Thực trạng bạo lực về giới tại Việt Nam

18/09/2015 10:08

Năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 6/2/2014 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Chương trình hành động này đã tập trung vào các giải pháp, hoạt động nhằm giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, vấn đề bạo lực hiện nay không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình mà còn xảy ra dưới nhiều dạng hình thức khác nhau đối với cả nam và nữ ở bên ngoài xã hội.

Bạo lực giới, trong đó bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình

Bạo lực trong gia đình: Nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam về bạo lực gia đình cho thấy 58% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 60 đã từng kết hôn cho biết họ từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần. Mặc dù vậy, 50% nạn nhân là nữ giới chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo hành; 87% nạn nhân chưa bao giờ viện dẫn đến sự trợ giúp của chính quyền hoặc các dịch vụ trợ giúp chính thức.

Tảo hôn, ép hôn: mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định tuổi tối thiểu được phép kết hôn là 18 đối với nữ và 20 tuổi đối với nam nhưng tình trạng tảo hôn xẩy ra khá phổ biến ở đồng báo dân tộc thiểu số. Trẻ em gái thường chịu tác động tiêu cực của nạn tảo hôn, như việc phải nghỉ học sớm, nguy cơ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh và bạo lực gia đình cùng những nguy cơ khác nhau. Kết quả nghiên cứu năm 2012 đối với phụ nữ cho thấy, tỷ lệ tảo hôn tại Việt Nam là 16%.

Buôn bán người: Phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ cao bị mua bán, lạm dụng và xâm hại tình dục ở các môi trường khác ngoài gia đình. Trong khoản thời gian từ 2005-2009, gần 6000 phụ nữ và trẻ em được xác định là nạn nhân của mua bán người tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công an năm 2013, trong khoản thời gian từ năm 2012 đến quý I/2013, đã có 550 vụ mua bán người được phát hiện với 1.080 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.

Lạm dụng tình dục trẻ em: Mỗi năm có khoảng 1.000 vụ lạm dụng tình dục trẻ em được báo cáo tại Việt Nam, song con số này có thể thấp hơn nhiều so với thực tế. Trong 5 năm từ 2008 đến 2012, có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện trên toàn quốc. Mối lo ngại lớn nhất là tình trạng lạm dụng và bạo lực tình dục đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ngày càng có nguy cơ gia tăng.

Mại dâm cưỡng bức: Ước tính Việt Nam có khoảng 300.000 phụ nữ mại dâm, người bán dâm do bị cưỡng ép, lôi kéo hay tự nguyện phải đối mặt với nguy cơ bạo lực do sự kỳ thị, tính không chính thức và phi pháp của hoạt động này.

Quấy rối tình dục: Quấy rối tình dục có thể xảy ra tại trường học, nơi làm việc, các cơ quan, tổ chức và địa điểm công cộng. Theo báo cáo nghiện cứu về Quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hợp tác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ là nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, bất bình giới dẫn đến việc phụ nữ chiếm đa số trong những công việc có vị trí thấp hơn nam giới và vì thế có nguy cơ bị quấy rối bới những người có vị trí cao hơn mình. Phụ nữ trẻ có nguy cơ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhiều nhất so với các nhóm đối tượng khác. Phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và độ tuổi của các nạn nhân này trong khoảng từ 18-30. Trên cơ sở những phân tích, đánh giá, báo cáo còn đưa ra một điều đáng lưu ý khác đó là hành vi quấy rối tình dục còn được nhận thức hết sức mô hờ, có tới 80% trong số các nạn nhân không hiểu rõ hình thức nào có thể được coi là quấy rối tình dục.

Theo kết quả khảo sát 1128 em gái của tổ chức Plan vào năm 2013 cho thấy 31,2% nữ sinh từng bị quấy rối tình dục trên xe bus.

Nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi đang là vấn đề nóng gây nên mất cân bằng giới tính khi sinh và từ đó dẫn tới những hệ lụy sâu sắc như làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới (nhiều phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ cũng tăng). Theo báo cáo của Bộ Y tế và số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh năm 2014 của Việt Nam là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời (tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân.

Trên phạm vi toàn quốc, hiện có mô hình phòng chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, có một số mô hình can thiệp do các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế thực hiện. Tuy nhiên, các can thiệp này chỉ mới ở cấp độ nhỏ và mang tính chất thử nghiệm như mô hình “Lồng ghép phòng, chống bạo hành giới dựa vào cơ sở y tế và cộng đồng” tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An (2006-2012) do công ty Tư vấn Đầu tư Y tế (CCIHP) thực hiện, Ford Foundation tài trợ; Dự án “Xúc tiến đa tổ chức tiếp cận dựa vào cộng đồng nhằm giải quyết hai vấn nạn song hành: buôn bán phụ nữ, trẻ em và HIV/AIDS (2008-2011) trên địa bàn 16 xã thuộc hai huyện Bát Xát (Lào Cai) và Bình Gia (Lạng Sơn) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình (RaFH), UBND tỉnh Lạng Sơn và Hội LHPN Lào Cai thực hiện…

}
Top