Tác động của COVID-19 tới việc định hình lại các dịch vụ HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến gián đoạn cung cấp các dịch vụ HIV cho những người nhiễm HIV và những người nguy cơ nhiễm HIV. Chình vì vậy, ngành y tế nói chung đang bày tỏ mối lo ngại đối với những người chưa được tiếp cận với xét nghiệm chuẩn đoán điều trị, hoặc chưa được ức chế virus trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu. Bên cạnh đó, việc duy trì điều trị và các vấn đề xã hội do ảnh hưởng COVID-19 cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Các bác sĩ dành nhiều thời gian cho bệnh nhân mới phát hiện nhiễm HIV. Trong khi bệnh nhân đạt K=K được tư vấn quan điện thoại. Ảnh: Tống Nam
Những thách thức tiềm ẩn
Các báo cáo mới nhất từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy, người nhiễm HIV không phải là đối tượng nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn các nhóm dân số khác, tuy nhiên các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thừa nhận rằng bệnh nhân nhiễm HIV điều trị thuốc kháng virus thành công (ART) với HIV bị ức chế sẽ có khả năng chống lại COVID-19 tốt hơn so với những người mắc HIV nhưng không được kiểm soát, điều trị và hệ thống miễn dịch suy yếu.
Có những lo ngại liên quan đến những người hiện không điều trị ARV, không bị ức chế về mặt virus và những người được chẩn đoán ở giai đoạn nhiễm trùng muộn (AIDS). Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, thực tế gần đây những ca phát hiện HIV muộn có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch. Điều này làm tăng mối lo ngại về các bệnh nhiễm trùng cơ hội, như viêm phổi và lao (TB). Do tỷ lệ nhiễm lao hiện tại và quá khứ ở nước ta khá cao, nhiều người bị tổn thương phổi sau bệnh lao và bệnh có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của COVID-19.
Lo ngại về việc ức chế virus cũng được đặt ra. Trong đó việc bối cảnh COVID-19 dẫn đến nhiều người bỏ thuốc do những yếu tố khác nhau tác động, dẫn đến nhiều nguy cơ tăng tải lượng virus cũng như tỷ lệ kháng thuốc.
Đại dịch cũng đặt ra những thách thức liên quan đến các dịch vụ xét nghiệm HIV và chăm sóc cho những người mới được chẩn đoán nhiễm HIV, những người cần có mức độ theo dõi lâm sàng cao hơn cho cả sức khỏe thể chất và tâm lý của họ. Nhiều bác sĩ lâm sàng bày tỏ lo ngại về việc giãn cách xã hội làm gián đoạn mọi người tìm kiếm các dịch vụ xét nghiệm và theo dõi HIV, với ít hoặc không có tư vấn trực tiếp về sức khỏe tình dục diễn ra ở nhiều cơ sở. Đã có một sự thay đổi trong việc cung cấp dịch vụ ảo và điện thoại, với những gợi ý về sự cần thiết phải mở rộng các chương trình tự xét nghiệm HIV như sinh phẩm oraquick.
Việt Nam là một trong những quốc gia phản ứng cực nhanh với COVID-19, kéo theo các dịch vụ liên quan bị chi phối bởi COVID-19 như HIV. Các kinh nghiệm phong phú trong quá khứ khi ứng phó với HIV đã giúp các lãnh đạo của Bộ Y Tế cũng như Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhanh chóng có các biện pháp duy trì chăm sóc điều trị.
Chúng ta có thể nhìn thấy rõ, hầu hết các phòng khám đều được triển khai dịch vụ tư vấn qua, hỗ trợ qua điện thoại với những bệnh nhân có tiền sử chăm sóc điều trị tốt. Với nhiều bác sĩ lâm sàng trước đây đã tận tâm cung cấp HIV và các dịch vụ sức khỏe tình dục được triển khai để đáp ứng với COVID-19 cũng đã chuyển sang tư vấn qua điện thoại. Đây là lần đầu tiên những người mắc bệnh mãn tính chủ động không khuyến khích tìm kiếm sự chăm sóc sức khỏe và bày tỏ lo ngại về việc những người nhiễm HIV sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi hệ thống chăm sóc sức khỏe bị áp đảo bởi COVID-19.
Duy trì nguồn cung cấp ART ổn định
Thách thức lớn nhất của Việt Nam đối với các bác sĩ lâm sàng HIV và những bệnh nhân đang điều trị là làm thế nào để bảo đảm rằng những người hiện đang điều trị ARV tiếp tục có nguồn cung cấp thuốc liên tục và vẫn tuân thủ điều trị. Trong đó, mất dấu là một thách thức và sẽ còn trầm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19 đã khiến một số bệnh nhân không đến bệnh viện để điều trị ARV.
