TPHCM: Tăng cường các biện pháp mạnh trong phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm
(Chinhphu.vn) - Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống, AIDS, ma túy, mại dâm TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp mạnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đấu tranh phòng, chống ma túy, mại dâm, nhằm góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Tình hình dịch HIV/AIDS ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp
Hơn 30 năm qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp dự phòng lây nhiễm, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV, tăng chất lượng điều trị, khám bệnh qua bảo hiểm y tế, kêu gọi giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người bệnh, mô hình phòng khám hỗ trợ toàn diện một điểm đến... Điều này giúp số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến bệnh HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: VGP
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng virus HIV. Theo số liệu thống kê, tính từ năm 1990 đến tháng 9/2024, TPHCM đã phát hiện 89.261 người nhiễm HIV, lũy tích đã có 14.394 người tử vong vì HIV/AIDS, số người nhiễm HIV còn sống và quản lý đến là 52.695 trường hợp, số bệnh nhân còn lại đã chuyển điều trị tỉnh khác, mất dấu, bỏ trị và rời đi nơi khác.
Chỉ riêng tháng 9/2024, TPHCM đã phát hiện 2.544 trường hợp nhiễm HIV đưa vào danh sách quản lý, số trường hợp được ghi nhận tử vong là 222 trường hợp. Đối tượng nhiễm HIV mới phát hiện tập trung chủ yếu ở các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao chiếm 94%, bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới; vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm HIV hoặc bạn tình, bạn chích của đối tượng nguy cơ cao, nghiện chích ma túy.
Qua đó, TPHCM đã tổ chức xét nghiệm HIV cho 250.088 lượt, phát hiện 3.100 ca dương tính mới và 2.390 bệnh nhân đăng ký điều trị ARV. Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP): chương trình điều trị PrEP đã mở rộng triển khai tại 39 phòng khám công và tư nhân trên địa bàn trực thuộc 21/22 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức. Hiện 3.837 bệnh nhân được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã đạt được những thành quả nhất định với mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025. Theo đó, mục tiêu 95 thứ nhất (95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình), TPHCM đã đạt được 93,5%. Mục tiêu 95 thứ hai (95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV), TPHCM đã đạt được 92,8%. Mục tiêu 95 thứ ba (95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), TPHCM đã đạt được 98%.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiễm nhiều ở nhóm thanh niên trẻ, đặc biệt là nhóm nam thanh niên quan hệ tình dục đồng giới.
Trong khi đó, nguồn lực quốc tế tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS cắt giảm. Do đó, việc giữ vững thành quả phòng chống HIV/AIDS trong những năm qua cũng như hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 là thách thức lớn đối với TPHCM.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra tội phạm ma túy, mại dâm qua mạng
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống, AIDS, ma túy, mại dâm TPHCM, trong thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm. Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khám phá 3.342 vụ, 8.561 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy (tăng 1.149 vụ, tương đương 52,39%; tăng 3.656 đối tượng, tương đương 74,43% so cùng kỳ năm 2023).
Bên cạnh đó, tình trạng tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có liên quan đến an ninh trật tự, các khu chung cư, nhà cao tầng, khu nhà lưu trú... vẫn còn diễn ra. Tính đến ngày 05/12/2024, trên địa bàn TPHCM phát hiện 22.894 người nghiện, 4.571 người sử dụng trái phép chất ma túy và 939 người bị quản lý sau cai nghiện.
Trong khi đó, hoạt động mại dâm hiện nay có xu hướng sử dụng mạng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Telegram, Zalo), diễn đàn, hội, nhóm kín để hoạt động. Các nhóm, diễn đàn này có nhiều thành viên tham gia và thường được thể hiện dưới dạng nhóm kín gồm các đối tượng là người bán dâm, mua dâm và đối tượng môi giới nhằm tiếp cận nhiều người nhằm móc nối, trao đổi thực hiện hành vi mua bán dâm hay các tệ nạn xã hội khác.
Tình trạng hoạt động mại dâm cho người nước ngoài cũng đang diễn biến phức tạp, các chủ nhà hàng chỉ tiếp khách là người nước ngoài, không tiếp khách là người Việt Nam đến ăn uống, vui chơi; nhân viên của cơ sở đòi hỏi phải có người quen giới thiệu thì mới vào làm việc nhằm né tránh việc nắm tình hình, thu thập thông tin của lực lượng chức năng.
Trong năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được các lực lượng chuyên trách chú trọng. Theo đó, TPHCM đã kiểm tra 2.305 lượt cơ sở, phát hiện 1.134 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội; xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền 1.129 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 15,8 tỉ đồng.
Trong kỳ, các cơ quan chức năng đã phối hợp với Công an các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, tổ chức 391 lượt truy quét mại dâm nơi công cộng phát hiện 20 trường hợp bán dâm; triệt phá 211 vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ phát hiện 996 người vi phạm, trong đó có: 360 người mua dâm; 379 người bán dâm (trong đó có 07 người dưới 18 tuổi) và 257 chủ chứa, môi giới mại dâm; xử lý vi phạm hành chính 752 người và lập hồ sơ xử lý hình sự 244 đối tượng về hành vi chứa mại dâm và môi giới mại dâm.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức
Với phương châm "phòng ngừa là chính", thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong Nhân dân gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Đặc biệt trong Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm 2024 đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục đến từng thành viên, từng gia đình có người thân nghiện ma túy cùng tham gia, làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và Nhân dân xây dựng phường, xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, mại dâm trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố và cùng với sự tham gia của các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn cũng còn gặp một số hạn chế, khó khăn nhất định (như: phát hiện một số chất mới chưa được quy định vào Danh mục các chất ma túy; số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy phát hiện mới vẫn ở mức cao nhất cả nước; số điểm nguy cơ phức tạp về ma túy đưa vào danh sách quản lý ngày càng tăng; các đối tượng hoạt động mại dâm trên không gian mạng rất khó bị phát hiện, công tác triệt phá các tụ điểm mại dâm núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ bị hạn chế…).
Trên cơ sở phát huy những mặt mạnh, tiếp tục khắc phục những vướng mắc, trong thời gian tới, thành phố sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác phòng, chống AIDS, mại dâm và ma túy.
Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động điều tra, phát hiện, bắt giữ và kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tội phạm có liên quan đến ma túy, mại dâm…, TPHCM sẽ tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy, mại dâm trên địa bàn với phương châm "phòng ngừa là chính".
Riêng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, thành phố sẽ tập trung tiếp cận và cung cấp các dịch vụ, cũng như điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; đồng thời nâng cao dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thùy Chi