Tỉ lệ hiện nhiễm mới HIV cao nhất trong nhóm quan hệ đồng tính

15/07/2022 09:49

(Chinhphu.vn) - Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống, số người tử vong lũy tích theo từng năm là 110.990 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV hiện nay.

Tỉ lệ hiện nhiễm mới HIV cao nhất trong nhóm quan hệ đồng tính - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm HIV ở Việt Nam theo các khu vực như sau: Đồng bằng sông Cửu Long 27%; TPHCM 26%; Đông Nam Bộ là 15%; miền núi phía Bắc 8%; miền Trung và đồng bằng Sông Hồng 4%; Tây nguyên 2%. Tỷ lệ lây truyền như sau: Lây qua quan hệ tình dục không an toàn là 79,1% trong đó 84,7% là nam giới; lây qua đường máu là 9,9%. Đây là những con số đáng báo động cho thấy mặc dù số ca nhiễm đã có xu hướng giảm. Nhưng nhóm nguy cơ cao lại có sự dịch chuyển sang cộng đồng khác. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp và cách làm khác để giải quyết.

Trước thực tế số người nhiễm mới HIV tăng như hiện nay thì việc phòng chống căn bệnh này không phải của riêng chính phủ hay những người có trách nhiệm nữa mà đòi hỏi cả cộng đồng phải chung tay. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân thì việc tích cực điều trị cho người nhiễm HIV là điều cần phải triển khai thực hiện. 

Hiện nay Việt Nam có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn cũng như xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó, là 201 phòng xét nghiệm HIV hoạt động theo dự án của PEPFAR và Quỹ toàn cầu hỗ trợ. Hằng năm, những cơ sở này đã thực hiện tư vấn xét nghiệm cho khoảng 1.700.000 lượt người nghi nhiễm HIV. Kết quả là có khoảng 12.000 trường hợp dương tính.

Còn đối với các cơ sở điều trị HIV được Bộ Y tế cấp phép thì hiện nay Việt Nam có 478 địa chỉ đỏ luôn sẵn sàng hỗ trợ những người nhiễm HIV. Trong số đó, 270 cơ sở điều trị HIV có hỗ trợ người bệnh thanh toán qua Quỹ Bảo hiểm y tế. Đồng thời, 38 trại giam, 6 trung tâm và 2 trại tạm giam hỗ trợ cai nghiện và điều trị HIV cho người bệnh. Những con số này cho thấy sự nỗ lực của các tỉnh thành trên khắp cả nước trong việc chung tay đẩy lùi căn bệnh thế kỷ.

Tuy nhiên, không phải ai khi nhiễm HIV cũng đến các cơ sở này để được xét nghiệm và điều trị một cách bài bản. Hiện nay, cả nước có khoảng 161.000 người đang tiếp nhận điều trị với 85.000 bệnh nhân được sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế. 

Ngoài ra, còn rất nhiều các chương trình xã hội khác đồng hành cùng với người nhiễm HIV trên cả nước, để hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho những người đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này. Chẳng hạn như, chương trình Methadone được triển khai trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam và cụ thể là với 341 cơ sở điều trị. Chương trình hiện đã và đang điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân. 

Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước cũng đã triển khai thực hiện mô hình thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó nâng cao nhận thức và ý thức tự bảo vệ mình của tất cả mọi người.

Ngay từ khi virus HIV xâm nhập vào Việt Nam, trong suốt hơn 30 năm qua, Chính phủ và toàn xã hội chưa bao giờ ngừng cố gắng để chung tay đẩy lùi căn bệnh này. Tính đến thời điểm hiện tại thì đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đã đang dần được kiểm soát. Bằng chứng là số người nhiễm cũng như tử vong do mắc phải căn bệnh này đã ngày càng giảm. Tuy nhiên, để chấm dứt căn bệnh này vào năm 2030 (số người nhiễm HIV còn dưới 1.000 trường hợp) như mục tiêu đã đặt ra thì chắc chắn còn cần phải có sự nỗ lực nhiều hơn của toàn xã hội.  

Để làm được điều đó, không chỉ chính phủ, ngành y tế mà toàn xã hội cần phải chung tay hành động. Theo đại diện của Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm, ngành y tế sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông về HIV/AIDS đến nhiều người hơn thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung cuốn hút và thiết thực hơn; nâng cao chất lượng khám, xét nghiệm và điều trị HIV ở tất cả các cấp để đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân; đào tạo cho đội ngũ giám sát và tư vấn xét nghiệm sàng lọc phát hiện HIV và áp dụng ứng dụng các kỹ thuật xét nghiệm để giúp phát hiện ngày càng sớm cũng như khống chế dịch hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, kêu gọi sự đồng hành của các tổ chức trong việc đẩy lùi bệnh HIV tại các địa phương; hỗ trợ người nhiễm HIV cả về vật chất và tinh thần để họ xóa bỏ mặc cảm và vươn lên trong cuộc sống; tập trung chiến lược đánh mạnh vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV từ đó giảm thiểu tối đa nguồn lây nhiễm bệnh ra ngoài cộng đồng một cách mất kiểm soát.

Thùy Chi

Top