Dịch COVID-19 đã khiến xảy ra tình trạng thiếu hụt thuốc ARV. Do đó, để tránh tình trạng hết thuốc ARV trong thời gian đại dịch COVID-19 kéo dài, dự án Chuỗi cung ứng, Đấu thầu và Quản lý cung ứng y tế toàn cầu của USAID (Dự án GHSC-PSM) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để nhập lô thuốc ARV từ Ấn Độ. Dự án cũng phối hợp với các đối tác ở Ấn Độ để bảo đảm rằng số thuốc ARV này được xuất đi sau khi lệnh đóng cửa do COVID-19 đã hạn chế mọi hoạt động giao thông vận tải. Kết quả này nêu bật được tầm quan trọng đặc biệt của việc điều phối thuốc ARV như một hoạt động nằm trong chương trình ứng phó dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, để bảo đảm điều trị bền vững, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã ban hành công văn số 190/AIDS-ĐT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố hướng dẫn khám và cấp thuốc ARV nhằm bảo đảm cho người nhiễm HIV được điều trị liên tục trong bối cảnh cơ sở điều trị hoặc người nhiễm HIV/AIDS có thể bị cách ly, trong tình hình dịch COVID-19.
Việc kê đơn thuốc dài hạn (tối đa 3 tháng) được phổ biến và đã giải quyết thời điểm đầu dịch COVID-19 tại Việt Nam đã đem lại những kết quả tích cực, vừa bảo đảm thuốc cho bệnh nhân mà vẫn bảo đảm tinh thần chống dịch, không làm gián đoạn quá trình điều trị. Tuy nhiên, từ đầu 2021, Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu thuốc điều trị HIV, một phần do sự chậm trễ liên quan đến dịch COVID trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Bệnh nhân HIV thường nhận lượng thuốc dùng cho vài tháng trong một lần cấp phát, tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt, thuốc điều trị hiện đang được chia theo định lượng và cấp phát cho bệnh nhân với số lượng ít hơn.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã đẩy mạnh những nỗ lực đối với việc chuyển đổi đã được lên kế hoạch từ trước sang sử dụng loại thuốc điều trị HIV mới được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, loại thuốc mới này chưa thể nhanh chóng có mặt tại Việt Nam. Do đó, tình trạng thiếu nguồn cung thuốc điều trị HIV nói chung và việc ngừng cấp phát thuốc dùng cho nhiều tháng đã làm tăng gánh nặng lên các cơ sở y tế và tăng thêm sự lo lắng của bệnh nhân, cũng như tạo ra những thách thức trong việc duy trì điều trị liên tục trong giai đoạn khó khăn này.
Nhằm hỗ trợ các phòng khám bảo đảm tất cả bệnh nhân HIV/AIDS có thể duy trì tiếp cận nguồn cung thuốc và giúp bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế hiểu được những thay đổi này, dự án Hoàn thành mục tiêu và Duy trì kiểm soát dịch (EpiC) do USAID tài trợ đã xây dựng nội dung và phân phát tờ thông tin hướng dẫn dành cho bệnh nhân về các quy trình mới và lợi ích của việc điều trị bằng thuốc HIV mới. Dự án cũng hỗ trợ nhân viên các phòng khám thực hiện chỉ thị cấp phát thuốc HIV mới.
Những tác động ảnh hưởng đến những người nhiễm HIV
Những người nguy cư cao nhiễm HIV, bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ chuyển giới, phụ nữ hành nghề mại dâm, người tiêm chích ma túy, bạn tình của người nhiễm HIV có thể bị ảnh hưởng do giãn cách/cách ly. Chẳng hạn như những người hành nghề mại dâm, có khả năng di chuyển cao, tiếp xúc gần gũi với những người nguy cơ cao nhiễm COVID-19, đáng nói là có nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm virus HIV nhưng không biết tình trạng bệnh của mình.
Đồng thời, mức độ bạo lực trên cơ sở giới tăng lên trong quá trình giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng đến những người nhiễm HIV trong các hộ gia đình dễ bị tổn thương. Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%.
Cơ hội phát sinh từ đại dịch COVID-19
Bên cạnh những thách thức, đại dịch COVID-19 có thể giúp tìm ra các giải pháp sáng tạo liên quan đến xét nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm soát HIV, điều quan trọng là những bài học rút ra từ phản ứng với HIV và áp dụng chúng vào đại dịch hiện nay. Một là nhân viên y tế cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức dựa vào cộng đồng để bảo đảm các giải pháp được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi HIV và COVID-19.