan C được điều trị viêm gan C có tỉ lệ khỏi bệnh viêm gan C đạt 96,4%. Từ tháng 10/2023, điều trị viêm gan C cho quần thể này tiếp tục được triển khai từ nguồn dự án Quỹ Toàn cầu viện trợ. Đến ngày 15/01/2024, có 2010 người bệnh bắt đầu điều trị tại 30 tỉnh/thành phố.
Về công tác phối hợp HIV/lao. Lao tiếp tục là bệnh đồng nhiễm chủ yếu ở người nhiễm HIV. Nhằm giảm thiểu tác động của bệnh lao ở người nhiễm HIV, chương trình phối hợp HIV/lao tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Tính đến tháng 9/2023, tỉ lệ số người nhiễm HIV đang điều trị ARV đủ tiêu chuẩn điều trị lao tiềm ẩn hoàn thành liệu trình điều trị lao tiềm ẩn đạt trên 90,2%.
Đối với công tác sàng lọc, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV. Từ năm 2023, công tác sàng lọc, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV đang từng bước được mở rộng. Các bệnh không lây nhiễm được sàng lọc và quản lý hiện bao gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường và rối loạn lipid máu.
Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc gia tăng dịch chủ yếu liên quan đến nhóm MSM, các số liệu cho thấy tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Các can thiệp trong nhóm MSM khó khăn hơn nhiều so với các nhóm ma tuý, mại dâm trước đây do đó cần các can thiệp đặc hiệu trong nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, tình hình nghiện ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng nhưng chưa có giải pháp can thiệp, dự phòng và điều trị đặc hiệu trong nhóm này.
Kinh phí hỗ trợ từ hợp tác song phương và đa phương tiếp tục cắt giảm, Tổ chức PEPFAR đẩy mạnh hoạt động triển khai xây dựng kế hoạch đáp ứng bền vững quốc gia, thông qua kế hoạch này nhằm mục đích thông báo việc cắt giảm kinh phí và đã có thông báo niên khóa tài chính 2024-2025 sẽ cắt giảm 9% kính phí so với năm 2023 tương đương 100 tỉ đồng. Trong khi các tỉnh không có dự án có quy mô đầu tư cho HIV/AIDS vẫn ở mức chỉ duy trì hoạt động cho bộ máy, kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu.
Ngoài ra, một số địa phương vẫn chưa chủ động việc mua sắm thuốc Methadone tại địa phương, dẫn đến các nguy cơ thiếu thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
BHYT cho người nhiễm HIV có nhiều thách thức: người nhiễm HIV mất việc làm do bối cảnh các công ty phải cắt giảm nhân lực do thiếu đơn hàng, nên không duy trì được việc mua thẻ bảo hiểm y tế, dẫn đến không duy trì điều trị trong bối cảnh nguồn kinh phí điều trị ARV được chuyển giao từ các nhà tài trợ sang sử dụng nguồn bảo hiểm y tế...
Công tác mua sắm thuốc ARV hiện còn gặp nhiều khó khăn, cung ứng thuốc còn chậm so với kế hoạch. Hiện có rất ít công ty cung ứng các thuốc ARV phác đồ tối ưu, thuốc ARV điều trị trẻ nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Mở rộng cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV cho người nhiễm HIV
Để giải quyết những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) kiến nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo có các chính sách về nhân lực, đầu tư cho hệ thống y tế nâng cao năng lực đáp ứng với công tác quản lý tiền chất, xác định tình trạng nghiện, triển khai đa dạng các mô hình can thiệp giảm tác hại liên quan đến ma túy, hỗ trợ điều trị cắt cơn, điều trị nghiện bằng biện pháp thay thế, điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy.
Đề nghị Bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 6/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Đề nghị các Bộ, ngành trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố hỗ trợ và phối hợp với ngành Y tế tại địa phương triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho người sử dụng ma túy và xác định tình trạng nghiện ma túy.
Các tỉnh, thành phố cần đưa mục tiêu, chỉ tiêu công tác phòng, chống HIV/AIDS vào Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Sắp xếp bố trí nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhân sự thực hiện phòng, chống HIV/AIDS theo quy định; Quan tâm đầu tư ngân sách, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nguồn lực để thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và bố trí ngân sách địa phương để triển khai mua thuốc Methadone.
Trong năm 2024, ngành y tế sẽ thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV, trong suốt quá trình tham gia điều trị, đến khi người nhiễm HIV tử vong. Tiếp tục duy trì hoạt động giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi theo quy định tại các Thông tư mới. Áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm trong giám sát trọng điểm để đánh giá và ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM.
Triển khai đa dạng mô hình tư vấn xét nghiệm HIV, xét nghiệm phát hiện mới người nhiễm HIV; duy trì và mở rộng mạng lưới cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV và xét nghiệm phục vụ theo dõi và điều trị.
Đồng thời, mở rộng cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV cho người nhiễm HIV, điều trị ARV tại các trại giam, trại tạm giam. Đẩy mạnh các hoạt động phát hiện tích cực bệnh lao và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV...
Thùy Chi