Trách nhiệm của Bộ Công an trong công tác phòng, chống mua bán người
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi để đưa vào các tụ điểm dịch vụ kinh doanh Karaoke, hoạt động mại dâm. Trước tình hình này, Bộ Công an đã nêu rõ trách nhiệm trong công tác phòng, chống mua bán người.
Cụ thể, trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, Bộ Công an có trách nhiệm: Đề xuất với Chính phủ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống mua bán người; Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người;
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống mua bán người; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người;
Đồng thời thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người; và thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, Bộ Công an có trách nhiệm: Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đấu trang phòng, chống mua bán người; Thực hiện quản lý an ninh, trật tự để phòng ngừa mua bán người; Chỉ đạo cơ quan Công an thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân theo quy định tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật phòng chống mua bán người; Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong quý III/2023, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Tổng đài hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới, mua bán người (1900.969680) đã tiếp nhận 283 cuộc gọi với 292 lượt tham vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và người có nguy cơ cao là nạn nhân của mua bán người… Với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Điển hình, vào ngày 4/7/2023, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hải Phòng giải cứu, tiếp nhận 2 nạn nhân nghi bị mua bán tại huyện Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng giải cứu, tiếp nhận 61 nạn nhân, người nghi là nạn nhân; tiến hành rà soát, sàng lọc 54 công dân có dấu hiệu bị mua bán do lực lượng chức năng của nước ngoài trao trả. Mô hình Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội và Cần Thơ tiếp tục tiếp nhận, hỗ trợ 54 trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán trở về...
Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người, lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Qua đó, lực lượng Công an toàn quốc trong 3 tháng qua (quý III/2023) đã tiếp nhận, giải quyết 92 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người. Phát hiện, điều tra 85 vụ/230 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ luật Hình sự. Xác định 224 nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh việc tập trung tấn công trấn áp mạnh loại tội phạm mua bán người, lực lượng Công an nhân dân còn làm tốt công tác tham mưu chính quyền các cấp, tổ chức tốt công tác tuyên truyền hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bản người", với chủ đề năm 2023 "Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau"; các lực lượng chức năng đã tổ chức 21.398 buổi truyền thông (truyền thông lưu động, đối thoại, hội thi, truyền thông tại hộ gia đình) tới hơn 1,1 triệu lượt người nghe. Xây dựng gần 75.843 pano, áp phích, tờ rơi, đĩa hình, băng rôn... có nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Lồng ghép và truyền tải 1.336 lượt các thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học. Xây dựng, triển khai hoạt động hiệu quả của nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, điển hình: mô hình "phòng, chống mua bán người" và "3 không: Không di cư trái phép, không xuất cảnh trái phép, không hôn nhân trái pháp luật" tại Điện Biên; câu lạc bộ "Truyền thông tư vấn pháp luật cho phụ nữ" và "Trợ giúp pháp lý" tại Lạng Sơn; mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người" và "Hỗ trợ phụ nữ di cư lao động an toàn" tại Nghệ An; mô hình "Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về" tại Cần Thơ...
Tòa án nhân dân các cấp cũng đã kịp thời thụ lý, xét xử nghiêm khắc đối với loại tội phạm mua bán người, góp phần tạo sức răn đe chung đến toàn xã hội; đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 48 vụ/139 bị cáo (so với cùng kỳ năm trước tăng 18 vụ và 68 bị cáo); đã giải quyết, xét xử 30 vụ với 77 bị cáo. Trong đó, có 07 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm; 28 bị cáo bị tuyên phạt tù từ 7 năm đến 15 năm...
Công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng theo nguyên tắc "lấy nạn nhân là trung tâm" và bảo đảm các quyền của nạn nhân. Các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân và Bộ đội Biên phòng phối hợp với cơ quan ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương... thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Công tác nghiên cứu, xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tiếp tục được triển khai. Đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đồng thời tổ chức lấy ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương đối với nội dung dự án Luật.
Giang Oanh