Sự kỳ thị - Rào cản vô hình của đại dịch AIDS

28/01/2020 19:36

Đã 30 năm kể từ khi các nhà khoa học phát hiện ra virus gây bệnh AIDS, và 20 năm kể từ khi phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang tìm hiểu về căn bệnh này. Vài tuần trước, tin tức mới cho biết các nhà khoa học nghiên cứu đã phát hiện ra một chủng HIV mới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000, một loại phụ mới của HIV-1 đã được xác định. Nó bổ sung vào kho kiến ​​thức của chúng ta về HIV và sự phát triển của nó.

 

 Hình ảnh áp-phích thời kì đầu về HIV đã làm gia tăng việc kì thị và phân biệt đối xử cần được loại bỏ ra khỏi chiến lược truyền thông. Ảnh internet

Gần 38 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV

Nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu thuốc và điều trị, AIDS không còn được coi là án tử hình. Gần 38 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV. Tuy nhiên, ước tính 8 triệu người trong số này thậm chí không biết họ bị nhiễm bệnh - và nhiều người trong cộng đồng vẫn phải chịu gánh nặng cao nhất của các bệnh nhiễm trùng mới. 

Trong 3 thập kỉ qua, đấu tranh với HIV còn là “mặt trận kép” đấu tranh với kì thị và phân biệt đối xử. Thời điểm HIV bùng phát, sự kỳ thị, xấu hổ, mất lòng tin, phân biệt đối xử và tự kì thị đã nảy nở và gieo vào lòng người cho đến bây giờ. Và trong hành trình đánh bại căn bệnh này, sự tin tưởng, cởi mở, đối thoại giữa các cá nhân và cộng đồng, sự hỗ trợ của gia đình, tình đoàn kết và sự kiên trì của con người đã giúp tìm ra những con đường và giải pháp mới. Chỉ là kì thị vẫn còn, và chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên trì thêm nữa.

Nỗi sợ hãi và kì thị xung quanh đại dịch HIV trong thập niên 1980 phần lớn vẫn tồn tại đến ngày nay. Vào thời điểm đó, rất ít thông tin về cách lây truyền HIV, khiến mọi người sợ hãi những người bị nhiễm bệnh do sợ lây nhiễm từ họ. Nỗi sợ hãi này, cùng với nhiều lý do khác làm cho mọi người có những thông tin sai lầm như cho rằng HIV/AIDS luôn gắn liền với cái chết, rồi HIV có liên quan đến các hành vi mà một số người không tán thành (như đồng tính luyến ái, sử dụng ma túy, mại dâm hoặc ngoại tình), hoặc HIV chỉ lây truyền qua quan hệ tình dục, đây là một chủ đề cấm kỵ trong một số nền văn hóa. Một số người cho rằng nhiễm HIV là kết quả của sự vô trách nhiệm cá nhân hoặc lỗi về đạo đức (chẳng hạn như ngoại tình) đáng bị trừng phạt. thông tin không chính xác về cách lây truyền HIV, điều này tạo ra hành vi phân biệt đối xử và kì thị, xa lánh của cộng đồng với người sống chung với HIV.

Trong báo cáo của UNAIDS về chủ đề phân biệt đối xử: “Khắc phục sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe” cho rằng sự kỳ thị đối với những người sống chung với HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV dẫn đến các hành vi phân biệt đối xử trong tất cả các lĩnh vực của xã hội. Từ cảnh sát, nhân viên y tế đến nơi làm việc, trường học và cộng đồng. UNAIDS và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho biết nỗi sợ kỳ thị và phân biệt đối xử là lý do chính khiến mọi người khó khăn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe  như xét nghiệm, tiết lộ tình trạng HIV của họ, dùng thuốc kháng vi-rút (ARV), và tuân thủ điều trị.

Thật không may, tất cả các tiến bộ khoa học về điều trị, thuốc và chăm sóc sức khỏe trên thế giới không thể vượt qua sự kỳ thị xung quanh HIV/AIDS. Sự kỳ thị là một “sản phẩm phụ đi kèm” nguy hiểm của thông tin sai lệch, và ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm ngay tại Hoa Kỳ, nó khiến mọi người tránh xa chẩn đoán và chăm sóc. 

