Sự cần thiết của dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP dạng tiêm

27/11/2024 16:46

(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, tình hình lây nhiễm dịch HIV tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Do đó việc đẩy mạnh thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP dạng tiêm là điều cần thiết.

Nhóm MSM chiếm tỉ lệ cao nhất là 42,2%

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 10/2024, số ca nhiễm HIV trên toàn quốc ước tính là 267.391 trường hợp. Riêng trong 9 tháng năm 2024, đã có 11.421 trường hợp phát hiện mới. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%), chiếm tỉ lệ cao nhất là nhóm MSM 42,2%.

Sự cần thiết của dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP dạng tiêm- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị PrEP cho người nguy cơ cao. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng nhanh chóng của dịch HIV trong nhóm MSM và những người có hành vi nguy cơ cao, việc mở rộng điều trị điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) trên toàn quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu, hướng đến mục tiêu đến năm 2025 có 70% người có hành vi nguy cơ cao ở Việt Nam (tương đương khoảng 72.000 người) sử dụng PrEP, tiến tới mục tiêu quốc gia chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

GS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, ngay sau khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về hiệu quả của PrEP, Việt Nam đã triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ PrEP tại Hà Nội và TPHCM. Sau thành công của giai đoạn thí điểm, với sự hỗ trợ từ các dự án PEPFAR và Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố, với hơn 200 cơ sở cung cấp dịch vụ này.

Chương trình PrEP đã giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, đặc biệt trong cộng đồng MSM. Số lượng người sử dụng PrEP ngày càng tăng, cho thấy sự nhận thức và tiếp cận của cộng đồng với dịch vụ này đã được cải thiện đáng kể. Các nghiên cứu đã khẳng định PrEP có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV khi được sử dụng đúng cách.

Việt Nam đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các mô hình PrEP khác nhau

Trong giai đoạn 2020 - 2024, cả nước đã có 111.159 người sử dụng PrEP ít nhất một lần, tỷ lệ duy trì điều trị từ 3 tháng trở lên đạt hơn 70%. WHO đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng các khuyến cáo mới trong đó có điều trị PrEP vào chương trình HIV quốc gia.

Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được thí điểm tại TPHCM bắt đầu từ tháng 3/2017 với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC).

Kết quả thí điểm đã cho thấy tính an toàn, hiệu quả, sự tiếp nhận và khả thi của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên các nhóm MSM, chuyển giới và bạn tình dị nhiễm. Đến tháng 4/2019, Thành phố triển khai mở rộng hoạt động điều trị PrEP đến các Quận Huyện (Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng) và một số phòng khám tư nhân.

Số lượng cơ sở dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tại TPHCM đã tăng qua các năm (từ 24 phòng khám năm 2019 tăng lên đến 37 phòng khám năm 2023 với gần 14 ngàn khách hàng đang sử dụng PrEP). Trong năm 2023, chương trình PrEP đã triển khai nhiều hoạt động tới cộng đồng như: tổ chức toạ đàm trực tuyến về dự phòng phơi nhiễm HIV, truyền thông giáo dục sức khoẻ về điều trị dự phòng PrEP cho học sinh, sinh viên.

Có thêm sự lựa chọn cho điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Đã có gần 15 năm dẫn dắt các các dự án hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam, tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng và công bằng cho người sống chung với HIV và viêm gan virus, chia sẻ với báo chí, BS. Todd Pollack, Phó Giáo sư Y khoa tại Trường Y Harvard, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm và là Trưởng đại diện của tổ chức BIDMC/Đại học Y Harvard tại Việt Nam cho biết, thuốc dạng tiêm tác dụng kéo dài để dự phòng HIV hay còn gọi là PrEP được xem là một tiến bộ và tạo ra làn sóng trong việc điều trị HIV trên toàn cầu.

"Trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh các phương án dự phòng trước phơi nhiễm hay các loại thuốc PrEP bao gồm cả liều uống và tiêm. Cả 2 phương án này đều giúp cho những người chưa nhiễm HIV có thể dự phòng một cách hiệu quả về vấn đề lây truyền HIV", BS. Todd Pollack cho biết.

Theo BS. Todd Pollack, đối với thuốc liều tiêm, một người chỉ cần tiêm mỗi tháng 1 lần, 2 tháng 1 lần hoặc 6 tháng 1 lần tùy theo sản phảm đó. Đối với những người không thích sử dụng liều uống hàng ngày họ có thể chuyển sang dạng tiêm.

