Số lượng người bán dâm đang tăng lên ở Iran
(Chinhphu.vn) - Năm 2012, Iran đã công bố một chương trình quốc gia nhằm giải quyết nạn mại dâm. Tuy nhiên, theo các báo cáo không chính thức của những tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu, số lượng người làm việc trong ngành công nghiệp tình dục lại tăng lên.
Ban ngày, Neda làm thợ cắt tóc; ban đêm cô làm gái mại dâm vì buộc phải bán thân xác để kiếm sống. "Tôi xấu hổ về những gì tôi đang làm, nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác", Neda, một người đã ly hôn ở Tehran, thủ đô của Iran, nói.
"Tôi sống ở một đất nước mà phụ nữ không được tôn trọng, nền kinh tế suy sụp và giá cả của mọi thứ đều tăng lên từng ngày", Neda, một bà mẹ đơn thân, phải chăm sóc con trai, chia sẻ. Công việc bán dâm giúp cô có nhiều tiền, và hiện cô đang có ý định mua một căn nhà nhỏ ở trung tâm thành phố. "Đây là thực tế đáng buồn của cuộc đời tôi, tôi thực sự đang bán linh hồn mình", Neda nói.
Năm 2012, Iran đã công bố một chương trình quốc gia nhằm giải quyết nạn mại dâm. Tuy nhiên, theo các báo cáo không chính thức của những tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu, số lượng người làm việc trong ngành công nghiệp tình dục lại tăng lên.
Các cơ sở tôn giáo bảo thủ của Iran từ lâu đã chính thức phủ nhận sự tồn tại của những người hành nghề mại dâm ở nước này. Dữ liệu không chính thức cũng cho thấy những người hành nghề mại dâm ở Iran đang ngày càng trẻ hóa. Số liệu thống kê từ các tổ chức phi chính phủ khác nhau cho thấy vào năm 2016, các bé gái ở độ tuổi 12 đã tham gia vào hoạt động mại dâm.
Aftab Society, một tổ chức phi chính phủ chuyên chữa trị cho phụ nữ nghiện ma túy ở Iran, cho biết vào năm 2019, có thể có gần 10.000 phụ nữ hành nghề mại dâm ở thủ đô Tehran, khoảng 35% trong số đó đã kết hôn. Theo Amir Mahmoud Harrichi, giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Tehran, số lượng phụ nữ bán dâm ở Tehran có thể cao gấp đôi.
Do thiếu cơ hội việc làm cho phụ nữ ở Iran và không có bình đẳng giới, nhiều phụ nữ sống dưới mức nghèo khổ đã buộc phải đổi thân xác để lấy tiền. Tuy nhiên, công việc đi kèm với rủi ro lớn.
Mahnaz, một sinh viên đại học ở Tehran, nói: "Đàn ông biết rằng mại dâm là bất hợp pháp ở Iran và phụ nữ hành nghề mại dâm phải chịu hình phạt nghiêm trọng, vì vậy họ lợi dụng nó để bản thân được hưởng lợi". Mahnaz từng quan hệ tình dục với một người đàn ông, nhưng sau đó hắn không trả tiền và cô không thể báo chính quyền. Cô cũng cho biết chi phí sinh hoạt ở Tehran rất cao trong khi làm các công việc khác sẽ không đủ để trang trải cuộc sống.
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, một số người hành nghề mại dâm đã bị xử tử, đồng thời những nhà chứa cũng bị đóng cửa. Trong nỗ lực hợp pháp hóa việc quan hệ tình dục với phụ nữ, zawaj al-mutaa hay "hôn nhân khoái lạc", một hành vi theo hợp đồng quy định thời hạn và số tiền bồi thường cho người vợ tạm thời để việc quan hệ tình dục được tôn giáo chấp nhận, đã trở nên thịnh hành hơn.
Theo hệ thống Hồi giáo Shia của Iran, hôn nhân mutaa giữa các cặp vợ chồng là được phép và không bị coi là hành vi mại dâm. Tục lệ này phổ biến rộng rãi ở các thành phố linh thiêng Mashhad và Qom, nơi được những người hành hương Shia từ khắp nơi trên thế giới đến thăm. Các video trên mạng xã hội cho thấy những người đàn ông Iraq tìm kiếm tình dục ở Mashhad, nơi các quan chức cho rằng họ chỉ tham gia vào các cuộc hôn nhân tạm thời.
Hiện nay, có vô số dịch vụ trực tuyến cung cấp hôn nhân mutaa giữa các cặp vợ chồng ở Iran, bao gồm cả Telegram và WhatsApp, với một số nhóm tuyên bố rằng họ được chính phủ chấp thuận.
Chi phí sinh hoạt tăng cao đã khiến nạn mại dâm gia tăng ở Iran. Kể từ năm ngoái, lạm phát ở Iran đã tăng 48,6%. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên trong khi nhiều người có việc làm cũng không được trả lương cao. Trong bối cảnh đó, số lượng nam giới từ 20 đến 35 tuổi quan hệ tình dục với phụ nữ để kiếm sống cũng đã gia tăng. Tình trạng nam bán dâm đang lan rộng ở các thành phố lớn ở Iran.
Đó là trường hợp của Kamyar, một nhân viên thu ngân siêu thị 28 tuổi. Kamyar sống với cha mẹ cho đến năm ngoái và không thể tự trang trải các chi phí nếu không có sự giúp đỡ của cha. Hiện Kamyar đã có thể đủ tiền thuê một căn hộ ở trung tâm Tehran và hy vọng một ngày nào đó sẽ chuyển ra nước ngoài.
"Tôi tìm khách hàng qua các tài khoản mạng xã hội. Những người phụ nữ thường ở độ tuổi 30 đến 40, tôi từng có một khách hàng 54 tuổi. Họ đối xử tốt với tôi, trả tiền hậu hĩnh và tôi luôn ngủ qua đêm ở chỗ họ. Nhờ người này nói người kia, tôi đang có rất nhiều khách hàng"- Kamyar chia sẻ. Anh là một kỹ sư được được đào tạo bài bản, nhưng không nhìn thấy tương lai trong lĩnh vực mà anh yêu thích.
"Tôi yêu một cô gái, nhưng chúng tôi không thể kết hôn vì tôi không có công việc thích hợp. Tôi không tự hào về những gì mình đang làm", Kamyar nói.
Theo BBC