Thời điểm ‘vàng’ để phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn

26/06/2024 15:01

(Chinhphu.vn) - Xin cho hỏi phụ nữ mang thai khi nào có thể sinh con và cần phải thực hiện các phương pháp nào để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?

Mang thai và sinh con là thiên chức của người phụ nữ. Với sự phát triển của Y học hiện đại, phụ nữ nhiễm HIV vẫn có quyền và có khả năng làm mẹ. Để con sinh ra không bị nhiễm HIV, thai phụ cần tuân thủ tốt các nguyên tắc trong điều trị và áp dụng các biện pháp để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn

Để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, phụ nữ nhiễm HIV nên kiểm tra và mang thai trong thời điểm khi tải lượng virus trong máu dưới ngưỡng. Bởi người mẹ nhiễm HIV khi có thai có thể truyền HIV cho con qua bánh rau, qua máu và dịch âm đạo, khi chuyển dạ đẻ hoặc qua sữa khi cho con bú.

Thời điểm ‘vàng’ để phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn- Ảnh 1.

Ảnh internet

Ước tính tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua từng giai đoạn của thai kì (tính trên 100 trẻ bị nhiễm HIV): trước sinh (khi mang thai, trong tử cung) 25%; trong sinh (lúc chuyển dạ) 50%; sau sinh (khi cho con bú) 25%. Tất cả những trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đều có nguy cơ bị lây nhiễm HIV nhưng thực tế chỉ có khoảng 25 - 40% con của các bà mẹ này bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Bình thường, rau thai có cấu tạo đặc biệt cho phép chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể của người mẹ… đi qua để nuôi dưỡng bào thai. Có một tỉ lệ virus HIV qua được rau thai qua các tế bào của mẹ bị nhiễm HIV. Sự lây truyền này xảy ra từ 3 tháng đầu của thai kỳ và tăng dần vào các giai đoạn sau của thời kỳ mang thai. Theo cơ chế này, HIV nằm trong các tế bào mẹ di chuyển qua bánh rau vào thai nhi. Ngoài ra, HIV có thể xâm nhập vào thai nhi do nhiễm khuẩn đặc biệt của bánh rau, xảy ra trong ba tháng đầu hay ba tháng giữa của thai kỳ. HIV cũng có thể xâm nhập muộn hơn vào nửa sau thai kỳ khi bề dày của "vách ngăn màng rau" mỏng đi.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con thường xảy ra muộn vào thời kỳ chuyển dạ, khi đứa trẻ "đi qua" đường sinh dục của mẹ để ra ngoài và do đó phơi nhiễm trực tiếp với HIV của mẹ. Đây là giai đoạn xuất hiện các cơn co tử cung, với tần số ngày càng cao, dẫn đến có những xuất huyết ở thành tử cung - bánh rau và có thể có những sự trao đổi máu mẹ - thai nhi trong quá trình chuyển dạ. Giai đoạn sau đó khi ối đã vỡ là khi thai nhi không còn có sự bảo vệ của màng ối, dẫn đến sự tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo và máu của mẹ.

Trong lúc sinh nếu có can thiệp như cắt tầng sinh môn, sanh forceps thì da, các mạch máu bị tổn thương làm tăng khả năng nhiễm HIV cho thai, hoặc thành âm đạo, cổ tử cung của người mẹ, da và niêm mạc của trẻ sơ sinh dễ bị trầy xước do bị thăm khám hay thủ thuật, virus qua những chỗ trầy xước đó mà thâm nhập vào cơ thể thai nhi.

Cuối cùng, sữa mẹ có thể là nguồn lây truyền HIV cho con nếu bà mẹ bị nhiễm HIV. Đó là do virus HIV từ các tế bào bạch cầu trong máu mẹ qua mạch máu thấm vào các nang sữa rồi qua sữa mẹ truyền sang con hay do sự xây sát gây chảy máu ở núm vú khi trẻ bú mẹ. Do vậy cho dù với nồng độ không cao nhưng HIV vẫn tồn tại trong sữa mẹ và có thể lây nhiễm cho trẻ bú sữa người mẹ nhiễm HIV.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một vấn đề nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Với kiến thức và biện pháp phòng ngừa phù hợp, phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh và không bị lây nhiễm HIV nếu điều trị ARV sớm khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Cần phải thực hiện các phương pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Ý nghĩa xét nghiệm tải lượng virus

Tải lượng virus là số lượng virus có trong máu hay dịch tiết của người bệnh bị virus tấn công, được tìm thấy thông qua xét nghiệm PCR hay Realtime RT-PCR. Dựa trên số lượng virus phát hiện được, các bác sĩ có cơ sở đánh giá tình trạng bệnh, lên chiến lược điều trị

Tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và ngăn ngừa lây nhiễm HIV truyền sang con và bạn tình.

