Tổng quan về người chuyển giới
Chuyển giới là một vấn đề pháp lý-xã hội gắn liền với quyền nhân thân của con người. Quyền của người chuyển giới hay còn gọi là quyền được chuyển đổi giới tính được cộng đồng quốc tế rất quan tâm trong khoảng 3 thập kỷ gần đây.
Theo Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc có những người đến một thời điểm nào đó tự nhận giới tính của mình khác với giới tính khi sinh ra, bao gồm các yếu tố sinh học như ảnh hưởng bởi gen, mức độ nội tiết trước khi mang thai, những trải nghiệm trong thời niên thiếu hay khi trưởng thành... Nhiều nghiên cứu cho thấy, một người chuyển giới thường có cảm nhận về giới tính của bản thân mình từ khá sớm, từ 3-5 tuổi, song việc công khai nhận mình là giới tính khác còn phụ thuộc vào kiến thức của từng cá nhân cũng như sự cởi mở của mỗi xã hội.
![]() |
Ánh Phong (đứng, chuyển giới từ nam sang nữ) đã thực hiện phẫu thuật ngực và bộ phận sinh dục tại Thái Lan. Ảnh Nhật Thy |
Chuyển giới không đồng nhất với đồng tính. Mặc dù chuyển giới liên quan tới cảm nhận về giới tính (“nghĩ mình là ai”), song đồng tính là khái niệm chỉ sự hấp dẫn tình cảm (“cảm thấy yêu ai”), vì vậy chuyển giới và đồng tính là khác nhau. Về mặt biểu hiện, không phải người chuyển giới nào cũng thể hiện ra bên ngoài đúng như giới tính mình mong muốn (ví dụ: Nam ăn mặc và hành xử như nữ, hay nữ ăn mặc và hành xử như nam).
Chuyển giới cũng không gắn liền với sự bất thường của bộ phận sinh dục. Mặc dù các yếu tố sinh học có ảnh hưởng nhiều tới người chuyển giới, đa phần họ vẫn hoàn chỉnh về mặt bộ phận sinh dục. Trong y học, những người sinh ra với tình trạng bộ phận sinh dục không xác định rõ là nam hay nữ được gọi là người liên giới tính. Người chuyển giới không nhất thiết phải là người liên giới tính. Chính vì vậy, nhiều quốc gia cho rằng người chuyển đổi giới tính không nhất thiết là người phải trải qua phẫu thuật. Định nghĩa về chuyển đổi giới tính chỉ là cảm nhận bên trong về giới tính của họ, còn việc phẫu thuật hay chưa phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế, sức khỏe, nhu cầu cá nhân của từng người.
Cũng không thể đồng nhất người chuyển giới với những công việc liên quan tới giải trí, vì mặc dù nhiều người chuyển giới tìm thấy cơ hội việc làm trong các công việc giải trí như ca hát, biểu diễn, trang điểm... nhưng người chuyển giới vẫn mong muốn và có thể làm những công việc khác. Vấn đề ở đây chỉ là cơ hội tiếp cận việc làm không bình đẳng, dẫn đến người chuyển giới ít có cơ hội lựa chọn các nghề nghiệp khác ngoài những công việc liên quan đến giải trí.
Trước đây, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM) xem chuyển giới là một dạng rối loạn định dạng giới (“gender identity disorder” - tức là một dạng rối loạn tâm thần), vì thế thường áp dụng các liệu pháp điều trị tâm lý và hoóc-môn. Phẫu thuật chuyển giới chỉ được coi là cách thức cuối cùng, việc thay đổi giới tính trên giấy tờ pháp lý rất khó khăn. Tuy nhiên, chuyển giới thực chất không phải là một dạng rối loạn tâm thần, vì chỉ có thể coi là rối loạn tâm thần khi một người rơi vào hoàn cảnh đau khổ, bất lực rõ rệt và lâu dài, trong khi nhiều người chuyển giới không trải qua những trải nghiệm như vậy.
Từ phát hiện đó, năm 2012, chuyển giới được loại ra khỏi danh sách các dạng rối loạn tâm thần của DSM, có nghĩa là được xem là một tình trạng tâm lý bình thường. DSM đồng thời kêu gọi cộng đồng hỗ trợ và chấp nhận người chuyển giới để họ có thể tự do thể hiện bản dạng giới của mình và giảm thiểu kỳ thị. Sau đó, nhiều quốc gia khác cũng không coi chuyển giới là một dạng rối loạn tâm thần mà xác định là một nhận dạng giới tự nhiên của con người. Kết quả là quyền chuyển giới và phẫu thuật chuyển đổi giới tính đã được gỡ bỏ các rào cản về nhận thức và được hiện thực hoá về mặt pháp lý ở nhiều quốc gia.
