Thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma tuý: Dấu ấn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
(Chinhphu.vn) - Ngày 4/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) cho biết sau 3 tháng phát động, cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma tuý đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Thống kê cho thấy có 3,2 triệu lượt dự thi trực tuyến trên nền tảng internet, gần 5.000 bài dự thi viết tự luận.
Với mục đích tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó, nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cho công dân trong và ngoài nước, ngày 9/3/2023, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 113, tổ chức cuộc thi Tìm hiểu luật phòng chống ma tuý. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý được giao là đơn vị Thường trực, cơ quan chủ trì tổ chức cuộc thi.
Cuộc thi được tổ chức dưới 2 hình thức: Trắc nghiệm trên nền tảng internet và bài viết tự luận. Hệ thống câu hỏi phần thi trực tuyến được xây dựng với mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản về Luật Phòng, chống ma tuý và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống phần mềm dự thi được thiết kế hấp dẫn, đa phượng tiện, mang tính tương tác cao, dễ tiếp cận đến mọi đối tượng.
Ngay sau khi Bộ Công an ban hành Kế hoạch, cuộc thi đã nhận được sự chỉ đạo triển khai quyết liệt, sâu sát của các ban, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; và hệ thống chính trị ở địa phương. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, tham gia dự thi thuộc nhiều thành phần xã hội, đa dạng về nghề nghiệp, lứa tuổi, nhiều dân tộc, tôn giáo, cả trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cũng như sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.
Sau 3 tháng phát động, đã có hơn 3,2 triệu lượt tham gia thi trực tuyến. Đồng thời, Ban Tổ chức nhận được gần 5.000 bài dự thi tự luận. Thực tế, số bài viết lớn hơn nhiều, do các đơn vị, địa phương tổ chức chấm thi sơ loại và lựa chọn bài thi có chất lượng cao, gửi về ban tổ chức. Điều này cho thấy sức lan toả của cuộc thi rất rộng lớn, có ý nghĩa sâu sắc, là dấu ấn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Trong đó, nhiều bài dự thi tâm huyết, ấn tượng và sáng tạo, mô hình bài dự thi được đầu tư công phu, bài bản…Ngoài bản thể hiện trên giấy, nhiều bài thi kèm theo mã QR code, video clip, thiết kế đồ hoạ sinh động, hấp dẫn, gần gũi, dễ hiểu và dễ tiếp cận; nhiều bài viết có tính sáng tạo cao, phong phú về nội dung, khoa học trong cách trình bày, thể hiện sự kỹ lưỡng và chỉn chu, nghiêm túc của người tham gia dự thi.
Trong các bài thi tự luận, Ban Tổ chức cũng nhận được nhiều tranh do các em học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông vẽ nội dung tuyên truyền, cổ động về công tác phòng, chống ma tuý. Có bài dự thi làm phiên bản chữ nổi dành cho người khiếm thị….ngoài ra, bài thi cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng góp phần đưa Luật gần hơn với cuộc sống.
Ngoài phần thi viết, các tác giả cũng gửi gắm nhiều thông điệp thông qua những bức tranh cổ động, hướng tới một xã hội không ma tuý… Trong số đó, có bài dự thi được gửi về từ thí sinh là người khiếm thị…và đặc biệt, nhiều bài viết tay nắn nót hàng trăm trang giấy…
Đặc biệt, có bài viết tay tham gia dự thi của cụ bà 81 tuổi, cụ ông 76 tuổi ở Hà Nội và nhiều bài dự thi của các cháu học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Tuy trình bày ngắn gọn, đơn giản, chưa hẳn là một bài dự thi, nhưng qua đó đã thể hiện sự hưởng ứng, quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn ma túy đồng thời gửi gắm trong đó nhiều mong mỏi, kỳ vọng đối với công tác phòng, chống ma tuý. Các bài viết này sẽ là nguồn tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy đạt hiệu quả cao.
Hoàng Giang