Số hóa chứng cứ trong các phiên tòa xét xử lưu động

05/07/2023 15:40

(Chinhphu.vn) - Viện Kiểm sát nhân dân phối hợp với Tòa án nhân dân đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ của ngành về số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh để xét xử tại phiên tòa.

Số hóa chứng cứ trong các phiên tòa xét xử lưu động - Ảnh 1.

Cùng với việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến, phiên tòa số hóa hồ sơ là bước tiến tiếp theo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch hóa hoạt động xét xử tại Tòa án nhân dân. Ảnh: Viện KSND Cao Bằng

Mới đây, tại Thanh Hóa, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức 3 phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự tại trụ sở UBND xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn. 3 phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự về các tội "Mua bán trái phép chất ma túy", "Tàng trữ trái phép chất ma túy" và "Cố ý gây thương tích".

Tại phiên tòa, quá trình xét xử, kiểm sát viên đã công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh là các tài liệu đã được thu thập trong quá trình điều tra, các lời khai của bị cáo, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được số hóa một cách công khai đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Đồng thời, kiểm sát viên đã chủ động xét hỏi làm rõ hành vi phạm tội, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo, tranh luận đối đáp đối với các vấn đề người bào chữa đưa ra bảo đảm tính thuyết phục; khẳng định quan điểm truy tố của Viện kiểm sát theo cáo trạng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Qua đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Sau khi phiên tòa kết thúc, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân huyện Triệu Sơn đã chủ trì họp rút kinh nghiệm để đánh giá những ưu điểm, hạn chế cần khắc phục của kiểm sát viên tại phiên tòa cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện "số hóa hồ sơ vụ án", kết hợp xây dựng "sơ đồ tư duy" trong quá trình xét xử vụ án. Đồng thời chỉ đạo yêu cầu trong thời gian tới các kiểm sát viên, kiểm tra viên tiếp tục thực hiện việc số hóa hồ sơ phục vụ cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Tại Cao Bằng, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Hòa cũng đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Quảng Hòa tổ chức thành công phiên tòa sơ thẩm bằng hình thức số hóa hồ sơ, tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh.

Cùng với việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến, phiên tòa số hóa hồ sơ là bước tiến tiếp theo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch hóa hoạt động xét xử tại Tòa án nhân dân.

Theo cáo trạng, Đường La Quang (sinh năm 1988), trú tại Tổ 17, phưởng Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; nơi ở hiện nay tại thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Do bản thân nghiện ma túy, để có tiền phục vụ nhu cầu sử dụng ma túy của bản thân nên đối tượng Đường La Quang có hành vi mua 1 gói ma túy, loại heroin với giá 500.000 đồng về chia ra thành 7 gói nhỏ để sử dụng cho bản thân và bán lại kiếm lời. Số ma túy trên Quang đã sử dụng 1 gói, bị Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng thu giữ 2 gói có tổng khối lượng 0,151g; 0 gói còn lại bán cho nhiều người.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b, q khoản 2 Điều 251, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Đường La Quang 8-10 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".

Trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đường La Quang 8 năm 6 tháng tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" theo quy định tại điểm b, q khoản 2 Điều 251 của Bộ luật Hình sự.

Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Hòa, việc trình chiếu, công bố các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa đã được kiểm sát viên thực hiện trong quá trình công bố cáo trạng, xét hỏi, trình bày luận tội đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đây là phiên tòa đầu tiên mà Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Hòa sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh trong quá trình xét xử. Việc này thể hiện sự khách quan, tính thuyết phục của tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, góp phần giải quyết vụ án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Vĩnh Hoàng

}
Top