Từ những gói nghi ma túy trôi dạt, báo động ma túy xâm nhập đường biển

31/03/2024 12:01

(Chinhphu.vn) - Từ các vụ việc ma túy trôi dạt trên biển gần đây càng cho thấy đã diễn ra hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy diễn ra trên biển với số lượng lớn, trong đó tuyến đường biển qua khu vực biển miền Trung và phía Nam được nhận định là cung đường vận chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm quốc tế.

Từ những gói nghi ma túy trôi dạt, báo động ma túy xâm nhập đường biển- Ảnh 1.

Các gói nylon nghi chứa ma túy trôi dạt bờ biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Công an Tiền Giang

Phát hiện nhiều gói nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang

Liên tiếp những ngày gần đây, lực lượng chức năng đã tổ chức thu gom, điều tra, xác minh làm rõ các gói nghi ma túy phát hiện tại khu vực bờ biển Gò Công thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và khu vực Hòn Bà, Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khoảng 17h30', ngày 29/3, ông L.V. H. (trú tại phường 2, TP.Vũng Tàu) khi đang đi dạo trên bãi biển thuộc khu vực Hòn Bà, Bãi Sau, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì phát hiện một bao tải màu trắng nằm trên bờ biển.

Ông H. đã mở bao tải ra xem, thì phát hiện có các gói hình chữ nhật, trong các gói có chứa chất bột màu trắng, nghi là ma túy, nên ông H. đã đến Công an phường 2 để trình báo.

Nhận được tin báo, Công an phường 2 đã chủ trì, phối hợp với Công an TP. Vũng Tàu, BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành thu giữ và đưa toàn bộ vật thể đựng trong bao tải về trụ sở Công an phường 2.

Qua kiểm tra, trong bao tải có 21 gói vật thể hình chữ nhật được cuốn nhiều lớp nilon màu đen và màu bạc, bên trong chứa chất bột màu trắng, mỗi gói có trọng lượng khoảng 1 kg (nghi là cocaine). Lực lượng chức năng đã tiến hành các thủ tục thu giữ theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 27/3, Công an TP. Vũng Tàu kiểm tra tại một phòng trọ ở đường Đô Lương, phường 11, TP. Vũng Tàu, phát hiện đối tượng Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1983, trú tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) đang có hành vi tàng trữ 1 gói nylong, bên trong chứa chất tinh thể màu trắng (nghi là ma túy loại cocaine) có khối lượng khoảng 1kg.

Tuấn khai nhận, ngày 25/3, một người quen kể đã thấy một bao tải nằm trên bờ biển thuộc khu vực phường 10, TP.Vũng Tàu và chở Tuấn ra bãi biển chở bao tải về. Trước khi về, Tuấn đã ngụy trang bao tải để tránh bị phát hiện.

Về đến nhà trọ, Tuấn mở gói nilon ra và phát hiện bên trong có chứa chất tinh thể màu trắng nghi là ma túy. Đối tượng đã chụp hình lại với mục đích nếu là ma túy sẽ tìm cách bán cho các đối tượng tiêu thụ.

Cơ quan Công an đã thu giữ, niêm phong toàn bộ 21 gói nilon có chứa tinh thể trắng (nghi là cocaine) nói trên để tiến hành các thủ tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Còn tại Tiền Giang, vào khoảng chiều tối ngày 29/3, một người dân trong lúc đi lượm ve chai ven khu vực Đê biển Gò Công (đoạn từ xã Tân Điền đến xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) thì phát hiện có nhiều gói nylon hình chữ nhật được quấn kín bằng băng keo (với nhiều màu sắc khác nhau) trôi dạt vào bờ biển nên trình báo cơ quan Công an.

Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an tỉnh đã khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp các ngành chức năng liên quan tiến hành phong tỏa hiện trường, tổ chức thu gom được 39 gói nylon hình chữ nhật, trọng lượng mỗi gói khoảng từ 1-1,2 kg.

Tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm, đến 9h ngày 30/3, lực lượng chức năng phát hiện và thu gom thêm 13 gói tương tự, nâng tổng số thu được là 52 gói. Qua kiểm tra nhanh, xác định bên trong có chứa chất tinh thể màu trắng dạng bột (nghi vấn là ma túy).

