Bảo đảm cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho bệnh nhân không bị gián đoạn khi nghỉ lễ Tết
(Chinhphu.vn) - Các tổ chức xã hội sẽ hỗ trợ tư vấn, chăm sóc và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong dịp nghỉ Tết cho các bệnh nhân HIV/AIDS, để các bệnh nhân không bị gián đoạn khi nghỉ lễ.
Anh Quàng Văn Bình, nhóm Hoa Ban Trắng (Điện Biên) cho biết, nhóm của anh sẽ làm việc xuyên Tết, chia ca trực để bảo đảm hỗ trợ cho các bệnh nhân HIV/AIDS trong dịp nghỉ lễ.
Hiện nhóm Hoa Ban Trắng đang hỗ trợ cho 100 người nhiễm HIV. Nhóm có nhiệm vụ cấp phát và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn phòng lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, nhóm cũng giới thiệu khách hàng tiếp cận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone); kết nối người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV hay người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)...
Hiện nay, tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn đang là thách thức để tiến tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Do lo sợ bị lộ danh tính, nhiều bệnh nhân e ngại khi tiếp cận các dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập. Một số người tìm đến các tổ chức xã hội để được hỗ trợ, tư vấn.
Anh N.N.M, nam quan hệ tình dục đồng giới, khách hàng của nhóm Hoa Ban Trắng cho biết, vấn đề kỳ thị với người nhiễm HIV, người đồng tính nam còn rất nặng nề ở địa phương của anh. Do đó, anh và nhiều người có quan hệ đồng tính nam giống anh rất e ngại khi đến các cơ sở y tế ở bệnh viện, vì sợ gặp người quen. Được người quen giới thiệu, anh đã tìm đến nhóm Hoa Ban Trắng và được các anh chị ở đây tư vấn, hỗ trợ rất tận tình.
Nhóm Hoa Ban Trắng là một trong ba đơn vị thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội tại Điện Biên. Không chỉ các tổ chức xã hội ở Điện Biên làm việc xuyên Tết, các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội ở 8 tỉnh thành khác trong đề án thí điểm hợp đồng xã hội, đều bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ cho người HIV trong dịp nghỉ tết Nguyên đán.
Để bảo đảm tính liên tục các dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng về quê ăn Tết, các nhóm cũng tăng cường quảng bá cung cấp dịch vụ xuyên Tết trên các nền tảng mạng xã hội để họ biết, đồng thời phân công các thành viên trực 24/7 tại văn phòng.
Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết mô hình hợp đồng xã hội có ý nghĩa lớn trong việc tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội. Từ đó, họ tham gia hiệu quả vào các hoạt động phòng chống dịch trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế dành cho HIV/AIDS tại Việt Nam bị cắt giảm.
Tại Việt Nam ngày 29/11/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5466/QĐ-BYT phê duyệt "Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024".
Để giúp các đơn vị có thể triển khai Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các cơ quan và đối tác xây dựng Hướng dẫn triển khai thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024 với mục tiêu: Thí điểm mua sắm một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu; cung cấp bằng chứng, đề xuất các cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện mua sắm một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp từ nguồn ngân sách nhà nước…
Hiện nay, đề án thí điểm HĐXH đã và đang được triển khai tại 9 tỉnh/thành phố: Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Điện Biên, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang. Tính đến tháng 9/2023 đã ký hợp đồng thành công với tổng cộng 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội để cung cấp dịch vụ HIV cho gần 4.000 khách hàng.
Việt Nam chưa có chính sách cụ thể để triển khai hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng, thực hiện thí điểm và đánh giá rút kinh nghiệm từ các mô hình này là cần thiết để xây dựng chính sách phù hợp, là bước đệm để Bộ Y tế đề xuất xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, giúp các tỉnh thành chủ động phòng chống dịch.
Chương trình thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã cho thấy những bước tiến quan trọng để từng bước tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và hướng đến kiểm soát dịch vào năm 2030.
Thùy Chi