Kể cả khi có hoặc không thực hiện phẫu thuật, việc đổi tên (gồm cả tên đệm, từ nam sang nữ, từ nữ sang nam) và giới tính trong giấy tờ tuỳ thân thường rất được người chuyển giới quan tâm. Điều này là bởi tên và giới tính trong giấy tờ tùy thân là những dấu hiệu cụ thể về mặt xã hội cho thấy giới tính thực hoặc mong muốn về sự thừa nhận giới tính thực của họ. Thêm vào đó, trong trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới, việc này còn là điều kiện giúp họ tránh những rắc rối trong cuộc sống khi có sự mâu thuẫn giữa bản dạng giới mới và tên gọi cùng giới tính trong giấy tờ tuỳ thân.
Trên thế giới hiện có 3 cách cơ bản để thực hiện quyền đổi tên với người chuyển giới: Đổi tên bằng thủ tục hành chính; đổi tên bằng phán quyết tòa án; đổi tên bằng thủ tục tuyên bố thực tế. Trong nhiều trường hợp, đây là quyền không có điều kiện, tức là có thể đổi tên theo nguyện vọng, vì nhu cầu đổi tên gọi thường tới trước nhu cầu chuyển đổi giới tính.
Vấn đề chuyển giới từ lâu đã gây ra những tranh luận trái chiều ở các quốc gia. Có nhiều khía cạnh được thảo luận, trong đó câu hỏi chính là: Hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính có dẫn đến phẫu thuật chuyển giới ồ ạt hay lợi dụng việc này để trốn tránh các nghĩa vụ với nhà nước và xã hội hay không?
Về câu hỏi trên, cần thấy rằng khi được hợp pháp hoá, việc phẫu thuật chuyển giới sẽ phải theo một quy trình pháp lý-y tế chặt chẽ, với những điều kiện, tiêu chuẩn rõ ràng, được kiểm soát, giám sát bởi nhiều chủ thể, vì vậy những lo ngại nêu trên có thể được giải toả. Trong thực tế, chính việc không hợp pháp hoá chuyển giới mới dẫn đến nhiều nguy cơ cho người chuyển giới và cho xã hội, do quá trình chuyển giới “chui” không được tiêu chuẩn hoá và kiểm soát.
Tiêu chuẩn hoá và giám sát là những yêu cầu không thể thiếu khi hợp pháp hoá chuyển đổi giới tính, đơn giản là bởi kết quả của phẫu thuật chuyển giới là không thể đảo ngược (không thể khôi phục lại tình trạng cơ thể trước khi phẫu thuật). Ngoài ra, việc phẫu thuật còn tiêu tốn nhiều tiền bạc, sức khỏe, thời gian, công sức... của người chuyển giới. Mặc dù vậy, nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng giảm bớt các thủ tục pháp lý để tạo thuận lợi cho người có nhu cầu chuyển giới.
Cụ thể, pháp luật của nhiều nước đã thừa nhận thay đổi giới tính trên giấy tờ tuỳ thân kể cả khi họ chưa/không trải qua phẫu thuật, mà chỉ cần có chứng nhận kiểm tra tâm lý từ cơ quan y tế có thẩm quyền. Điều này là bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện phẫu thuật chuyển giới, trong khi sự kì thị, khó khăn xuất phát từ giấy tờ tuỳ thân đã và đang tước bỏ hay hạn chế các cơ hội giáo dục, nghề nghiệp của những người đó.
Ở khía cạnh khác, việc chuyển giới để trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước và xã hội, ví dụ như nghĩa vụ quân sự, là cách thức rất ít khi được áp dụng, vì trong thực tế có nhiều cách thức khác đỡ tốn thời gian, sức khỏe và tiền bạc hơn nhiều so với việc phẫu thuật chuyển giới. Vì vậy, có thể nói chỉ những người có nhu cầu chuyển giới mới nghĩ tới việc phẫu thuật chuyển giới.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,1-0,5%. Tại Việt Nam từ trước tới nay chưa có nghiên cứu nào về số lượng người chuyển giới, tuy nhiên, nếu sử dụng con số trung bình thấp của thế giới (là 0,1%), ước tính hiện nước ta có gần 100.000 người chuyển giới. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội-Kinh tế và Môi trường (iSEE) vào năm 2012, trong thực tế, các diễn đàn, hội nhóm dành cho người chuyển giới đang hoạt động có số lượng thành viên hơn 125.000 người, tuy nhiên cần thấy rằng không phải tất cả thành viên tham gia đều là người chuyển giới, cũng như không phải người chuyển giới nào cũng tham gia các diễn đàn, hội nhóm này.