Sơ kết 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn quốc
(Chinhphu.vn) - Việc sơ kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, nhằm đánh giá toàn diện việc thi hành Luật Phòng chống ma túy năm 2021, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11, thông qua ngày 30/03/2021 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) đã thay thế Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 với rất nhiều điểm mới, trong đó có nhiều nội dung lần đầu tiên được quy định.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), để tổ chức triển khai, thi hành hiệu quả Luật và các văn bản quy định chi tiết, với vai trò là Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy của Bộ Công an, trong 2 năm qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu giúp Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc triển khai Luật trên phạm vi toàn quốc; đã ban hành các công điện hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện; biên soạn các tài liệu liên quan để cấp phát xuống tận cấp xã; tổ chức thành công cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy...
Đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất trong đó đã bổ sung 3 tiền chất và 17 chất ma túy mới.
Ở địa phương, Công an các đơn vị, địa phương đã phát huy tốt vai trò là Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết theo chức năng, nhiệm vụ; ban hành Quy chế phối hợp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện và quản lý người sau cai nghiện trên địa bàn; xây dựng Hướng dẫn, quy trình công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy hướng dẫn đến cấp xã...
Đến nay, 100% các địa phương đã hoàn thành kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, 8 tỉnh, thành phố có quyết định thành lập riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Cùng với đó, triển khai các quy định của Luật, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) và các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển đã tăng cường phối hợp theo quy định pháp luật. Riêng trong năm 2023, các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy đã phối hợp phát hiện, bắt giữ trên 680 vụ với hơn 1.000 đối tượng; thu giữ trên 900 kg heroin; 1.226kg và gần 630 nghìn viên ma tuý tổng hợp.
Đặc biệt, các mặt công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và quản lý người nghiện ma tuý sau cai đã được triển hiện hiệu quả theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hiện nay, cả nước có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy và 14.996 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Đây là số liệu được thống kê theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, qua đó giúp cơ quan chức năng chủ động triển khai các giải pháp để "giảm cầu" ma tuý hiệu quả hơn so với thời gian trước đây.
Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo Kết luận số 47/TB-VPCP ngày 07/02/2024 và Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm, để đánh giá toàn diện việc thi hành Luật Phòng chống ma túy năm 2021, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, Bộ Công an đã xây dựng Kế hoạch sơ kết 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết trên các mặt công tác. Những kết quả, thành tựu đạt được, những mặt còn hạn chế, tồn tại, bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Làm rõ những tác động, tính phù hợp, khả thi của các quy định trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết; xác định những vướng mắc, bất cập giữa Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Qua đó, đề xuất giải pháp để tổ chức thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết đạt hiệu quả cao hơn nữa; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Việc sơ kết được tiến hành nghiêm túc, khoa học, khách quan, toàn diện, nội dung tổng kết thiết thực, phản ánh đúng tình hình thực tiễn.
Theo đó, việc sơ kết việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Mốc thời gian thông tin, số liệu sơ kết: Tính từ ngày 01/01/2022 (ngày Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết có hiệu lực) đến ngày 14/3/2024.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành tiến hành sơ kết, đánh giá toàn diện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết trên các mặt công tác. Các bộ ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ cụ thể để xây dựng kế hoạch, tiến hành sơ kết.
Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu giúp UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túý năm 2021 ở địa phương...
Hoàng Giang