Tuyên truyền phòng chống ma túy qua những phiên tòa xét xử lưu động
(Chinhphu.vn) - Những phiên tòa xét xử lưu động đều thu hút nhiều người dân địa phương đến tham dự. Qua phiên tòa, hội đồng xét xử đã phối hợp tuyên truyền pháp luật về ý thức phòng, chống ma túy đến với người dân địa phương.
Tổ chức phiên tòa công khai ở cơ sở
Tại Nghệ An, sáng ngày 10/5/2023, tại Nhà văn hóa xã Quỳnh Hậu, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu tổ chức phiên tòa xét xử lưu động công khai vụ án mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. 7 bị cáo được đưa ra xét xử trong vụ án "Mua bán trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" gồm: Lô Thị Nguyệt Như, trú tại huyện Tương Dương; Lương Viễn Dương, trú tại huyện Thanh Chương và 5 bị cáo cùng trú tại xã Quỳnh Hậu: Lê Đại Nghĩa, Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Tiến Anh, Nguyễn Thế Anh.
Từ sáng sớm, hội trường Nhà văn hóa xã đã chật kín người. Khi thư ký tòa thông qua tên tuổi các bị cáo, nhiều người không khỏi xót xa, bởi phần lớn bị cáo tuổi đời còn trẻ đã vướng vòng lao lý. Trong phần tranh luận, hội đồng xét xử đã lồng ghép các quy định của pháp luật để phổ biến cho người dân.
Cũng với hình thức tổ chức phiên tòa lưu động, đầu tháng 4/2023, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp, Huyện đoàn Thanh Chương tổ chức phiên tòa ngay tại Trường THPT Thanh Chương I. Đối tượng đưa ra xét xử là Nguyễn Văn Trọng phạm tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" và Trần Văn Ngãi phạm tội "Trộm cắp tài sản".
Thông qua quá trình xét hỏi, luận tội và tranh tụng, kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân, đặc biệt là các em học sinh tham dự phiên tòa nâng cao hiểu biết về công tác quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy, từ đó nhắc nhở các em nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm và các quy định pháp luật liên quan đến ma túy, xâm phạm sở hữu.
Trước đó, ngày 17/3/2023 tại UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Tòa án nhân dân tỉnh cũng đã xét xử 3 vụ án hình sự về tội "Mua bán trái phép chất ma túy", "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng", "buôn bán phụ nữ". Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đồng thời giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến với đồng bào vùng cao, biên giới.
Theo bà Lang Thị Hằng - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quế Phong: Trình độ hiểu biết về pháp luật của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, bởi vậy, phiên tòa lưu động là hình thức tuyên truyền trực quan nhất, qua đó giúp người dân được "mắt thấy, tai nghe" và hiểu rõ từng hành vi, vụ việc cụ thể. Các mức án mà các bị cáo phải nhận để trả giá cho sai lầm của mình cũng thực sự là lời cảnh tỉnh đối với tất cả những người tham dự phiên tòa.
Tại tỉnh Kon Tum, sáng nay 27/6, tại nhà văn hóa Thôn 3 xã Đăk Mar, TAND huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Lê Văn Tuấn về hành vi 'Tàng trữ trái phép chất ma túy' theo điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, ngày 9/3/2023 Lê Văn Tuấn (SN 1969, trú tại thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đi đến huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum mua ma túy (mục đích để sử dụng) của một người đàn ông (chưa rõ nhân thân, địa chỉ cụ thể) với số tiền 2.300.000 đồng. Ma túy được gói trong 17 mẩu giấy bạc cất trong vỏ bao thuốc lá. Tuấn mang về và đã sử dụng 1 gói, còn lại 16 gói.
Sau khi xém xét hồ sơ, chứng cứ, tài liệu có trong vụ án, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Tuấn 24 tháng tù giam về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Lựa chọn vụ án điển hình
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, Tòa án nhân dân 2 cấp đã đưa ra xét xử lưu động 51 vụ, chủ yếu với các tội danh như: Mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, mua bán người... Các vụ án được lựa chọn đưa ra đều là những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Thực tế cho thấy, mặc dù các cấp, ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, cung cấp các tài liệu liên quan nhưng nhiều người dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, do nhận thức còn hạn chế nên vẫn còn hiểu rất mơ hồ về pháp luật. Vì thế, việc mở các phiên tòa xét xử lưu động là cần thiết.
Điều thấy rõ là, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trong khi đó, những phiên tòa xử lưu động thường thu hút đông người đến dự, nhiều nơi phải xử ở ngoài trời để mọi người đều được theo dõi. Do đó, không thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Bởi qua đó, người dân được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Đặc biệt, việc phân tích, đánh giá các hành vi của đối tượng phạm tội dựa trên tài liệu, chứng cứ không chỉ thể hiện quan điểm của Viện Kiểm sát, Tòa án mà còn là một cách để nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Em T.V.H, học sinh Trường THPT Thanh Chương I chia sẻ: "Em nghĩ, với những bản án nghiêm khắc được tuyên và mọi người theo dõi phiên tòa lưu động đều nghe thấy, sẽ là minh chứng cụ thể nhất, cho thấy hậu quả rõ nhất nếu ai đó vi phạm pháp luật thì sẽ phải trả giá. Bởi vậy, đây là hình thức tuyên truyền pháp luật cần thiết, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên khi bắt đầu bước vào đời với nhiều bỡ ngỡ, cám dỗ…".
Ông Phạm Hồng Trang - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thời gian tới Tòa án nhân dân 2 cấp sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động trên địa bàn. Trong đó, chú trọng lựa chọn những vụ án điển hình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chuẩn bị một cách tốt nhất các điều kiện cần thiết về địa điểm mở phiên tòa, lựa chọn thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa… bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động để những phiên tòa lưu động thực sự mang lại hiệu quả, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và là cầu nối đưa luật đến gần hơn với người dân.
Có thể thấy, thông qua quá trình xét hỏi, luận tội và tranh tụng, Kiểm sát viên đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để những người tham dự phiên tòa nâng cao hiểu biết về công tác quản lý của nhà nước đối với các chất gây nghiện, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm.
Vĩnh Hoàng (t/h)