Tìm giải pháp để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ nhiễm HIV
(Chinhphu.vn) - Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản lớn, đòi hỏi các bên phải nỗ lực để phụ nữ nhiễm HIV và phụ nữ bị bạo lực giới bớt khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế và hỗ trợ thiết yếu.

Bà Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực phụ nữ, UN Women Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Trung tâm Vì sự Phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ vừa phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức Hội thảo - Tập huấn với chủ đề "Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử trongcác chiến lược phòng ngừa và dịch vụ hỗ trợ dành cho phụ nữ sống chung với HIV và có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới".
Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cho cán bộ hội viên phụ nữ, các mạng lưới cộng đồng cùng đại diện các mô hình hỗ trợ người bị bạo lực và người sống chung với HIV; đồng thời, tìm ra các giải pháp phù hợp giúp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ nhiễm HIV.
Hội thảo cũng là dịp để chia sẻ các thực hành tốt từ địa phương, góp phần thúc đẩy sự phối hợp liên ngành và vận động chính sách nhằm bảo đảm phụ nữ sống với HIV và phụ nữ bị bạo lực giới có thể tiếp cận đầy đủ, kịp thời các dịch vụ thiết yếu - vì một xã hội không kỳ thị, không bạo lực và công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Bà Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực phụ nữ, UN Women Việt Nam nhấn mạnh về mối liên hệ chặt chẽ giữa HIV và bạo lực giới. Đây là hai vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, bị thúc đẩy bởi bất bình đẳng giới và mất cân bằng quyền lực liên quan đến giới. Tình trạng này để lại hệ lụy lớn về thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản, gây thiệt hại về kinh tế cho người bị ảnh hưởng, gia đình, cộng đồng và xã hội nói chung.
Tại Việt Nam, ước tính hiện có 270.000 người sống với HIV. Những năm gần đây, mỗi năm phát hiện mới hơn 10.000 người nhiễm HIV, trong đó các trường hợp lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm đa số và ngày càng trẻ hóa.
Sự thiếu hụt thông tin toàn diện về HIV và sức khỏe tình dục, định kiến liên quan đến giới, xu hướng tính dục, bản dạng giới và bạo lực giới đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu đối với phụ nữ và các nhóm dân số chịu ảnh hưởng chính bởi HIV và bạo lực trên cơ sở giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất cụ thể:
Thứ nhất, cải thiện luật pháp, chính sách và dịch vụ trong phòng ngừa HIV và bạo lực trên cơ sở giới dựa trên bằng chứng và kinh nghiệm từ cộng đồng. Đặc biệt cần có sự tham gia của phụ nữ sống chung với HIV, các nhóm thiểu số về tính dục, bản dạng giới chịu ảnh hưởng bởi HIV và đại diện của các tổ chức phụ nữ.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Thứ hai, tăng cường năng lực của nhân viên y tế và các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu để cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV và bạo lực trên cơ sở giới có nhạy cảm về giới, không có kỳ thị và phân biệt đối xử trên cơ sở giới.
Thứ ba, tăng cường giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho thanh thiếu niên, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao như trẻ em gái vị thành niên, nữ thanh niên và người trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ+. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục, y tế và cộng đồng là giải pháp cần thiết để giải quyết tình trạng gia tăng ca nhiễm HIV trong các nhóm trẻ, qua đường tình dục.
Thứ tư, kết nối dịch vụ công và dịch vụ cộng đồng trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho HIV và bạo lực giới đang bị cắt giảm là yêu cầu cấp thiết và có tính bền vững.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con không thể thiếu vai trò tích cực của tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mở rộng cung cấp dịch vụ để phát hiện sớm, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, nhất là các trường hợp mang thai ngoài ý muốn có liên quan đến bạo lực tình dục.
Thùy Chi