Siết chặt kiểm soát tiền chất, không để tội phạm lợi dụng
(Chinhphu.vn) - Tổng cục Hải quan nhận định, hiện nay, các hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp. Vấn đề quản lý tính 2 mặt của tiền chất đang đặt ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý chức năng nói chung và ngành Hải quan nói riêng.
Gần 3 kg tiền chất Pseudoephedrine dùng sản xuất ma túy đá ngụy trang trong các chai, hộp mỹ phẩm bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thu giữ
Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), thị trường ma túy và tiền chất bất hợp pháp gia tăng nhanh chóng, "Tam giác vàng" vẫn là địa bàn sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất cho cả khu vực và thế giới. Tình hình thất thoát, sản xuất và mua bán tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng đáng quan ngại và khó kiểm soát. Sự xuất hiện các tiền chất thay thế mới được sử dụng sản xuất ma túy tổng hợp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hoạt động có tổ chức, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý.
Thượng tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, không chỉ hoạt động thẩm lậu từ nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng, tình hình sản xuất ma túy trong nước có dấu hiệu càng phức tạp. Quản lý chặt chẽ tiền chất, không để tội phạm có cơ hội lợi dụng điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp đang là đòi hỏi cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay, công tác kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Bởi việc theo dõi, chống thất thoát tiền chất ở các khâu xuất nhập khẩu, lưu thông, sử dụng và tồn trữ tiền chất còn nhiều bất cập. Các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác; các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó rất khó kiểm soát đến khâu cuối cùng. Thực trạng trên càng khó kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời khi sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa được triển khai nhịp nhàng.
Ngoài ra, đến nay một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập. Trong khi đó, đây là các hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy.
Đặc biệt là hiện nay một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định thuộc đối tượng chịu sự kiểm soát (như: thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất). Thực tế, các đối tượng đã lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại thuốc này.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tính đến nay cả nước có hơn 40 vụ sản xuất trái phép chất ma túy, trong đó phần nhiều là các vụ sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại tiền chất trôi nổi hoặc bằng cách chiết xuất tiền chất từ thuốc tân dược.
Quản lý chặt từ khâu cấp phép đến hậu kiểm, không để thất thoát
Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng tiền chất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội rất lớn. Hiện có khoảng 900 doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp và y tế.
Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), số lượng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần xuất, nhập khẩu hợp pháp trong các năm vẫn tiếp tục tăng, trung bình đạt mức 10%/năm.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, cơ quan Hải quan luôn xác định vừa phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp tiền chất phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa phải kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy, đặc biệt là các loại tiền chất có nguy cơ lạm dụng cao vào việc điều chế ma túy tổng hợp.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan quản lý nhà nước liên quan thực hiện việc kiểm soát nguồn tiền chất sau khi nhập khẩu, sử dụng trên thị trường hoặc xuất khẩu đi các nước khác. Từ đó, đã góp phần ngăn chặn được việc sử dụng bất hợp pháp tiền chất vào sản xuất ma túy tại Việt Nam.
Thông qua các Kế hoạch chỉ đạo về kiểm soát ma túy, tiền chất, Kế hoạch kiểm tra tiền chất dùng trong công nghiệp, tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần dùng trong y tế, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có chứa ma túy, tiền chất, từ năm 2011 đến năm 2021, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra, phát hiện 60 vụ vi phạm hành chính.
Các vi phạm pháp luật trong hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chủ yếu là vi phạm hành chính với các hành vi như: nhập khẩu không có giấy phép, nhập khẩu vượt qua số lượng tiền chất xin cấp phép, ngày cấp phép sau ngày thông quan hàng hóa…
Thông qua việc kiểm tra, kiểm soát và áp dụng biện pháp nghiệp vụ soi chiếu qua tuyến hàng không (bưu điện, chuyển phát nhanh), trong khoảng 10 năm qua, lực lượng Hải quan đã chủ động phát hiện, bắt giữ hơn 67 kg tiền chất (Ephedrine, Pseudephedrine), hơn 9.800 hộp thuốc tân dược chứa hoạt chất gây nghiện.
Đánh giá về tình hình kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Việt Nam cho thấy, các cơ quan chức năng cơ bản mới chỉ kiểm soát được tiền chất trong khâu nhập khẩu vào Việt Nam, các hoạt động mua bán tiếp theo của các đơn vị, cá nhân, đường đi và mục đích sử dụng của các loại tiền chất này vẫn đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, kiểm soát.
Hơn nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa đồng bộ, còn một số điểm bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, xuất hiện các loại ma túy và tiền chất mới ngày càng nhiều, thủ đoạn gian lận của tội phạm ngày càng tinh vi…
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống nhập lậu và sử dụng tiền chất sai mục đích, ông Nguyễn Văn Lịch cho rằng, các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần quản lý chặt từ khâu cấp phép tiền chất đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất, không để thất thoát vào các mục đích bất hợp pháp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở khâu sản xuất, tiêu thụ đúng mục đích, đối tượng; cấp phép đúng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, định mức tiêu hao nguyên liệu. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên cập nhật các loại tiền chất trong danh mục quản lý của Chính phủ.
Hiện nay, cơ quan Hải quan đã góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Dự thảo đã nêu bật vai trò trách nhiệm của cơ quan Hải quan và các Bộ, Ngành liên quan nhằm tạo cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định pháp luật đối với chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được chặt chẽ, hiệu quả hơn hiện nay.
Cụ thể, dự thảo quy định rõ quy trình giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được gửi cho cơ quan, tổ chức xin phép nhập khẩu, xuất khẩu, chi cục hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an để theo dõi, quản lý. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được cấp cho từng lần nhập khẩu, xuất khẩu (trừ các tiền chất công nghiệp nhóm 2 theo phân loại của Bộ Công Thương) và có giá trị trong thời hạn ghi trong giấy phép. Giấy phép nhập khẩu gửi chi cục hải quan làm thủ tục chậm nhất là 15 ngày làm việc.
Việc cấp giấy phép nếu chưa được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ khi cấp giấy phép, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm gửi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tới cơ quan, tổ chức xin phép nhập khẩu, xuất khẩu, chi cục hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an để theo dõi, quản lý.
Với quy định tại dự thảo nêu trên, lực lượng Hải quan tại nơi có hàng nhập khẩu, xuất khẩu có trách nhiệm làm đầy đủ thủ tục hải quan, thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hàng nhập khẩu, xuất khẩu không đúng với nội dung giấy phép, lực lượng Hải quan cửa khẩu có thể tạm dừng các thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo ngay cho các cơ quan cấp phép và Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý.
Cơ quan Hải quan cũng đề xuất Bộ Công an chủ trì tham mưu Chính phủ hoàn thiện xây dựng văn bản quy phạm pháp lý đảm bảo thiết lập cơ chế kết nối mạng cơ sở dữ liệu tội phạm ma túy giữa lực lượng Hải quan kiểm soát ma túy với lực lượng Công an để nắm tình hình, thu thập thông tin phục vụ yêu cầu công tác kiểm soát ma túy; nối mạng cơ sở dữ liệu quản lý tiền chất giữa Hải quan, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế để theo dõi, quản lý tình hình xuất, nhập tiền chất.