Theo báo cáo của UNAIDS, những người sống với HIV nhận thấy mức độ kỳ thị liên quan đến HIV cao gấp 4 lần, làm họ trì hoãn đăng ký chăm sóc điều trị cho đến khi họ bị bệnh nặng.  Điều này sẽ làm dịch HIV toàn cầu tăng lên và số ca tử vong liên quan đến AIDS cao hơn. Không làm xét nghiệm HIV có nghĩa là nhiều người được chẩn đoán muộn hơn, khi đó virus có thể đã tiến triển thành AIDS. Điều này làm cho việc điều trị kém hiệu quả, làm tăng khả năng truyền HIV cho người khác và gây tử vong sớm.

Tại Việt Nam, việc lo sợ bị mọi người biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV hoặc sống chung với HIV, rất nhiều bệnh nhân chọn cách sống im lặng và tử vong do bị các bệnh nhiễm trùng, nhiều bệnh nhân lo sợ bị lộ thông tin tại nơi làm việc và bị kì thị, nên không tham gia điều trị ARV tại các cơ sở y tế mà chọn mua thuốc tư nhân và tự điều trị mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, điều này làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc mà họ không hề biết.

Cần đa chiều trong việc tiếp cận với các vấn đề về HIV

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử thường hướng đến các nhóm dân số bị ảnh hưởng chính như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), những người tiêm chích ma túy (IDU) và gái mại dâm (FSW) . Những người này bị thiệt thòi không chỉ từ xã hội, mà từ các dịch vụ họ cần để bảo vệ bản thân khỏi HIV. Chẳng hạn, năm 2016, 60% các quốc gia trong Khu vực Kinh tế Châu Âu đã báo cáo rằng thái độ tiêu cực và phân biệt đối xử của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe/nhân viên y tế đối với những người nam quan hệ tình dục đồng giới và những người tiêm chích ma túy đã cản trở việc cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV đầy đủ cho các nhóm này. 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trên toàn cầu, những người tiêm chích ma túy có khả năng nhiễm HIV cao gấp 24 lần so với dân số nói chung, người bán dâm có khả năng cao gấp 10 lần và nam giới có quan hệ tình dục với nam giới cao gấp 24 lần. Hơn nữa, người chuyển giới có khả năng cao gấp 49 lần và tù nhân có khả năng sống chung với HIV cao gấp 5 lần so với dân số nói chung. 

Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu để chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030, chúng ta cần phải đa chiều trong việc tiếp cận với các vấn đề về HIV. Khi mọi người sợ bị tẩy chay/kì thị, họ ít có khả năng được xét nghiệm và biết tình trạng của họ. Xóa bỏ sự kỳ thị sẽ đi một chặng đường dài hướng tới việc xóa bỏ căn bệnh.

 Phổ biến thông điệp K=K – Chiến lược quan trọng giúp giảm và tiến tới chấm dứt kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm. Ảnh: Tống Nam

Việc tăng cường các chương trình/chiến dịch truyền thông để nhấn mạnh đến quyền của người nhiễm HIV là một cách chứng minh xóa bỏ sự kỳ thị. Cùng với việc nhận thức được các quyền của mình, những người nhiễm HIV có thể được trao quyền để hành động nếu những quyền này bị vi phạm. Ngoài ra, việc tăng cường phổ biến các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc một cách mạnh mẽ trong cộng đồng giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với việc xét nghiệm. Việc loại bỏ các rào cản đối với các dịch vụ này là chìa khóa để chấm dứt đại dịch HIV toàn cầu.

Phải kể đến là truyền thông kiến thức cũng như phổ biến thông điệp K=K (Không phát hiện bằng Không lây truyền) đã có giá trị toàn cầu. Bằng việc phổ cập và bao phủ rộng rãi thông điệp giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về HIV, giảm và tiến tới chấm dứt kì thị với người sống chung với HIV. HIV đã không còn là bản án tử hình nữa, nó là một bệnh mãn tính. Việc tăng cường nhận thức và quan trọng nhất là mở rộng lòng trắc ẩn, bao dung , hiểu biết và hỗ trợ cho những người mắc bệnh này.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2019 là Cộng đồng tạo nên sự khác biệt. Cuộc chiến này quá lớn đối với một nhóm, hoặc một tổ chức để tham gia và chiến đấu đơn lẻ. Nó sẽ cần cả cộng đồng vận động, hỗ trợ và chăm sóc để chấm dứt đại dịch AIDS - và sự kỳ thị xung quanh nó.
Top