Tháo gỡ khó khăn khi thí điểm hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân

24/10/2022 10:48

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ Công an, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Qua đó tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội; đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp.

Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.

Tháo gỡ khó khăn khi thí điểm hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân - Ảnh 1.

Cán bộ Công an hướng dẫn nghề may cho phạm nhân. Ảnh: bocongan.gov.vn

Tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 54/2022/QH15 về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam (Nghị quyết số 54/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Theo đó, cơ sở thực tiễn để ban hành Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự; các bản án, quyết định của Toà án được thi hành nghiêm minh; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm; chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội được thực hiện tốt; công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cũng như thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng hiệu quả. Cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự ngày càng được tăng cường; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ được củng cố, kiện toàn từ Bộ Công an đến Công an các đơn vị, địa phương theo hướng tập trung, thống nhất, từng bước chuyên môn hóa.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng, trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn. Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.

Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc,… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân và tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề, vận dụng những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, cải tạo phạm nhân, Bộ Công an đã có Công văn số 2471/BCA-C81 ngày 18/8/2011 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc được liên kết với các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp của địa phương đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cho phạm nhân trong nhà xưởng, tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề.

Các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp đóng trên địa bàn có tình hình an ninh, trật tự ổn định, được chính quyền địa phương sở tại đồng ý và xây dựng đầy đủ các công trình bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân thì được hợp tác với trại giam tổ chức lao động cho phạm nhân. Hình thức này phù hợp với xu hướng xã hội hóa một số công việc thi hành án được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Trong thời gian qua, hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam cho thấy ý nghĩa thiết thực về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ công tác tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề, nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù.

Đặc biệt, tạo điều kiện phù hợp cho phạm nhân về tâm lý lao động, thái độ chấp hành cải tạo và tiếp thu kiến thức trong dạy nghề, truyền nghề, giúp phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội. Vì vậy, trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện

Theo Bộ Công an, mặc dù chủ trương trên là hoàn toàn đúng đắn, nhân văn nhưng hiện tại chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện.

Một là, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định thành lập các khu lao động, dạy nghề, hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trên đất trại giam quản lý. Điều này dẫn đến việc mời gọi hợp tác này gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do đặc thù các trại giam đóng quân tại địa bàn xa các trung tâm kinh tế, chính trị của địa phương, khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển, chi phí tiêu hao, giá thành sản phẩm lao động. Một số trại giam gần trung tâm nhưng diện tích nhỏ hẹp rất khó bố trí quỹ đất để phối hợp, hợp tác.

Mặc dù pháp luật về quản lý đất đai hiện hành có quy định cho phép trại giam được sử dụng đất, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân để xây dựng nhà xưởng lao động, tạo việc làm, ngành nghề để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trên đất do trại giam quản lý, nhưng quy định việc sử dụng đất rất chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an ninh là chính. Các doanh nghiệp, cá nhân hợp tác chỉ được phép khai thác tài sản đầu tư trên đất, quyền trực tiếp quản lý đất đai, quản lý lao động là các trại giam.

Khi cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công an) quyết định thu hồi, xoá bỏ phương án sử dụng đất thì rủi ro thiệt hại về giá trị tài chính, thanh lý hợp đồng, tài sản trên đất cơ bản sẽ do tổ chức, cá nhân hợp tác, phối hợp với các trại giam chịu trách nhiệm, tiềm ẩn nhiều thiệt hại về kinh tế dẫn đến các tổ chức, cá nhân ngần ngại xem xét đầu tư hoặc khó thực hiện mong muốn hợp tác lao động, tạo việc làm, ngành nghề có tính lâu dài với các trại giam.

Hiện nay các loại hình ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam chủ yếu là các ngành nghề đơn giản, trình độ, kỹ năng lao động thấp, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng.

Hai là, thực tiễn khảo sát các loại hình ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản như: lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế…, yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp. Mặt khác, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, theo từng năm, mang tính thời vụ, không lâu dài, nên các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả hạn chế trong việc nâng cao trình độ kỹ năng lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi số lượng phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trong độ tuổi sung sức lao động (từ 18 đến 45 tuổi), có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống chiếm tỷ lệ rất cao trên tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hằng năm (trung bình là 86,41%).

Ba là, công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của các trại giam nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Do vậy, việc trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên, môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu này, nhiều trại giam không có khả năng tạo ra việc làm, công nghệ mà phải tìm kiếm hợp tác với tổ chức, cá nhân để bố trí việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan.

Từ những lý do nêu trên, Bộ Công an cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, qua đó tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.

Khi có kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.

Giang Oanh

}
Top