Hiện nay điểm mạnh của PrEP dạng tiêm là có ít tác dụng phụ như một số người sẽ có phản ứng tại vị trí tiêm được biểu hiện thông qua sưng nhẹ tại vị trí đó. Và có một điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc liều uống bắt buộc người dùng sẽ phải nhớ dùng thuốc mỗi ngày, trong khi việc dùng liều tiêm sẽ yêu cầu họ phải nhớ được thời gian hẹn để quay trở lại phòng khám và bệnh viện để tiêm.

Theo BS. Todd Pollack, điều quan trọng ở đây là chúng ta cung cấp được nhiều phương án khác nhau dành cho những người có nhu cầu dự phòng trước phơi nhiễm và sau cùng việc đưa ra lựa chọn hay quyết định sẽ tùy vào từng người sử dụng. Và đây chính là một trong những điều kiện để hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030.

Người nhiễm HIV cần chú ý các bệnh đồng nhiễm khác

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP dạng tiêm hay dạng uống, cần phải giáo dục, đào tạo và hướng dẫn họ những phương án dự phòng trước phơi nhiễm đang có và những điểm mạnh, điểm yếu của từng phương án để giúp họ nâng cao nhận thức.

Hiện nay ở Việt Nam đã có những phác đồ điều trị HIV rất hiệu quả, giúp cho cộng đồng người mắc HIV có thể ức chế virus dưới ngưỡng phát hiện và giữ cho họ có được cuộc sống khỏe mạnh. Điều đó có nghĩa là những người nhiễm HIV có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn cũng giống như người khác ở trong cộng đồng không nhiễm HIV.

Theo BS. Todd Pollack, tình trạng HIV ở Việt Nam không còn là vấn đề sức khỏe quá nghiệm trọng nữa mà cần quan tâm hơn tới các bệnh đồng nhiễm với HIV như các bệnh không lây như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch hay các tình trạng đồng nhiễm với viêm gan B, viêm gan C hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Do đó việc sàng lọc các vấn đề này cũng nên được tích hợp vào trong chăm sóc sức khỏe HIV, chương trình HIV để những người nhiễm HIV có thể tiếp cận những chăm sóc toàn diện được thiết kế riêng nhằm đáp ứng được toàn bộ về nhu cầu chăm sóc của họ.

Ngoài ra, nhiều người nhiễm HIV vẫn đang bị kì thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng mà họ đang sống cũng như trong hệ thống y tế khi họ tiếp cận dịch vụ. Do đó cần nhiều nỗ lực hơn nữa để xóa bỏ sự phân biệt đối xử nhằm đảm bảo rằng những người có HIV thực sự sống một cuộc đời khỏe mạnh và hạnh phúc.

Phấn đấu 40% MSM được điều trị PrEP vào năm 2030

Theo Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tỉ lệ MSM được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, cần hoàn thiện các văn bản chính sách và hướng dẫn liên quan đến cung cấp dịch vụ PrEP; đẩy mạnh vai trò của các nhóm cộng đồng, phối hợp với các cơ sở y tế và những người có ảnh hưởng trong cộng đồng, đồng thời đa dạng hóa các hình thức truyền thông để thúc đẩy nhu cầu sử dụng PrEP.

Triển khai nhiều mô hình cung cấp dịch vụ PrEP, bao gồm: Mô hình cố định, kết hợp giữa cố định và lưu động, và từ xa; thực hiện theo dõi, giám sát để đảm bảo chất lượng dịch vụ; nâng cao năng lực trong việc lập kế hoạch, quản lý, điều phối và huy động nguồn lực…

Để bảo bảo nguồn lực tài chính bền vững cần huy động nguồn tài trợ quốc tế để đạt được các chỉ tiêu của chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; vận động chính sách kêu gọi nguồn lực tài chính từ các địa phương, bao gồm việc xây dựng khung giá dịch vụ PrEP tại các cơ sở y tế công lập để làm cơ sở cho nguồn ngân sách địa phương; tiếp tục vận động để đưa một số dịch vụ PrEP vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả khi đã có đủ bằng chứng về hiệu quả và thực hiện lộ trình triển khai PrEP thương mại cho một số nhóm đối tượng…

Những giải pháp này nhằm bảo đảm chương trình PrEP tại Việt Nam phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Thùy Chi

}
Top