Đánh giá chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
(Chinhphu.vn) - Sau 15 năm triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6), nhằm hỗ trợ Dự án Quỹ toàn cầu giai đoạn 2024 - 2026, mới đây đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương để đánh giá chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thông qua đó, WHO xác định các thách thức, khoảng trống trong việc kết nối với chương trình dự phòng, điều trị cho bà mẹ nhiễm HIV và trẻ sinh từ mẹ nhiễm bệnh, từ đó, có những hỗ trợ thiết thực cho Việt Nam trong thời gian tới.
Lây truyền từ mẹ sang con là 1 trong 3 con đường chính lây truyền HIV, có thể diễn ra từ lúc thai nhi còn trong bụng mẹ, trong lúc sinh nở hay quá trình mẹ cho con bú. Kể từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên được phát động trên toàn quốc. Đến nay sau 15 năm triển khai, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng trống mà chương trình dự phòng chưa tiếp cận được tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, trong buổi làm việc, Bệnh viện Nhi Trung ương cùng đoàn công tác của WHO đã trao đổi các nội dung chi tiết liên quan đến vấn đề đánh giá việc triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các rào cản liên quan đến tiếp cận xét nghiệm và điều trị dự phòng lây truyền. Điều này sẽ giúp WHO có những chính sách, dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc can thiệp nhằm tăng cường độ bao phủ của chương trình.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Từ năm 2004, phòng khám ngoại trú HIV của Trung tâm đã thăm khám, theo dõi 1.220 bệnh nhi nhiễm HIV. Riêng từ năm 2023 đến nay có 337 bệnh nhi, trong đó có 125 bệnh nhi phơi nhiễm. So với các năm trước, số lượng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm dần.
PGS.TS Phùng Thị Bích Thủy, Phụ trách khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm cho biết: Bệnh viện Nhi Trung ương có đủ năng lực thực hiện đầy đủ các xét nghiệm PCR HIV định tính và đo tải lượng. Tuy nhiên, các rào cản về khoảng cách địa lý, bảo hiểm y tế khiên nhiều người bệnh ở các vùng nông thôn, miền núi vẫn khó khăn khi tiếp cận dịch vụ.
BSCKII Lê Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc trong việc ứng phó với HIV, còn khó khăn trong các bệnh lây truyền từ mẹ sang con khác như giang mai, lậu, viêm gan B.
Qua buổi làm việc, các chuyên gia của WHO đồng tình với phương án và quy trình giám sát, điều trị bệnh HIV ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ những khó khăn, vướng mắc đã được đề cập, WHO và Dự án Quỹ toàn cầu sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn 2024 – 2026, giúp Việt Nam duy trì các thành quả và đạt được các mục tiêu đề ra trong việc chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS.
Thùy Chi