Nâng cao chất lượng công tác xã hội để giúp người yếu thế có cuộc sống ổn định

01/12/2022 10:59

(Chinhphu.vn) - Tại Hội thảo khoa học Hoàn thiện chính sách, pháp luật, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp diễn ra ngày 30/11, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho hay: Hiện nay, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh; đội ngũ người làm công tác xã hội và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Nâng cao chất lượng công tác xã hội để giúp người yếu thế có cuộc sống ổn định - Ảnh 1.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam: Cần chính thức công nhận vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Nên có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên công tác xã hội trong các luật liên quan

Trình bày một số vấn đề đặt ra trong chính sách pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho nhóm người yếu thế tại Việt Nam, bà Chu Thu Hiền, Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trách nhiệm chính trong việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người yếu thế trong xã hội thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội, cá nhân khác có điều kiện thì cũng có thể thực hiện việc trợ giúp pháp lý để giúp đỡ các đối tượng nêu trên.

Bà Chu Thu Hiền nêu rõ: Việc trợ giúp pháp lý nhằm giúp những đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, qua đó giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; góp phần bảo đảm cho họ tiếp cận công lý, thực hiện quyền bào chữa, nhờ người khác bào chữa, quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự…

Đề cập đến một loạt những đánh giá về chính sách, pháp luật đã được ban hành về hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, bà Chu Thu Hiền cho biết: Nhà nước đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này quy định chi tiết về các đối tượng được trợ giúp pháp lý, lĩnh vực trợ giúp pháp lý, các chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý và các vấn đề khác có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý…

Trình bày về nội dung công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam tập trung phân tích kỹ công tác xã hội trong tư pháp với người chưa thành niên vi phạm pháp luật; công tác xã hội đối với người bị hại, người làm chứng hành vi vi phạm pháp luật; các lựa chọn về thiết lập lĩnh vực công tác xã hội trong hệ thống tư pháp với người chưa thành niên ở Việt Nam.

Từ phân tích của mình, bà Lê Hồng Loan cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, nhiều chức năng, nhiệm vụ do nhân viên công tác xã hội thực hiện ở các nước khác thì lại do công an và UBND cấp xã thực hiện. Những cơ quan này không có đủ kỹ năng chuyên môn để giải quyết có hiệu quả tất cả các vấn đề xã hội dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. "Việt Nam cần có các giải pháp và kế hoạch để tăng cường vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là tư pháp với người chưa thành niên trong Kế hoạch thực hiện Đề án Quốc gia về Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch tổng thể về tăng cường hệ thống tư pháp với người chưa thành niên. Cần tiếp tục tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em và cải thiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ trẻ em đang gặp rủi ro, trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trong đó có trẻ em vi phạm pháp luật", bà Lê Hồng Loan nói.

Theo bà Loan, mặc dù Chính phủ đã ban hành một số văn bản dưới luật về nhân viên công tác xã hội, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản luật nào công nhận công tác xã hội là một nghề cũng như quy định về các tiêu chuẩn hành nghề, bằng cấp chuyên môn cần có của nhân viên công tác xã hội, và cơ chế cấp phép/đăng ký hành nghề cho nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Do đó, rất khó để công nhận về mặt pháp lý cũng như xác định vai trò và chức năng của nhân viên công tác xã hội trong các văn bản luật khác.

Bà Loan lấy ví dụ: Luật Trẻ em, Luật Nuôi con nuôi, các văn bản luật về lĩnh vực y tế, giáo dục, và tư pháp. Chất lượng dịch vụ công tác xã hội và tính chuyên nghiệp của nghề công tác xã hội cũng không được bảo đảm. Luật Nghề công tác xã hội sẽ công nhận công tác xã hội là một nghề, quy định trình độ chuyên môn của nhân viên công tác xã hội, thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn hành nghề dành cho nhân viên công tác xã hội nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng.

Do đó, bà Lê Hồng Loan đề xuất cần chính thức công nhận vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp, có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân việc công tác xã hội trong các luật liện quan như: Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự… và xây dựng hướng dẫn chi tiết về vai trò của nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.

Cùng với đó, nghiên cứu tính khả thi về mô hình cơ cấu và tổ chức cho nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp và chỉ định một bộ/cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp. Thí điểm mô hình nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp cho người chưa thành niên ở một số địa phương. Dựa trên kết quả thí điểm, xây dựng một kế hoạch từng bước mở rộng sự tham gia của nhân viên công tác xã hội vào hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên trên cả nước.

Nâng cao chất lượng công tác xã hội để giúp người yếu thế có cuộc sống ổn định - Ảnh 2.

Nghề công tác xã hội sẽ hỗ trợ, giúp đỡ, ngăn chặn, hạn chế hành vi phạm tội của những trẻ dưới 18 tuổi có hoàn cảnh khó khăn

 Cần quan tâm đến trẻ em dưới 18 tuổi

Nói về công tác xã hội hiện nay chưa được chú trọng phát triển toàn diện, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu một thực trạng. Đó là hiện nay tình trạng gia tăng các tiêu cực xã hội, bạo lực, bạo hành, trẻ em bị xâm hại, bỏ nhà đi lang thang, tệ nạn xã hội, tội phạm đang trở thành những vấn đề xã hội nhức nhối, thậm chí có không ít những vụ án nhẫn tâm gây chấn động xã hội trong thời gian qua…

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh; nhiều văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị pháp lý tương đối thấp. Đáng lưu ý, hiện đội ngũ người làm công tác xã hội và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Đánh giá thực trạng và chia sẻ kinh nghiệm về công tác xã hội trong lĩnh vực truy tố, đặc biệt là các vụ án liên quan đến hôn nhân, gia đình, trẻ em, người dưới 18 tuổi, ông Đỗ Văn Thắng (Phó Vụ trưởng Vụ 2, VKND Tối cao) đánh giá, việc gia tăng các vụ án có bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi không chỉ về số lượng mà tuổi phạm tội của các bị can, bị cáo cũng trẻ hóa, có nhiều vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gây hoang mang dư luận.

Tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội gia tăng và có diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là sự ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ thích ăn chơi, hưởng thụ, lệch chuẩn đạo đức, lối sống.

Bên cạnh đó, sự tan vỡ gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến các em bị khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo dẫn đến sa ngã, phạm tội.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến người dưới 18 tuổi nghiện ma túy, ông Đỗ Văn Thắng cho rằng, các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò. Trong khi đó, trong công tác xã hội, hiện chưa có một kế hoạch chiến lược về cơ chế điều phối, phối hợp liên ngành hiệu quả trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tư pháp cho người dưới 18 tuổi.

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trong thời gian qua mặc dù thể hiện xu hướng cải cách mạnh mẽ, nhưng còn thiếu một tầm nhìn tổng thể, mang tính chiến lược nhằm bảo đảm sự nhất quán và đồng bộ của hệ thống luật pháp, chính sách.

Đề xuất giải pháp, Phó Vụ trưởng Vụ 2, Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao cho rằng cần quan tâm tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán các cấp về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Vĩnh Hoàng

}
Top