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu nhận 11 túi nilon được hàn kín bên trong có chứa dung dịch màu trắng nghi là ma túy.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên địa bàn; phối hợp với các khu phố, thôn, ấp tuyên truyền cho người dân nếu phát hiện vật thể lạ (nghi ma túy) phải báo ngay cho các cơ quan chức năng; đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện các đối tượng vớt được, đang cất dấu các vật thể (nghi ma túy) trôi dạt để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân nếu phát hiện các gói đồ vật nghi là ma túy trôi dạt, phải kịp thời trình báo cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ động giao nộp, cung cấp thông tin có liên quan; không được cất giấu, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Việc người dân và lực lượng chức năng phát hiện các bọc nilon chứa ma túy trôi dạt vào bờ biển không phải là hiếm trong mấy năm gần đây. Điển hình như đầu năm 2024, người dân ở khu vực biển Quảng Ngãi đã phát hiện, trình báo và giao nộp gần 300 gói cocaine cho cơ quan chức năng.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) từng nhận định, trong các vụ việc, số ma túy trôi dạt vào bờ biển có nguồn gốc từ nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia sử dụng đường biển để vận chuyển đến các nước khác. Có thể trong quá trình vận chuyển để đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng các nước, các đối tượng đã ném ma túy xuống biển để phi tang. Số ma túy này bị sóng đánh dạt vào nhiều vùng biển gây khó khăn cho lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Xuất hiện nhiều đường dây, tổ chức tội phạm ma túy lớn trên tuyến biển

Cũng theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, do tác động của tình hình tội phạm ma túy ở quốc tế, khu vực và trong nước; sự đa dạng và thuận lợi của loại hình vận tải biển cùng với siêu lợi nhuận thu được từ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đã chọn đường biển Việt Nam như một cung đường vận chuyển xuyên quốc gia với tính chất, mức độ ngày càng gia tăng, phức tạp.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biển ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, nhất là trong khâu cất giấu, vận chuyển, giao nhận cũng như cách thức trao đổi thông tin mua bán ma túy, như: Trộn, cất giấu ma túy vào các loại hàng hóa hợp pháp để ngụy trang, vận chuyển ma túy qua nhiều cảng biển, nhiều quốc gia; sử dụng nhiều phương tiện tàu thuyền khác nhau để vận chuyển (tàu cá, tàu chở hàng, tàu cải hoán...).

Gần đây, qua việc bắt giữ, khám xét các tàu cá nước ngoài nghi vấn liên quan đến ma túy cho thấy, các đối tượng, đường dây tội phạm ma túy nước ngoài thường thuê người, đóng hàng, giao dịch qua mạng xã hội, sử dụng tàu đánh cá xa bờ, không cắm cờ quốc tịch, không bật định vị AIS, để vận chuyển, giao nhận ma túy ở các tọa độ thống nhất trước trên biển. Việc giao nhận ma túy được thực hiện vào ban đêm, khi thời tiết xấu.

Đây có thể đánh giá là thủ đoạn mới của tội phạm ma túy quốc tế hoạt động trên biển, cùng với đó, điều khiển nhiều tàu không chở hàng hóa, không đánh cá để đánh tín hiệu, nếu an toàn sẽ triển khai việc vận chuyển ma túy.

Từ các vụ việc ma túy trôi dạt trên biển gần đây càng cho thấy đã diễn ra hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy diễn ra trên biển với số lượng lớn. Ma túy trôi dạt cũng có sự khác biệt so với các năm trước, các năm trước chủ yếu là ma túy tổng hợp dạng đá nhưng năm nay là cocaine. Do vậy, có thể nhận thấy tuyến đường biển qua khu vực biển miền Trung và phía Nam là cung đường vận chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm quốc tế.

Hiện nay, công tác phòng chống tội phạm ma túy trên biển gặp nhiều khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó, đặc thù địa bàn, địa hình trên biển rất rộng, hơn 1 triệu km2, diễn biến thời tiết phức tạp, điều kiện địa hình trống trải, rất khó để ngụy trang, tiếp cận các tàu thuyền nghi vấn và triển khai các nội dung công tác nghiệp vụ cơ bản trên biển.

Bên cạnh đó, quân số của lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển còn rất mỏng, kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm ma tuý trên biển có mặt còn hạn chế trong khi đó phải quản lý cả vùng biển rộng lớn, phức tạp.

Ngoài ra, thiếu những thông tin về đường dây, đối tượng phạm tội về ma túy, đặc biệt là thông tin về đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia liên quan đến tuyến biển, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các biện pháp công tác nghiệp vụ cơ bản và xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh trên biển.

Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biển rất cần có sự phối hợp hiệu quả và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và Hải quan cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tỉnh, thành phố ven biển; các nước có vùng biển giáp ranh, các tổ chức quốc tế.

Hoàng Giang

}
Top