Sơ kết hoạt động 9 tháng Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS

08/10/2022 08:22

(Chinhphu.vn) - Tại Đà Nẵng, Ban Quản lý các Dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS vừa tổ chức Hội thảo Sơ kết 9 tháng và triển khai kế hoạch 3 tháng cuối năm 2022.

Sơ kết hoạt động 9 tháng Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo Sơ kết 9 tháng và triển khai kế hoạch 3 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Thùy Chi

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Giám đốc Ban Quản lý các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính; TS. Hoàng Đình Cảnh, Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS; Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an.

Cùng tham dự còn có Ban Quản lý Dự án VUSTA – Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; Đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật và dại diện 35 trại tạm giam của 33 tỉnh, thành phố; Đại diện các Phòng chuyên môn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các cán bộ đang làm việc tại Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS Trung ương.

Đánh giá về các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Giám đốc Ban Quản lý Các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhận định, Ban Quản lý dự án các tỉnh, thành phố đã rất nỗ lực trong công tác phối hợp triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, sự nỗ lực của các địa phương đã cùng Ban Quản lý dự án Trung ương giúp Dự án cơ bản hoàn thành các mục tiêu của dự án và nhiều năm liền đều được Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét xếp hạng A1.

Trong 9 tháng đầu năm do hình hình dịch COVID-19, cũng như một số vướng mắc do quy định đấu thầu đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động dự án, tuy nhiên nhiều hoạt động của dự án cũng đã được các địa phương nỗ lực triển khai.

Ths.Dương Thu Hằng, Điều phối viên Dự án cho biết, theo số liệu thống kê số khách hàng sử dụng PrEP ít nhất 1 lần đến 31/8/2022 là 8.994 (90% chỉ tiêu 2022), như vậy 03 tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu ban đầu gồm: Nghệ An (131,4%, 1577/1200), Thanh Hóa (112,4%, 956/850), Đà Nẵng (100%, 700/700). Một số tỉnh có số lượng khách hàng thấp so với chỉ tiêu là Bắc Giang (18,3%), Bắc Ninh (35,5%), Thái Bình (41,8%), Sóc Trăng (44,7%), Nam Định (48,7%). Đáng nói, tỉ lệ duy trì điều trị PrEP từ 3 tháng trở lên thấp, đặc biệt tại: Thái Bình (30%), Bắc Ninh (40%) An Giang (41%).

Cũng tại hội thảo, đại diện các Tổ chuyên môn của dự án cũng chia sẻ nhiệm vụ trọng tâm Quý 4/2022, các giải pháp đẩy mạnh giải ngân năm 2022 và các nội dung cần lưu ý trong triển khai dự án về chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, giám sát và tư vấn, xét nghiệm HIV, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV và quản lý tài chính.

Tại hội thảo, các đại biểu được đồng chí Dương Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an chia sẻ Kế hoạch triển khai các hoạt động dự phòng,chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại 31 trại giam và 35 trại tạm giam giai đoạn 2021 - 2023 do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ và kinh nghiệm của trại giam trong việc triển khai các hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong trại giam do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ…

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, PGS.TS Phan Thị Thu Hương yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh trong thời gian tới cần đẩy mạnh các nhóm hoạt động của Dự án và tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ, nhất là cán bộ trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh có thay đổi, xáo trộn cán bộ và các địa phương cần quan tâm triển khai có hiệu quả các dự án theo đúng quy định của pháp luật vì đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS cả Trung ương và địa phương. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hiệu quả để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả của các dự án.

Thùy Chi 

}
Top