Tăng cường hợp tác quốc tế với UNAIDS, USAID, PEPFAR trong phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về AIDS năm 2024, Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện các cơ quan: Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình PEPFAR trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Xây dựng lộ trình kiểm soát dịch HIV bền vững sau năm 2030
Tại buổi làm việc với các cơ quan quốc tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã cảm ơn các cơ quan UNAIDS, USAID và Chương trình PEPFAR đã luôn tích cực hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Theo đó, sự phối hợp giữa Việt Nam và UNAIDS trong công tác phòng, chống HIV/AIDS được thể hiện qua các hoạt động chính như: Hỗ trợ điều phối các nhóm hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Vận động nguồn tài trợ cho Việt Nam; Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam xây dựng văn bản pháp luật và chính sách trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống HIV/AIDS, Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 vừa được ban hành. Đặc biệt, UNAIDS có nhiều hỗ trợ kỹ thuật giúp các cơ quan của Việt Nam như Bộ Y tế, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm…
Đối với Chương trình Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), chương trình đã hỗ trợ ứng phó HIV/AIDS của Việt Nam thông qua cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường hệ thống y tế. PEPFAR khuyến khích các nguyên tắc hợp tác nhằm tăng cường trách nhiệm ứng phó HIV/AIDS của Việt Nam và thúc đẩy tính bền vững lâu dài.
PEPFAR cũng phối hợp với các đối tác phát triển trong lĩnh vực y tế, trong đó có Quỹ Toàn cầu, để thúc đẩy mức độ hợp tác cao giữa tất cả các đối tác tham gia ứng phó HIV/AIDS của Việt Nam.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia trọng điểm của PEPFAR giai đoạn đầu vào năm 2004 (là quốc gia duy nhất ở châu Á). Trong 20 năm đầu tiên (NTK2004-NTK2024), riêng PEPFAR đã đóng góp gần 1 tỉ USD để hỗ trợ công tác dự phòng và điều trị ở Việt Nam. Tại thời điểm tài trợ cao nhất của PEPFAR trong năm tài khóa 2010, Việt Nam đã nhận được 98 triệu USD. Trong năm tài khóa 2024 và 2025, ngân sách PEPFAR của Việt Nam lần lượt là 37 triệu USD và 34 triệu USD. Sự thay đổi tài chính này theo thời gian một phần là do sự chuyển đổi kinh tế của Việt Nam và cam kết của quốc gia về huy động nguồn lực trong nước. Dù giảm, PEPFAR vẫn là đối tác kiên định của Chính phủ Việt Nam trong việc hướng tới đạt mục tiêu chấm dứt HIV như một mối đe dọa y tế công cộng vào năm 2030.
Chương trình PEPFAR hiện tại ở Việt Nam tập trung vào một kế hoạch nhằm đạt hai mục tiêu chính của chương trình: hướng tới kiểm soát dịch tại 11 tỉnh trọng điểm của PEPFAR thuộc Khu kinh tế phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Nguyên) và Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Tiền Giang) và đảm bảo chuyển giao bền vững trách nhiệm chính về tài chính, quản trị và kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam.
Đối với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thời gian qua USAID đã hỗ trợ ngành y tế Việt Nam rất nhiều trong: Phòng, chống HIV/AIDS; Ứng dụng đổi mới sáng tạo trong phát hiện và điều trị Lao; Tăng cường an ninh y tế toàn cầu; Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS; Các dự án hỗ trợ về tăng cường chất lượng nhân lực cho y tế; Các sáng kiến về tài chính bền vững…
Tại các buổi làm việc với đại diện của 3 cơ quan quốc tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên mong muốn các cơ quan quốc tế tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thứ trưởng mong muốn ngân sách trong COP 2024 sẽ được giữ nguyên vì hiện nay Việt Nam đang dồn tổng lực cho các can thiệp ưu tiên như mở rộng chương trình PrEP với độ bao phủ chỉ đạt khoảng gần 20%, trong khi đó muốn chấm dứt dịch bệnh AIDS Việt Nam cần mở rộng chương trình này lên tới 70%
Bên cạnh đó, do một số yếu tố tiêu cực tác động đến tính bền vững và ngân sách cho chương trình HIV như: Hậu COVID-19, sụt giảm nhân sự làm về công tác dự phòng, ngân sách bị cắt giảm, cơ chế phân cấp ngân sách tác động nhiều đến việc bố trí đủ ngân sách tại địa phương. Do vậy, quá trình xây dựng lộ trình bền vững còn nhiều thách thức rất cần các nhà tài trợ sát cánh cùng.
Làm việc với cơ quan USAID, Thứ trưởng đề nghị USAID tiếp tục hỗ trợ cho các Trường Đại học Y và các cơ sở đào tạo y khoa tại Việt Nam đổi mới một cách căn bản và toàn diện chương trình giảng dạy y khoa cho bậc đào tạo đại học và sau đại học. Chương trình đổi mới này mang đến cho Việt Nam một cơ hội lớn để hiện đại hóa chương trình giảng dạy, đào tạo và chuẩn bị một lực lượng lao động y tế có khả năng đáp ứng nhu cầu sức khỏe của xã hội và đáp ứng những thách thức y tế mới trong tương lai.
Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học khối ngành sức khỏe của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ và giảng viên về xây dựng bộ câu hỏi lượng giá, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, quy trình đánh giá chuẩn để đánh giá kết quả học tập, đánh giá năng lực người học đối với một số chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và thực hành tốt nhất.
Hỗ trợ cho các hoạt động tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu; các hoạt động an ninh y tế toàn cầu; các hoạt động xây dựng lộ trình kiểm soát dịch HIV bền vững sau năm 2030.
Với các hoạt động khác của lĩnh vực y tế, Thứ trưởng cũng đề nghị USAID tiếp tục hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh Lao và tiến tới chấm dứt sau năm 2030; Tiếp tục hỗ trợ các chương trình nâng cao chất lượng nhân lực ngày y tế; Các hoạt động cải thiện thông tin y tế; Các hoạt động về an ninh y tế toàn cầu; Cải thiện và nâng cao chất lượng y tế cơ sở…
Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong đáp ứng với HIV
Đại diện cơ quan USAID, ông Atul Gawande, Giám đốc Chương trình Y tế, USAID Toàn cầu thể hiện sự ấn tượng với những thành quả mà Việt Nam đã làm được trong thời gian qua. USAID đánh giá cao các sáng kiến của Việt Nam trong việc thí điểm hợp đồng xã hội nhằm bảo đảm tính bền vững cao hơn cho các dịch vụ do cộng đồng cung cấp. Đại diện USAID cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới để bảo đảm tính bền vững của các ứng phó HIV quốc gia.
Thay mặt UNAIDS, bà Christine Stegling, Phó Giám đốc Điều hành về Chính sách, Vận động chính sách và Kiến thức của UNAID đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Bộ Y tế trong việc xây dựng một lộ trình bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, theo khuyến nghị chung cho toàn cầu.
Bà Christine Stegling chúc mừng Việt Nam vì những thành tựu đã đạt được trong đáp ứng với HIV, bao gồm việc giảm được 60% các ca nhiễm HIV mới kể từ năm 2010 và những bước tiến mạnh mẽ trong việc đưa các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV vào áp dụng và nhanh chóng mở rộng tại Việt Nam.
Việt Nam đã cung cấp tất cả các phương cách xét nghiệm HIV hiện có và đặc biệt đẩy mạnh tự xét nghiệm; thí điểm và mở rộng cấp phát thuốc methadone nhiều ngày; nhanh chóng mở rộng độ bao phủ chương trình PrEP thông qua việc đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ; thí điểm mua dịch vụ PC HIV/AIDS với tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng; và, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và năng lực cho nhân viên y tế và nhân viên tiếp cận cộng đồng để cung cấp dịch vụ giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV cho người sử dụng ma túy tổng hơp và người sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục.
Bà Christine Stegling cũng đánh giá cao thực hành tốt của Việt Nam trong việc chuyển đổi thành công điều trị HIV sang nguồn BHYT để bảo đảm tính bền vững của chương trình. Ghi nhận năm 2023 đã có hơn 96% người có HIV đang điều trị ARV tham gia BHYT. Độ bao phủ xét nghiệm tải lượng HIV đã tăng dần đều trong những năm qua và đạt hơn 70% vào cuối năm 2023. Tỉ lệ đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế luôn ở mức cao.
Tuy vậy, bà Christine Stegling cho rằng, cần tập trung để giảm khoảng trống giữa số người được chẩn đoán nhiễm HIV và số người được đưa vào điều trị, cũng như để đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV được bình ổn nhằm tối ưu hóa những lợi ích của chương trình điều trị ARV.
Đại diện UNAIDS cũng cảm ơn Việt Nam đã chia sẻ những thực hành tốt của mình tại Hội thảo khu vực châu Á – TBD mới đây về đẩy mạnh dự phòng lây nhiễm HIV. Bà thể hiện tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong nỗ lực khống chế dịch HIV nếu Việt Nam tiếp tục ủng hộ và mở rộng cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV được xây dựng dựa trên bằng chứng và quyền về sức khỏe, đồng thời lấy người dân làm trung tâm. Đây là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh dịch HIV ở Việt Nam còn đang tiến triển và có những nhu cầu mới nổi về dự phòng lây nhiễm HIV trong các nhóm chính có nguy cơ cao.
UNAIDS cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình bền vững ở Việt Nam, cả về kỹ thuật, điều phối và vận động chính sách, bao gồm việc chia sẻ học hỏi những thực hành tốt giữa các quốc gia.
UNAIDS khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực vận động chính sách để ngày càng củng cố môi trường chính sách thuận lợi, hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới thực hiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị về HIV và AIDS năm 2021 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Bà Christine Stegling bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt là trong tiến trình xây dựng Chiến lược toàn cầu phòng, chống HIV cho giai đoạn tiếp theo sau năm 2025 và tại Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS sẽ diễn ra trong năm 2026.
"Được biết năm 2025 Việt Nam sẽ thực hiện đánh giá giữa kỳ Chiến lược quốc gia về Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để có những điều chỉnh và mục tiêu rõ ràng cho chặng đường 5 năm tới đây. UNAIDS sẵn sàng hỗ trợ hoạt động quan trọng này cũng như việc triển khai các kết luận và khuyến nghị của đánh giá giữa kỳ", bà Christine Stegling khẳng định.
Thùy Chi