Sửa đổi Luật về phòng, chống mua bán người để phù hợp thực tiễn

07/07/2023 08:15

(Chinhphu.vn) - Một số quy định đã ban hành, đến nay chưa tương thích với diễn biến quốc tế, thiếu tính đồng bộ, thống nhất dẫn đến khó khăn trong xử lý tội phạm mua bán người, hợp tác quốc tế trong phối hợp điều tra, ủy thác điều tra, dẫn độ tội phạm, xác định nạn nhân bị mua bán...

Sửa đổi Luật về phòng, chống mua bán người để phù hợp thực tiễn - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa: Chế độ hỗ trợ nạn nhân, từ việc hỗ trợ ban đầu sau khi nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận đến việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng không còn phù hợp với thực tiễn. Ảnh: quochoi.vn

Ngày 6/7, Ủy ban Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về 'Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người'. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa và Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi chủ trì hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, qua khảo sát trực tiếp tại 9 địa phương ở miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ về "việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022" cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến tương đối phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, gây bất an, lo lắng trong nhân dân, nhất là việc lợi dụng chính sách về đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài… để lừa nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, cơ sở giải trí, dịch vụ nhạy cảm, cơ sở trồng cần sa; nhiều trường hợp bị mua đi bán lại, cưỡng bức, thậm chí là lấy bộ phận cơ thể…

Đáng lưu ý, nạn nhân của tội phạm mua bán người hiện cũng đã thay đổi, không chỉ tập trung vào phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã có nhiều nam giới trở thành nạn nhân. Tội phạm mua bán người không chỉ ở nước ngoài mà diễn ra ngày càng nhiều ở trong nước. Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số nơi còn chưa nghiêm. Công tác phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người, việc giải cứu, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người được ban hành đã lâu, không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Một số quy định chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thiếu tính đồng bộ, thống nhất dẫn đến khó khăn trong xử lý tội phạm mua bán người, hợp tác quốc tế trong phối hợp điều tra, ủy thác điều tra, dẫn độ tội phạm, xác định nạn nhân bị mua bán... Chế độ hỗ trợ nạn nhân, từ việc hỗ trợ ban đầu sau khi nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận đến việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo báo cáo của Bộ Công an, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã 5 - 6 năm, nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay; nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện (như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội... Bên cạnh đó, cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản)...; đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có các tham luận, trình bày ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramala Khalidi kiến nghị, cần tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân, bao gồm lao động nhập cư, cá nhân hành nghề mại dâm, lao động trẻ em và nạn nhân của các hoạt động lừa đảo trên mạng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về buôn bán người.

Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số với nhiều thách thức hiện nay, nhiều ý kiến nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch, rõ ràng, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cũng như xu thế phát triển và hội nhập quốc tế là hết sức quan trọng, cần thiết.

Các đại biểu cũng kiến nghị, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản dưới Luật theo hướng bổ sung đối tượng được hỗ trợ là nạn nhân bị mua bán được trao trả qua Việt Nam. Đồng thời, cân nhắc đến nhóm đối tượng là những cá nhân có dấu hiệu bị mua bán, những người nghi là nạn nhân, những trường hợp tự trở về hoặc trực tiếp khai báo với cơ quan có thẩm quyền.

Vĩnh Hoàng

}
Top