Tăng cường quản lý, kiểm soát việc kinh doanh, sử dụng “khí cười”

18/06/2020 09:13

Một số quốc gia phát triển trên thế giới đã có chế tài chặt chẽ để quản lý và kiểm soát khí N2O như một chất hướng thần, hóa chất đặc biệt vừa phục vụ cho mục đích y tế, công nghiệp, vừa ngăn ngừa lạm dụng chất này vào các hoạt động vui chơi, giải trí, ảnh hưởng đến sức khỏe và trật tự, an toàn xã hội.

Ảnh minh họa

Thực trạng quản lý “khí cười” hiện nay

Nitrous oxide là một hợp chất có công thức hóa học là N2O, tên khoa học là Dinitrogen monoxide hay còn gọi là khí cười (Laughing gas), khí giả (Factitious air)... N2O được sử dụng rộng rãi trong ngành y tế, công nghiệp và phục vụ đời sống kinh tế, xã hội đem lại nhiều giá trị thiết thực: Sử dụng để làm chất đốt cho phân tích môi trường, phân tích tạp chất trong phòng thí nghiệm; làm chất gây mê, gây tê trong phẫu thuật; sản xuất silicon trong ngành cao su, sản xuất pin năng lượng mặt trời…

Theo thống kê của Cục hóa chất, Bộ Công Thương thì từ năm 2018 đến tháng 6/2019, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu khoảng 4.000 tấn N2O.

Hiện nay, bên cạnh các mục đích hợp pháp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khí N2O đang bị lạm dụng tràn lan trong giới trẻ qua việc sử dụng “bóng cười”. “Bóng cười” là quả bóng bay bơm khí N2O, khi được hít vào cơ thể, khí này tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng, gây tiếng cười sảng khoái cho người sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn từ vài giây đến một phút.

Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não.

Ở hầu hết các tỉnh, thành phố lớn đã xuất hiện tình trạng sử dụng “bóng cười”, nhất là trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự như: quán cafe, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ, nhà hàng, các buổi tổ chức sự kiện cá nhân ở nhà hoặc nơi công cộng…

Đã xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vụ 7 đối tượng vừa sử dụng ma túy vừa sử dụng “bóng cười” dẫn đến tử vong tại công viên nước Hồ Tây ngày 16/9/2018 hay vụ người ngước ngoài tử vong sau khi sử dụng “bóng cười” tại quán Cafe Smile 2 ngày 10/3/2019… gây bức xúc trong dư luận cũng như quần chúng nhân dân. Người sử dụng “bóng cười” đa phần là giới trẻ, học sinh, sinh viên.

Việc sử dụng “bóng cười” đã trở thành trào lưu, thú tiêu khiển, xu hướng chơi mới trong bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay bất chấp tác hại gây ra đối với cơ thể con người của bóng cười. Đặc biệt nguy hiểm khi sử dụng chung bóng cười với một số loại ma túy khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây rất nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân, các mạng xã hội, ảnh hưởng sức khỏe người dân, an ninh trật tự trên địa bàn và nguy hiểm cho xã hội.

Pháp luật hiện nay chỉ quy định về việc sử dụng N2O trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp. Chưa có quy định cụ thể và chế tài xử lý đối với hành vi tổ chức sử dụng và sử dụng N2O trong hoạt động vui chơi, giải trí, dẫn đến tình trạng sử dụng “bóng cười” tràn lan, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, công tác quản lý đối với N2O của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp có liên quan chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, mua bán, sử dụng trái phép.

Đến nay mới có thành phố Hà Nội triển khai nhiều đợt ra quân xử lý các hành vi vi phạm về quản lý, kinh doanh, sử dụng N2O với mục đích vui chơi, giải trí trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên chỉ xử lý được theo quy định tại Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp đối với các đối tượng kinh doanh không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa là khí N2O mà không có cơ sở để xử phạt đối với người có hành vi sử dụng “bóng cười”.

Xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát đồng bộ, chặt chẽ

Một số quốc gia phát triển trên thế giới đã có chế tài chặt chẽ để quản lý và kiểm soát khí N2O như một chất hướng thần, hóa chất đặc biệt vừa phục vụ cho mục đích y tế, công nghiệp, vừa ngăn ngừa lạm dụng chất này vào các hoạt động vui chơi, giải trí, ảnh hưởng đến sức khỏe và trật tự, an toàn xã hội.

Luật Chất hướng thần năm 2016 của Vương Quốc Anh quy định hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam và phạt tiền nếu sản xuất, cung cấp, tàng trữ để bán hoặc nhập khẩu một chất hướng thần (bao gồm cả N2O). N2O là chất gây ảo giác, bị cấm sử dụng cho mục đích giải trí tại Hàn Quốc. Hoạt động bán, tàng trữ, hít hay lạm dụng N2O tại các bữa tiệc sẽ bị kết tội 3 năm tù và phạt tiền đến 50 triệu won (44.762 USD Mỹ).

Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm soát N2O theo các quy định của Luật dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm (Food Drug & Cosmetics Act). Hoạt động bán hoặc phân phối N2O để sử dụng cho người mà không được kê đơn sẽ bị truy tố theo luật Liên bang với mức phạt 1 năm tù và phạt tiền 100.000 USD

Những người bán N2O ở Thái Lan nếu không có giấy phép phù hợp sẽ phải chịu mức án cao nhất lên tới 5 năm tù và phạt tiền 10.000 baht. N2O có những ứng dụng hợp pháp trong công nghiệp và nha khoa, phẫu thuật tại Singapore; tuy nhiên nếu ai bán N2O sai mục đích có thể bị kết án cao nhất 2 năm tù hoặc bị phạt tiền 5.000 đôla Singapore hoặc cả hai.

Điều 2 Luật Phòng chống ma túy năm 2008 quy định: Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện.

Đối chiếu với định nghĩa này thì N2O chỉ đáp ứng 1 tiêu chí là “gây kích thích, ức chế thần kinh” nhưng chưa có cơ sở khoa học và bằng chứng cho thấy “nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện” do vậy chưa thể bổ sung N2O vào danh mục các chất ma túy và tiền chất của Chính phủ để làm cơ sở xử lý hình sự các hành vi liên quan đến N2O mà hiện nay chỉ có thể xử lý hành vi vi phạm hành chính như các lực lượng chức năng TP.Hà Nội đã triển khai trong thời gian qua.

Để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, vừa phòng ngừa, ngăn chặn việc lạm dụng N2O trong các hoạt động vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và mất trật tự, an toàn xã hội, cần triển khai đồng bộ và chặt chẽ các giải pháp trước mắt và lâu dài, với các nhiệm vụ cụ thể sau:

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về tác hại khi sử dụng khí N2O (bóng cười); xây dựng và phát các phóng sự, chuyên đề trên truyền hình và các trang mạng xã hội về tác hại của N2O.

Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát, kiểm tra (trong và sau thông quan) các lô hàng có khai báo hóa chất là N2O.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng N2O; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng N2O; ban hành quy định cụ thể về việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất này.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh khí N2O; nghiên cứu sửa đổi giải thích từ ngữ về Chất hướng thần trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có cơ sở bổ sung khí N2O và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất trong Nghị định của Chính phủ để xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, kinh doanh và sử dụng bất hợp pháp khí N2O và các chất tương tự trong thời gian tới.

Bộ Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế; nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để cung cấp cho các cơ quan truyền thông và kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.

UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền tác hại của ma túy, các chất hướng thần mới và khí N2O; kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại chất hướng thần, khí N2O và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; vận động, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện ký cam kết không kinh doanh, tổ chức sử dụng “bóng cười”.

}
Top