Tập trung nguồn lực để chấm dứt bệnh lao

22/03/2022 13:53

(Chinhphu.vn) - Theo PGS, TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives" (Tập trung nguồn lực, chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người).

Chủ động phát hiện bệnh lao tại vùng sâu, vùng xa

Chủ động phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng

Từ 15/2: Người mắc bệnh lao được hưởng thêm nhiều quyền lợi về BHYT

Tập trung nguồn lực để chấm dứt bệnh lao - Ảnh 1.

Chăm sóc và điều trị tích cực cho bệnh nhân nhiễm lao

Chủ đề nhấn mạnh là tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao, cứu sống hàng triệu người. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu.

Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù cũng có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định.

Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Năm 2019, trên thế giới phát hiện 7,1 triệu người nhiễm lao mới thì năm 2020 đã giảm tới 18% (còn 5,8 triệu người) so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 9,9 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020.

Trên thế giới, 3 quốc gia bị ảnh hưởng bởi bệnh lao nặng nề nhất là Ấn Độ, Indonesia và Philippines.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao. Ước tính năm 2020, có 1,3 triệu ca tử vong do lao và 214.000 ca ở những người dương tính với HIV, nghĩa là tổng số ca tử vong do lao, kể cả lao/HIV là khoảng trên 1,5 triệu người. Đây là những con số tương đương mức độ tử vong năm 2017. Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.

PGS, TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 của Việt Nam là "Giảm thiểu tác động của COVID-19-Tập trung nguồn lực-Tăng cường phát hiện bệnh lao".

Kể từ cuối tháng 1/2020, virus SARS-CoV-2 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. COVID-19 đã khiến cho nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Nhiều bệnh nhân lao đã bị ảnh hưởng. Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong 2 năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng như hầu hết các bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi trên cả nước đều tích cực tham gia công tác chống dịch COVID-19. Nhiều địa phương đã chuyển công năng Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị COVID-19. Điều này đã làm gián đoán, đứt gẫy mạng lưới chống lao các tuyến, người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong.

Vì vậy, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Chương trình Chống lao quốc gia có công văn yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống y tế phòng chống lao tại tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã) song song với kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt là tuyệt đối không chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 vượt quá 50% số giường điều trị của các bệnh viện chuyên khoa.

Đồng thời kêu gọi, tuyên truyền để người dân và cộng đồng hiểu: Bệnh lao phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Làm được điều nay sẽ giúp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong giảm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân và toàn xã hội.

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

Giang Oanh

Top