Tư vấn, tạo động lực thay đổi hành vi liên quan đến HIV/AIDS

06/03/2024 10:31

(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (5 và 6/3), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ phối hợp dự án EpiC/FHI 360 tổ chức lớp tập huấn kỹ năng tư vấn tạo động lực cho nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm MSM. Ðây là lớp tập huấn đầu tiên về chủ đề này tại TP Cần Thơ.

Các học viên tham gia lớp tập huấn là cán bộ chuyên trách AIDS ở trung tâm y tế 9 quận, huyện; nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); các nhóm cộng đồng (CBO): Glink, S Ðỏ, Tình Cờ, VTC Team, Phương Nam tham gia lớp tập huấn.

Tư vấn, tạo động lực thay đổi hành vi liên quan đến HIV/AIDS- Ảnh 1.

Đông đảo công nhân hào hứng đăng ký tham gia nâng cao kiến thức phòng chống HIV. Ảnh: Thùy Chi

Các giảng viên cung cấp thông tin về tình hình dịch HIV và các chiến lược can thiệp tổng thể trong phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam; xác định nguy cơ lây nhiễm HIV; liệt kê được những điểm thất thoát khách hàng phổ biến trong bối cảnh hiện nay; xác định vai trò của mỗi cá nhân trong việc hỗ trợ khách hàng thay đổi nhằm giúp cải thiện đời sống và đạt được kiểm soát dịch...

Tư vấn tạo động lực là phương thức giao tiếp lấy khách hàng làm trung tâm để khơi gợi và tăng cường động lực để thay đổi hành vi. Thấu cảm là thái độ xuyên suốt trong tư vấn tạo động lực.

Chương trình tập huấn được thiết kế để giải quyết những thách thức mà cán bộ cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS phải đối mặt trong việc tạo động lực cho khách hàng để đưa ra các quyết định mang lại những kết quả tích cực và bền vững liên quan đến dự phòng, tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị ARV.

Theo số liệu thống kê của CDC TP. Cần Thơ, dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Ðặc biệt là trong nhóm MSM và công nhân lao động, tỉ lệ nhiễm HIV tăng dần qua các năm, từ 4,6% vào năm 2021 lên tới 14,2% vào năm 2023.

Trong thời gian qua, Cần Thơ đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm hại trong nhóm MSM, công nhân lao động. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Riêng những tháng cuối năm 2023, CDC Cần Thơ phối hợp LÐLÐ thành phố và 5 quận, huyện tổ chức 30 cuộc truyền thông cho 900 công nhân lao động. Buổi truyền thông tại Công ty TNHH Kwong Lung - Meko Cần Thơ thu hút rất đông công nhân tham gia.

Cũng trong năm 2023, CDC Cần Thơ phối hợp Quận đoàn Ninh Kiều, Nhóm CBO Tình Cờ, Bình Thủy thực hiện sự kiện truyền thông cho đoàn viên, công nhân lao động; phối hợp cùng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thực hiện lắp đặt 4 pano truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tại 4 khu công nghiệp: Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Hưng Phú và Thốt Nốt; phối hợp các nhóm cộng đồng và doanh nghiệp, đồng đẳng viên, tiếp cận viên xây dựng và phát triển các fanpage truyền thông trên mạng xã hội; phối hợp với Thành Ðoàn, Ðoàn khối Cơ quan Dân Chính Ðảng, quận đoàn tổ chức các hoạt động, chiến dịch truyền thông.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện thế giới có trên 26 triệu người lao động bị nhiễm HIV/AIDS, chiếm 2/3 tổng số người nhiễm còn sống. Nhiều kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao nhiễm HIV, tử vong làm giảm chất lượng và số lượng lao động; đồng thời tăng chi phí tuyển dụng và đào tạo lại, tăng sự vắng mặt của nhiều lao động khác do phải nghỉ việc để chăm sóc người nhà ốm, thăm hỏi đồng nghiệp, tham dự tang lễ... Chi phí cho người lao động nghỉ việc, chăm sóc điều trị và các khoản chi phí khác do HIV/AIDS gây ra chiếm tỷ lệ rất lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.

ThS.BS Ðỗ Hữu Thủy, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Thực hiện phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động là bảo vệ được nguồn nhân lực, tạo môi trường làm việc hiệu quả và nâng cao uy tín cho doanh nghiệp.

Theo CDC Cần Thơ, nhiều nhà tài trợ, dự án lớn trên thế giới đã đưa ra nguyên tắc khi xây dựng các chương trình dự án nếu không thiết kế có hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho người lao động, sẽ bị từ chối tài trợ về tài chính/kỹ thuật (như dự án cầu Cần Thơ, Nhiệt điện Trà Nóc, cầu Vàm Cống, cầu Mỹ Thuận). Qua thực hiện phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân, lao động, đã phát hiện một số công nhân nhiễm HIV và họ được đưa vào điều trị sớm, giữ được sức khỏe. Tại các khu công nghiệp, người lao động được cung cấp các kiến thức và biện pháp dự phòng trước đại dịch HIV và các hỗ trợ khác về HIV.

Ðể thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện 5 hoạt động: thành lập Ban phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc; thành lập đội truyền thông và tập huấn cho đội truyền thông, lập kế hoạch hoạt động và kinh phí tổ chức, chăm sóc hỗ trợ người lao động nhiễm HIV…

Trong năm 2024, CDC Cần Thơ sẽ phối hợp Liên đoàn lao động (LÐLÐ), các nhóm cộng đồng thực hiện 4 cuộc truyền thông tại các nhà máy (100 công nhân/cuộc); tăng cường công tác phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là LÐLÐ thành phố và các quận, huyện để truyền thông cho công nhân trên địa bàn.

Ðồng thời, dự thảo văn bản phối hợp triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIIDS cho công nhân trên địa bàn thành phố giữa LÐLÐ thành phố và Sở Y tế Cần Thơ.

Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ đồng đẳng viên, nhóm cộng đồng thực hiện truyền thông can thiệp trong nhà máy; xây dựng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp từ nguồn kinh phí địa phương và các nguồn tài trợ khác; giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Thùy Chi

Top