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030

Từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến nay, sau 15 năm triển khai, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Vai trò của thuốc kháng HIV ARV để dự phòng lây nhiễm HIV

ARV là thuốc kháng HIV (Antiretroviral drug), ARV ức chế sự nhân lên của virus, duy trì nồng độ virus trong máu ở mức thấp nhất có thể. Khi một người bị nhiễm HIV, HIV làm suy yếu hệ miễn dịch, do vậy nếu được điều trị bằng thuốc ARV, nồng độ virus trong máu thấp nên hệ miễn dịch vì thế mà không bị ảnh hưởng. Hầu hết người nhiễm HIV đang điều trị ARV hiện nay vẫn khỏe mạnh, lao động, học tập, có gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh bình thường. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng: một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng thì nguy cơ lây truyền HIV sang con và người khác là rất thấp.

Vậy một người nhiễm HIV điều trị bằng ARV sau bao lâu đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện?

Hầu hết mọi người nhiễm HIV điều trị bằng ARV nếu tuân thủ điều trị tốt sẽ đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sau từ 3 đến 6 tháng điều trị. Để biết sau khi điều trị bằng ARV có được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện hay chưa cần phải xét nghiệm tải lượng virus định kỳ. Người nhiễm HIV khi điều trị ARV năm đầu tiên xét nghiệm tải lượng virus 2 lần (6 tháng 1 lần). Sau đó xét nghiệm tải lượng virus 12 tháng 1 lần. Xét nghiệm tải lượng virus định kỳ là rất cần thiết, không chỉ giúp để biết một người có đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện hay không mà còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị.

"Phụ nữ nhiễm HIV - Tuân thủ điều trị dự phòng lây truyền mẹ con sớm trong giai đoạn mang thai để sinh con khỏe mạnh"

Hàng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 - 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, điều trị thuốc dự phòng kịp thời, đầy đủ có thể giảm tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống dưới 2%.

Ngoài ra, nguy cơ mẹ mang thai bị nhiễm HIV lây truyền cho con thấp khi:

- Thai phụ được xét nghiệm phát hiện HIV càng sớm càng tốt trong khi mang thai (hoặc được xét nghiệm tiền sản trước khi mang thai)

- Phụ nữ nhiễm HIV được điều trị với thuốc kháng virus ARV trong khi mang thai và chuyển dạ

- Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dùng thuốc kháng virus ARV trong 4 đến 6 tuần sau khi sinh và được bú sữa thay thế.

Những biện pháp can thiệp giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Trước khi mang thai: Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần khám tiền sản bao gồm: khám sức khỏe tổng quát (bệnh nội khoa, tiền sử bệnh lý của cả hai vợ chồng, tiền sử tiêm ngừa), khám sức khỏe sinh sản (kiểm tra cơ quan sinh dục, tầm soát các bất thường gây viêm nhiễm và sàng lọc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bạn đời và đứa con khi mang thai như HIV, viêm gan B, giang mai…), đánh giá yếu tố di truyền.

Ngoài thăm khám sức khỏe, bác sĩ còn đưa ra những lời khuyên bổ ích về chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi khoa học, giúp chị em bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh sẵn sàng cho quá trình mang thai, cũng như ngăn ngừa các dị tật thai nhi như còi cọc, chậm lớn, thiếu máu, dị tật ống thần kinh…

Trong khi mang thai: Thai phụ cần được xét nghiệm đề phát hiện tình trạng nhiễm HIV càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ sau sinh, về nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ, kể cả việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này. Tư vấn hỗ trợ tinh thần, thực hiện các hành vi an toàn tránh để lây nhiễm HIV cho con và người xung quanh. Điều trị bằng ARV và thực hành tuân thủ điều trị thuốc ARV sớm nhất ngay sau khi phát hiện mẹ nhiễm HIV.

Trong khi sinh: Bảo đảm các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa. Hạn chế các thủ thuật: bấm ối, đặt điện cực, rạch màng ối sớm, mổ lấy thai khi có chỉ định sản khoa.

Sau khi sinh: Điều trị dự phòng cho trẻ nếu mẹ nhiễm HIV. Chuyển tiếp hồ sơ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV để mẹ và trẻ được chăm sóc và điều trị lâu dài. Nếu muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và đảm bảo tuân thủ điều trị tốt để đạt tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế. Trong trường hợp không thể bảo đảm điều trị thì người mẹ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.

Thúy Vân

hiv
}
Top